Các giới chức quân sự Nam Triều Tiên nói đợt pháo kích thứ nhì, dường như xuất phát từ Bắc Triều Tiên, khởi sự khoảng 7 giờ đồng hồ sau đợt pháo kích đầu tiên hôm thứ Tư.
Một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên ở Seoul, yêu cầu dấu tên, nói Nam Triều Tiên đã bắn 3 phát súng cảnh cáo vào Biển Vàng chiều hôm thứ Tư, 1 giờ đồng hồ sau khi người ta nghe tiếng đạn pháo đến từ Bắc Triều Tiên ở gần biên giới biển đang trong vòng tranh chấp giữa 2 bên.
Chính quyền Nam Triều Tiên cho biết là miền Bắc lại thực hiện thêm một đợt pháo kích vào chiều tối cùng ngày, khiến binh sĩ Nam Triều Tiên phải đáp ứng bằng 3 quả đạn pháo nữa.
Các sự kiện này diễn ra dọc theo biên giới biển phía tây giữa hai miền, thường được gọi là Đường Giới hạn phía Bắc. Nam Triều Tiên cho biết họ không thể xác nhận liệu có quả đạn pháo nào rơi vào vùng biển của họ ở phía Nam Đường Giới hạn hay không.
Vụ pháo kích từ Bắc Triều Tiên dường như xuất phát từ đảo Yongmae, cách Đường Giới hạn khoảng 11 km về hướng Bắc.
Một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên nói miền Nam không chắc, liệu có phải Bắc Triều Tiên lúc đó đang thực hiện một cuộc diễn tập hay không. Chính quyền miền Nam chưa xác quyết được liệu những quả đạn pháo nã vào vùng biển phía Nam là có chủ ý hay là do bắn nhầm gây ra.
Bắc Triều Tiên không công nhận Lằn ranh phía Bắc và nhiều thập niên nay đòi phải vẽ lại ranh giới này xa hơn về phía nam. Nam Triều Tiên coi đường ranh giới do LHQ ấn định năm 1953 là ranh giới hợp pháp.
Hải quân Nam Triều Tiên cho biết đã phát đi qua làn sóng máy truyền tin lời cảnh cáo miền Bắc, 25 phút sau khi nghe đợt đạn pháo đầu tiên, và một quả đạn pháo rơi xuống gần đảo Yeonpeong của Nam Triều Tiên.
Quân đội Nam Triều Tiên cho biết sau đó họ đã bắn trả từ đảo Yeonpyeong, 35 phút sau khi đã phát đi lời cảnh cáo.
Các giới chức quân đội Nam Triều Tiên nói rằng không có dấu hiệu nào cho thấy các hoạt động bất thường của miền Bắc và lực lượng miền Nam vẫn duy trì tư thế phòng thủ.
Hiện Bắc Triều Tiên chưa lên tiếng gì về những sự cố xảy ra hôm thứ Tư. Nhưng dường như đây là chuyện thường tình, bởi vì sau một sự kiện, Bắc Triều Tiên thường vẫn giữ im lặng hoặc chỉ lên tiếng nhiều ngày sau đó.
Từ năm 1999 đến nay đã xảy ra 3 trận đụng độ gây tử vong giữa lực lượng hải quân hai bên, gần ranh giới biển đang trong vòng tranh chấp.
Căng thẳng đặc biệt tăng cao trong vùng biển này từ khi Bắc Triều Tiên pháo kích vào đảo Yeonpyeong hồi tháng 11 năm ngoái, làm 2 thường dân và 2 binh sĩ hải quân Nam Triều Tiên thiệt mạng, nhiều nhà cửa bị hư hại khi đạn pháo kích từ miền Bắc rơi trúng đảo này.
Vụ này xảy ra 7 tháng sau khi tàu Cheonan, một tàu chiến Nam Triều Tiên bị đánh đắm trong biển Hoàng Hải. Một cuộc điều tra quốc tế kết luận rằng tàu Cheonan đã trúng một ngư lôi của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, chính quyền miền Bắc bác bỏ trách nhiệm trong vụ này.
Seoul và Bình Nhưỡng chưa từng ký một hiệp ước hòa bình sau cuộc ngưng bắn năm 1953 đã chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên kéo dài 3 năm.
Xung đột tại bán đảo Triều Tiên: đợt pháo kích thứ nhì tại Hoàng Hải
Nam Triều Tiên cho hay hai miền Nam và Bắc Triều Tiên lại đối đầu nhau trong hai đợt pháo kích xảy ra tại các vùng biển phía Nam tại tuyến đầu biên giới biển giữa 2 bên. Tuy nhiên không có số thương vong nào được báo cáo. Từ Seoul, Thông tín viên Steve Herman của Đài VOA gửi thêm các chi tiết sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1