Đường dẫn truy cập

Kinh tế VN không phụ thuộc nhiều vào TQ như nhiều người tưởng


Hình minh họa.
Hình minh họa.

Nguyễn Quốc Khải


Những con số thống kê mà Cơ Quan Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund) mới đây vừa phổ biến cho thấy rằng Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam vào 2017 thay thế vị trí mà Hoa Kỳ đã chiếm giữ trong 15 năm vừa qua. Điều này xác nhận sự tin tưởng của nhiều người rằng Trung Quốc không những ảnh hưởng mạnh mẽ tới ngoại thương của Việt Nam mà còn cả đến nội thương vì Việt Nam là một nước nhỏ so với nước láng giềngTrung Quốc về dân số, diện tích và kinh tế. Nhưng thực tế không phải hoàn toàn đúng như vậy.

Thương mại về hàng hóa

Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ vào cuối năm 1991 sau cuộc chiến biên giới 1979, Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam vào năm 1988 và Hội Nghị Thành Đô 1990. Từ đó buôn bán giữa hai nước đã gia tăng nhanh chóng từ 692 triệu Mỹ Kim vào năm 1995 lên đến 66 tỉ Mỹ kim vào 2015 là năm mà hiện nay có đủ số thống kê nhất. Trong vài năm đầu, trị giá hàng xuất cảng của Việt Nam vượt trị giá hàng nhập cảng từ Trung Quốc trung bình vào khoảng 41 triệu Mỹ kim hàng năm. Tuy nhiên sáu năm sau cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đối với Trung Quốc đã trở nên thiếu hụt, từ 189 triệu Mỹ kim vào 2001 lên tới 32.9 tỉ Mỹ kim vào 2015, tăng 174 lần, không kể số lượng hàng hóa trao đổi bất hợp pháp qua các vùng biên giới đặc biệt là những nơi gần các thành phố Mống Cái và Lạng Sơn.

Việt Nam nhập cảng từ Trung Quốc nguyên liệu cho kỹ nghệ may mặc (sợi và vải), dụng cụ truyền thông và âm thanh, dầu hỏa và các sản phẩm chế tạo từ dầu hỏa, máy móc và dụng cụ công nghiệp, sắt và thép, quần áo và phụ tùng, máy điện và dụng cụ trong nhà, máy phát điện, xe cộ và những máy móc chế tạo riêng cho những ngành công nghiệp đặc biệt.

Hàng hóa của Việt Nam xuất cảng sang Trung Quốc gồm than đá, than cốc, than bánh, trái cây, rau, dầu hỏa và các sản phẩm chế tạo từ dầu hỏa, nguyên liệu dệt và vải, dụng cụ truyền thông và âm thanh, máy điện và dụng cụ trong nhà, quặng kim loại và kim loại phế thải, bần và gỗ, máy móc văn phòng và điều hành số liệu và giầy dép.

Ở mức độ vi mô, tình trạng Việt Nam buôn bán với Trung Quốc xem ra còn tăm tối hơn. Vào khoảng 70-80% vật liệu cho ngành dệt vải, may quần áo, làm giầy dép, bộ phận cho công nghệ điện tử và kỹ sư nhập cảng từ Trung Quốc. Những công nhiệp này sẽ gặp khó khăn lớn lao trong trường hợp hàng cung cấp bị gián đoạn bất ngờ. Ngoài ra, Việt Nam chỉ có thể hưởng được thuế nhập cảng ưu đãi khi ít nhất 30% vật liệu dùng để chế tạo hàng xuất cảng của Việt Nam phải được sản xuất ở trong nước hoặc tại các nước trong khối theo hiệp định thương mại.

Những con số ở trên cho thấy Việt Nam phụ thuộc đáng kể vào Trung Quốc nhưng không cho thấy toàn bộ tình trạng thương mại giữa hai nước. Nhìn từ góc cạnh toàn cầu, người ta sẽ thấy một bức tranh khác. Thật vậy, theo Tổng Cục Thống Kê Việt Nam trị giá tổng số hàng hóa buôn bán của Việt Nam với thế giới là 327.8 tỉ Mỹ kim vào 2015. Trong đó, số lượng hàng hóa buôn bán với Trung Quốc chiếm 20.1%, so với 12.8 % đối với Hiệp Hội Các nước Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations - ASEAN), 12,6% đối với Hoa Kỳ, 12.6% đối với Hiệp Hội Âu Châu (European Union), 11.1% đối với Nam Hàn và 8.6% đối với Nhật. Ô. Lương Hoàng Thái, Vụ Trưởng Vụ Chính Sách Thương Mại Đa Biên thuộc Bộ Công Thương Việt Nam góp ý nhân có tin Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam kể từ 2017 “chúng tôi muốn gia tăng xuất khẩu đến nhiều nước khác, chứ không chỉ Trung Quốc.”

