Đường dẫn truy cập

Kinh tế Việt Nam và Đông Nam Á: Những sắc màu sáng tối


Gần đây có nhiều quan điểm cho rằng những khó khăn mà Việt Nam đang trải qua một phần là do các biến động bất lợi của kinh tế thế giới. Điều đó đúng một phần, nhưng cũng trong bối cảnh quốc tế không thuận lợi như vậy, các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á vẫn đang có những bước cải thiện và phát triển mạnh mẽ, đối lập cơ bản với tình trạng u ám hiện nay của nền kinh tế Việt Nam. Bài viết này sẽ điểm lại (một cách không hoàn chỉnh) một số mảng sáng tối trong bức tranh kinh tế Đông Nam Á mà Việt Nam là một thành viên.

Các thị trường chứng khoán

So sánh chỉ số của các thị trường chứng khoán của Việt Nam (VNINDEX) với một số chỉ số của các thị trường chứng khoán trong khu vực Đông Nam Á như Philippines (PSEI), Malaysia (KLCI), hoặc Indonesia (JCI) trong khoảng 5 năm trở lại đây có thể thấy sự đối lập cực kỳ rõ nét giữa Việt Nam và các nước còn lại này.

Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hồi năm 2008 tác động khá giống nhau đến cả 4 nước. Cả bốn chỉ số chứng khoán đều giảm điểm mạnh mẽ, tuy với cung bậc khác nhau. Trong khi VNINDEX của Việt Nam giảm tới khoảng 75% so với mốc tham chiếu đầu năm 2008, thì PSEI và JCI của Philippines và Indonesia mất khoảng 50% trong khi KLCI của Malaysia chỉ mất chưa đến 40%.


Tuy nhiên, từ đầu năm 2009 đến nay thì cả 3 nước Philippines, Malaysia, và Indonesia đều có sự bứt phá khá mạnh trên thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán ở các nước này đều lấy lại được những gì đã mất trong cuộc khủng hoảng vào đầu năm 2010 (Indonesia và Malaysia) hoặc cuối 2010 (Philippines), sau đó tăng mạnh trong các năm 2011 và phần đã qua của 2012.

Tính đến nay, chỉ số JCI của Indonesia đã tăng khoảng 70% so với mốc tham chiếu năm 2008. Chỉ số KLCI và PSEI có mức tăng khiêm tốn hơn nhưng cũng đạt xấp xỉ 50% (KLCI) và 25% (PSEI).

Ngay cả đất nước có nhiều biến động chính trị sâu sắc trong nhiều năm qua như Thái Lan cũng đạt được tốc độ tăng trưởng cực kỳ ngoạn mục trên thị trường chứng khoán. Cùng lâm vào khủng hoảng năm 2008 với chỉ số SET mất khoảng 50% số điểm vào thời kỳ u tối nhất đầu năm 2009, thị trường chứng khoán Thái Lan nay đã khôi phục với chỉ số SET tăng trên 50% so với mốc tham chiếu năm 2008.

Thành tích tăng điểm ngoạn mục này đã đưa các chỉ số chứng khoán của các nước Indonesia, Philippines, Malaysia, và Thái Lan lên mức cao nhất trong mọi thời đại.

Trong khi đó thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang tiếp tục vật lộn với cơn ác mộng kéo dài hơn 5 năm qua. So với thời điểm đen tối nhất hồi đầu năm 2009, VNINDEX chỉ tăng được vài chục phần trăm và so với mốc tham chiếu hồi đầu năm 2008, chỉ số VNINDEX vẫn mất khoảng 60% số điểm.

Cơn ác mộng này vẫn chưa có bất cứ dấu hiệu nào là đang đi đến hồi kết.

Các chỉ số tăng trưởng GDP

Về mặt tốc độ tăng trưởng GDP, ngoại trừ Indonesia, có vẻ như không có nước nào trong số 4 nước Đông Nam Á (Malaysia, Việt Nam, Thái Lan, và Philippines) có được sự ổn định trong khoảng 5 năm vừa qua.

