Sáng nay, nhà ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Campbell đã mở các cuộc họp ngắn tại dinh Tổng thống Nam Triều Tiên và bộ ngoại giao ở Seoul.
Các cuộc thảo luận diễn ra vào lúc nhân vật đặc trách về chính sách Hoa Kỳ đối với Bắc Triều Tiên, ông Glyn Davies, gặp các giới chức Nga tại Moscow.
Diễn biến ngoại giao này có liên quan đến khả năng nối lại các cuộc đàm phán 6 bên đã bị đình trệ về các hoạt động hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Phát biểu tại một buổi sinh hoạt ở Seoul tối qua, Thủ tướng Nam Triều Tiên Kim Hwang-sik tiên đoán hoạt động ngoại giao này sẽ đạt được tiến bộ nếu Bình Nhưỡng tỏ ra chân thành:
Ông Kim bày tỏ hy vọng rằng các cuộc thảo luận về việc vô hiệu hóa hạt nhân Bắc Triều Tiên sẽ nhanh chóng dọn đường cho việc mở lại cuộc họp của 6 nước. Ông Kim cho biết để đạt được điều này, Seoul đang hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng và Washington.
Giới chức của chính phủ Nam Triều Tiên đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề Bắc Triều Tiên kêu gọi Bình Nhưỡng hãy “thực hiện một sự lựa chọn.” Trong mộât bài diễn văn đọc hôm nay trước các giới chức dân sự tham gia vào việc cung cấp viện trợ cho miền Bắc, bộ trưởng bộ Thống nhất Yu Woo-ik, kêu gọi Bình Nhưỡng tăng cường hợp tác với các nước láng giềng hơn là xúc tiến thêm các hành vi khiêu khích.
Trong chuyến thăm Nam Triều Tiên vào hai ngày thứ Ba và thứ Tư, trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ Campbell đã bày tỏ rằng Washington thực tâm muốn theo đường lối ngoại giao nếu Bình Nhưỡng giao tiếp với miền Nam trước.
Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu công khai nào cho thấy là cuộc họp của sáu nước sắp sửa tái nhóm. Các cuộc họp cuối cùng của nhóm này diễn ra năm 2008, trong đó có sự tham dự của cả hai nước Triều Tiên, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nga.
Một trở ngại vừa xuất hiện là nhà lãnh đạo mới, trẻ tuổi tại Bình Nhưỡng, Kim Jong Un, dường như tập trung vào việc củng cố quyền lực của mình sau cái chết của ông Kim Jong Il, thân phụ ông và cũng là nhà lãnh đạo lâu năm của Bắc Triều Tiên, được loan báo hồi tháng 12.
Năm ngoái Bắc Triều Tiên đã gợi ý rằng họ sẽ cứu xét việc ngưng chương trình tinh chế uranium để đổi lấy viện trợ lương thực của Hoa Kỳ.
Trong lúc này, thì viện trợ lương thực dường như đến từ Trung Quốc. Có bằng chứng cho thấy hằng trăm ngàn tấn gạo đã được chở ngang qua biên giới vào Bắc Triều Tiên trong tháng trước. Và một một nhà nghiên cứu thuộc Học viện Kinh tế Nông thôn Triều Tiên tại Seoul hôm nay nói với đài VOA rằng một cuộc phân tích mới các dữ liệu thương mại cho thấy trong quý cuối cùng của năm 2011, Trung Quốc đã đưa trên 125.000 tấn ngũ cốc tới nước láng giềng nghèo khó này.
Trả lời các phóng viên hôm nay hỏi về viện trợ mới đây của Trung Quốc cho Bắc Triều Tiên, nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ đặc trách vấn đề Đông Á, ông Campbell cho biết như sau.
Ông Campbell nói: “Chúng tôi tin Trung Quốc đã có những biện pháp để nêu bật cam kết của họ đối với công cuộc chuyển tiếp quyền hành tại Bắc Triều Tiên và các biện pháp đó cũng có thể bao gồm cả việc cung cấp thêm viện trợ trong tình huống hiện nay của Bắc Triều Tiên. Nói đúng ra, đó là một tình hình đang biến đổi. Chúng tôi đang theo dõi sát. Chúng tôi muốn tiếp tục một cuộc đối thoại thân thiện với Trung Quốc. Chúng tôi muốn họ chia sẻ với chúng tôi nhiều hơn về quan điểm và kế hoạch của họ.”
Trung Quốc là nước đồng minh đáng kể duy nhất còn lại của Bắc Triều Tiên.
Hai nước Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao và trên thực tế vẫn trong tình trạng chiến tranh trên 60 năm nay. Quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng đã gặp trở ngại lớn trong năm 2010 khi miền Bắc bị cáo buộc phá hủy một tàu của hải quân Nam Triều Tiên và pháo kích vào một hòn đảo ở vùng biên giới.
Các nhà ngoại giao cao cấp Hoa Kỳ đang tham khảo ý kiến với Nga và Nam Triều Tiên về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Từ thủ đô Nam Triều Tiên, thông tín viên đài VOA Steve Herman, gửi về bài tường trình sau đây.