Việt Nam buôn bán hàng hóa nhiều nhất với Trung Quốc vì hai lý do. Thứ nhất, hàng Trung Quốc rẻ vì chất lượng thấp, nhưng lại hợp với túi tiền của người Việt. Thứ hai, hai nước ở sát cạnh nhau. Về thương mại hàng hóa Trung Quốc là một đối tác quan trọng nhưng không ngự trị Việt Nam. Về lãnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng vậy như người ta sẽ thấy sau đây.

Những nguồn tài trợ

Tính đến 31-12-2016, tổng số vốn đầu tư nước ngoài đã được đăng ký và thuộc những dự án đang hoạt động là 293.7 tỉ Mỹ kim. Phần của Trung Quốc chỉ chiếm 3.6%, hơn con số của Hoa Kỳ là 3.5%. Nam Hàn đầu tư đáng kể ở Việt Nam với 50.5 tỉ Mỹ kim (17.2%). Tiếp theo là Nhật với 42.4 tỉ MK (14,4%), Singapore với 38.3 tỉ MK (13%), Đài Loan với 31.9 tỉ MK (10.9%) và Hồng Kông 17 tỉ MK (5.8%). Trung Quốc có 1,562 dự án đầu tư trực tiếp, chiếm 6.9% của tổng số 22,594 dự án đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Như vậy, Trung Quốc chỉ giữ vai trò rất khiêm nhường trong lãnh vực đầu tư nước ngoài.

Theo số thống kê của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (Organization for Economic Cooperation and Development - OECD), Việt Nam đã nhận được tổng số tiền đã được giải ngân 5.5 tỉ MK trong chương trình Trợ Giúp Phát Triển Chính Thức (Official Development Assistance - ODA) trong khoảng thời gian 2000-2016. Đây là một chương trình tài trợ với lãi suất thấp và điều kiện dễ dãi cho những nước nghèo. Quốc gia đóng góp vốn nhiều nhất là Nhật Bản. Tiếp theo là Nam Hàn, Pháp, Đức, Anh, Úc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Canada, và Hoa Kỳ.

Theo Trung Tâm AidData Phát Triển Chính Sách (AidData for Development Policy), một cơ quan nghiên cứu tại Đại Học William & Mary, Việt Nam chỉ nhận được 4.3 tỉ MK, tiền tài trợ từ Trung Quốc trong những năm 2000-2013 trong đó có 350 triệu MK là tiền ODA. Số tiền còn lại là phần cho vay với lãi xuất và điều kiện bình thường. Do đó, phần của Trung Quốc chỉ chiếm khoảng dưới 5% trong tổng số nợ nước ngoài 91.2 tỉ MK của Việt Nam tính đến 31-12-2016. Trong khi đó, Trung Quốc cho các nước Á Châu khác vay tiền ODA nhiều hơn trong cùng một thời gian: Campuchia 8.7 tỉ MK, Nam Dương 9.3 tỉ MK, Lào 12 tỉ MK và Thái Lan 15 tỉ MK. Miến Điện, một nước bướng bỉnh, chỉ nhận được 2 tỉ MK nhưng vẫn còn lớn hơn phần dành cho Việt Nam.

Ô. Đinh Tiến Dũng, Bộ Trưởng Tài Chánh của Việt Nam, tường trình với Quốc Hội cách đây ít lâu rằng “Việt Nam vay tiền của Trung Quốc để thực hiện các dự án là không nhiều. Trong đó, đầu tư vào thị trường chứng khoán của Trung Quốc chỉ chiếm 0.33% quy mô giá trị của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trung Quốc có hai nhà đầu tư lớn đang đầu tư vào hai tập đoàn và công ty, nhưng không có gì đáng lo ngại, vì đây đều là những nhà đầu tư dài hạn.”