Trường hợp ổn định nhất trong 5 nước là Indonesia với tốc độ tăng trưởng của 3 năm gần đây ở mức 6.2% (năm 2010), 6.5% (năm 2011), và 6.1% vào năm nay. Trước đó, ngay cả năm tệ hại nhấtư của kinh tế thế giới là năm 2009 thì tăng trưởng GDP của Indonesia cũng chỉ giảm xuống mức 4.6%.

Tốc độ tăng GDP theo WB 2007 2008 2009 2010 2011 2012 (E)
Malaysia 6.5 4.8 -1.6 7.2 5.1 4.8
Indonesia 6.3 6.0 4.6 6.2 6.5 6.1
Philippines 6.6 4.2 1.1 7.6 3.7 5.0
Thailand 5.0 2.5 -2.3 7.8 0.1 4.5
Vietnam 8.5 6.3 5.3 6.8 5.9 5.2
Trường hợp trải qua nhiều sóng gió nhất là Thái Lan, với mức thụt lùi -2.3% vào năm 2009 và mức tăng trưởng gần như bằng 0 hồi năm 2011. Xen kẽ giữa các năm đó, Thái Lan đạt được tốc độ tăng trưởng bùng nổ năm 2010 với 7.8%. Tới năm 2012, có vẻ như tình hình ở nước này đã ổn định trở lại với mức tăng 4.5%, không cách xa bao nhiêu so với tốc độ tăng trưởng của năm 2007 đổ về trước.

Việt Nam và Malaysia cùng chịu chung số phận với tốc độ tăng trưởng GDP giảm liên tục trong 3 năm gần nhất. Với Việt Nam, tốc độ tăng GDP trượt dốc từ mốc 6.8% năm 2010 xuống còn 5.9% năm 2011 và dự kiến năm nay còn 5.2% (theo Ngân hàng Thế giới). Đối với Malaysia, nước này cũng chứng kiến sự suy giảm điểm tăng trưởng từ 7.2% (năm 2010) xuống còn 5.1% năm 2011 và dự kiến chỉ còn 4.8% trong năm nay.

Malaysia khác với Việt Nam ở một điểm là vào năm 2009, nước này chứng kiến một năm tăng trưởng âm với tốc độ -1.6% trong khi Việt Nam vẫn đạt mức 5.3%.

Philippines chứng kiến sự thăng giáng đáng kể trong mấy năm vừa qua. Tốc độ tăng GDP của nước này đã lên tới mức 7.6% năm 2010, nhưng lại tụt xuống 3.7% vào năm 2011 và tăng cao trở lại ở mức 5% vào năm nay.

Như thế, xét về bức tranh tăng trưởng GDP, có vẻ như mảng sáng nhất của bức tranh Đông Nam Á nằm ở Indonesia, trong khi các nước còn lại đều chung nhau ở một điểm là sự thăng giáng rất bất thường. Philippines và Thái Lan có được một chút khích lệ khi tốc độ tăng trưởng trở nên khả quan hơn trong năm nay so với năm ngoái.

Đối với Việt Nam, điểm đáng nói là Việt Nam có trình độ phát triển kinh tế kém hơn một bậc so với các nền kinh tế khác trong nhóm trên. Vì thế, Việt Nam được kỳ vọng có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn. Và thực tế là từ năm 2007 đổ về trước, Việt Nam đã có nhiều năm tăng trưởng nhanh hơn các nước còn lại trong khu vực. Điều này có vẻ như không còn nữa kể từ 5 năm trở lại đây. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cũng nhạt nhoà như tất cả các nước còn lại. Tệ hơn thế, xu hướng ngắn hạn lại đang cho thấy tình hình ngày một xấu đi. Kể từ năm 2010, tốc độ tăng GDP bình quân hàng năm liên tục suy giảm, với mức 6.8% năm 2010 xuống còn 5.9% năm 2011 và năm nay chỉ còn 5.2% - theo dự báo của Ngân hàng Thế giới.(còn tiếp)

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG