Đề nghị xây một đường ống để đưa khí đốt Nga đến Nam Triều Tiên thông qua Bắc Triều Tiên đã được đưa ra từ nhiều thập niên nay. Nhưng dự án này hồi gần đây đã có một đà tiến mới sau khi lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Il công du liên bang Nga và họp với Tổng thống Dmitry Medvedev tại Siberia.
Hình ảnh trên đài truyền hình Nga cho thấy hai nhà lãnh đạo bắt tay nhau trước cuộc họp thượng đỉnh hồi tháng trước và tin tức cho biết đôi bên đồng ý là nên xúc tiến dự án xây đường ống dẫn khí đốt.
Sau cuộc họp đó, các giới chức năng lượng Nam Triều Tiên nói rằng họ cũng muốn dự án này được thực hiện.
Tuần trước, người đứng đầu Công ty Khí đốt quốc doanh Nam Triều Tiên đã gặp gỡ các đại diện của công ty Gazprom của Nga. Giới hữu trách Nga cho hay đôi bên đã thảo luận về lộ đồ để chuyển khí đốt tới Nam Triều Tiên trong tương lai.
Theo ước tính của chính phủ ở Seoul, phí tổn để xây đường ống này là vào khoảng 3,4 tỉ đô la. Nhưng một số nhà phân tích cho rằng điều này có lợi cho Nam Triều Tiên về lâu về dài.
Ông Kang Hee Chan, một nhà phân tích năng lượng và môi trường của Viện Nghiên cứu Kinh tế Samsung ở Seoul, cho biết như sau.
Ông Kang nói: "Nhu cầu khí đốt của chúng tôi tiếp tục gia tăng. Hầu hết khí đốt hiện nay nhập khẩu từ Âu châu và Tây Á, rất tốn kém. Khi chúng tôi có thể nhập khí đốt từ Nga qua Bắc Triều Tiên, giá thành khi đó sẽ có tính cạnh tranh nhiều hơn."
Tuy có thể tiết kiệm chi phí như vậy, những mối căng thẳng hiện nay ở bán đảo Triều Tiên có thể làm cho dự án ống dẫn trở thành một việc lợi bất cập hại.
Ông Andrei Lankov là một chuyên gia người Nga về vấn đề Bắc Triều Tiên đang giảng dạy tại Đại học Kookmin ở Seoul. Ông cho biết như sau về việc này.
Ông Lankov nói: "Về lâu về dài thì đây là một dự án rất tốt, cả về kinh tế lẫn chính trị. Tuy nhiên, để có thể thành công đôi bên cần có có một bầu không khí ổn định của hợp tác, giao lưu và tin tưởng lẫn nhau. Thật tình mà nói, tôi không nghĩ rằng một bầu không khí như vậy sẽ có được trong tương lai gần."
Giáo sư Lankov cho biết dự án ống dẫn khí đốt chung mang lại những mối rủi ro cho tất cả các bên liên hệ, nhưng đặc biệt là cho Nam Triều Tiên. Ông nói rằng Bình Nhưỡng có thể đánh cắp khí đốt hoặc thậm chí có thể đóng đường ống này khi quan hệ Liên Triều bị căng thẳng. Ông nói thêm rằng Seoul sẽ phải có một kế hoạch dự phòng để bù vào sự mất mác đó nếu căng thẳng leo thang.
Trong bản phúc trình nộp cho quốc hội hồi đầu tuần này, bộ kinh tế tri thức Nam Triều Tiên cho biết họ sẽ xem xét tới mọi vấn đề rủi ro trong việc làm ăn với Bắc Triều Tiên. Họ cho biết thêm rằng chưa có cuộc thảo luận nào được thực hiện với Moscow hay Bình Nhưỡng về những điều khoản trong hợp đồng vào thời điểm này.
Mặc dù vậy, các chính khách ở Nam Triều Tiên đang tìm cách vận động sự ủng hộ của công chúng cho dự án ống dẫn khí đốt.
Trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Nam Triều Tiên hồi đầu tháng này, Tổng thống Lee Myung Bak cho biết việc thực hiện dự án chỉ còn là vấn đề thời gian.
Nhà lãnh đạo Nam Triều Tiên nói rằng cả hai miền Triều Tiên đã thảo luận riêng với Nga về dự án ống dẫn, và ba bên sẽ đạt được thỏa thuận vào một thời điểm nào đó. Ông cho biết dự án có thể được xúc tiến nhanh hơn dự kiến và sẽ mang lại rất nhiều lợi ích.
Phân tích gia Andrei Lankov cho hay nhiều chính trị gia Nam Triều Tiên đang tranh thủ sự hậu thuẫn đối với đường ống dẫn khí đốt bằng cách nói rằng dự án này là một bước để tiến gần hơn tới chỗ thống nhất với Bắc Triều Tiên.
Ông Lankov nói rằng đó là một chuyện viễn vông.
Ông Lankov nói: "Đây là một kiểu tuyên truyền rất phổ biến ở Nam Triều Tiên. Tất cả những hoạt động trao đổi giữa hai miền Triều Tiên lúc nào cũng được mô tả là có liên hệ tới vấn đề thống nhất đất nước. Đây là một việc tiện lợi, rất phù hợp với tình tự dân tộc của người dân ở Nam Triều Tiên. Nhưng thành thật mà nói, dự án này không dính líu gì tới vấn đề thống nhất mà chỉ là một một cuộc giao dịch thông thường về mặt kinh tế."
Nam Triều Tiên và Nga có thể sẽ thảo luận thêm về dự án này khi Tổng thống Lee Myung Bak và Tổng thống Dmitry Medvedev gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh của khối G-20 tổ chức ở Paris vào thượng tuần tháng 11.
Các vị đặc sứ của Nam và Bắc Triều Tiên sẽ họp ở Bắc Kinh vào ngày mai trong nỗ lực mới nhất nhằm hồi sinh cuộc đàm phán 6 bên. Tuy nhiên, chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng không phải là vấn đề duy nhất thu hút sự chú ý về bán đảo Triều Tiên trong thời gian gần đây. Sau chuyến công du Nga mới đây của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Il, nhiều người đã bàn tán về dự án xây đường ống để đưa khí đốt Nga tới Nam Triều Tiên thông qua Bắc Triều Tiên. Từ Seoul, thông tín viên VOA Jason Strothe gởi về bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1