Đầu tư công cộng

Điều mà Việt Nam phải lo ngại là những công ty của Trung Quốc đã dễ dàng thắng những dự án đầu tư công cộng của Việt Nam qua thủ tục đấu thầu. Những công ty Trung Quốc đã trúng thầu và đã thực hiện 90% hợp đồng về xây cất, kỹ thuật và chương trình thu mua của nhà nước liên quan đến những nhà máy nhiệt điện, dùng nhân công và vật liệu của Trung Quốc. Tương tự như vậy, 23 trong số 24 nhà máy xi măng của Việt Nam do các nhà thầu Trung Quốc xây. Tình trạng này làm cho người Việt tức giận.

Ô. Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á (Institute for Southeast Asian Studies) nói rằng “Có hai lý do chính khiến cho những nhà thầu kỹ thuật Trung Quốc thắng lợi lớn tại Việt Nam. Thứ nhất là khi cho vay vốn ưu đãi các nhà thầu Trung Quốc đặt một số điều kiện. Thứ hai là các nhà thầu Trung Quốc áp dụng những chiến thuật kinh doanh uyển chuyển.” Tuy nhiên cần phải kể đến lý do thứ ba là giá đấu thầu của những công ty Trung Quốc khá thấp so với những giá thầu của những công ty khác. Những điều kiện để được vay vốn ưu đãi thường là Việt Nam phải dùng nhà thầu Trung Quốc, kỹ thuật, đồ trang bị, và dịch vụ của Trung Quốc.

Ông Đặng Ngọc Tùng, một đại biểu Quốc Hội, đã chất vấn Bộ Tài Chánh Việt Nam rằng “vì sao nhà thầu Trung Quốc thường xuyên không hoàn thành hợp đồng đúng hạn, chất lượng các công trình không bảo đảm, giá thành các công trình thường tăng cao hơn dự kiến, không sử dụng nhân công Việt Nam, song có tới 90% dự án phát triển nguồn điện và 80% dự án phát triển hạ tầng giao thông vẫn được giao cho các nhà thầu Trung Quốc ?”

Nhiều thắc mắc tương tư như trên đã từng được báo chí, các cuộc hội thảo và các hội nghị thường xuyên mang ra bàn cãi, nhưng chưa được nhà nước Việt Nam trả lời. Có một vài lý do gây ra tình trạng đấu thầu bừa bãi này theo những ý kiến thâu thập từ các bài báo phổ biến trên Internet. Thứ nhất là các cơ quan quản lý, đặc biệt là các cơ quan cấp phép cho các dự án đã không hoàn tất trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện các dự án. Thứ hai, các nhà thầu Trung Quốc hối lộ những cơ quan quản lý dự án để được bao che. Do đó chính người Việt Nam làm hại chính đất nước của họ.

Những giải pháp khả thi

Việt Nam tham dự vào những hiệp định thương mại quốc tế giúp đa phương hóa thị trường và giúp bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. Việt Nam đã ký kết Hiệp Định Thương Mại Song Phương với Hoa Kỳ (Bilateral Trade Agreement – BTA) vào 2001. Ngoài ra, Việt Nam còn gia nhập hiệp định thương mại song phương với một số quốc gia khác: Nhật (2008), Chile (2012) và Nam Hàn (2015). Về phương diện đa phương, Việt Nam đã gia nhập ASEAN Free Trade Area (AFTA) vào 1992, Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (World Trade Organization – WTO) vào 2007, Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN (ASEAN Economic Community – AEC) vào 2015 và Hiệp Định Thương Mại Tự Do Âu Á (Eurasian Economic Union Free Trade Agreement – EAEU FTA) vào 2017. Việt Nam hi vọng hiệp ước Thương Mai Tự Do đa phương giữa Liên Hiệp Âu Châu - Việt Nam (European Union – Vietnam Free Trade Agreement – EUV-FTA) sẽ sớm được phê chuẩn. Việt Nam cũng đang chờ đợi để hưởng những lợi ích của hiệp ước Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn Diện và Lũy Tiến (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership - CPTPP).

Trong một nền kinh tế thế giới mở, tất cả những quốc gia đều phụ thuộc lẫn vào nhau. Việt Nam không nên và sẽ không bao giờ trở nên hoàn toàn độc lập với Trung Quốc và ngược lại bởi vì hai nước ở sát cạnh nhau và Trung Quốc có một nền kinh tế lớn thư hai trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam có thể thâu hẹp cán cân thương mại thiếu hụt với Trung Quốc bằng cách cải tổ môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng để phát triển công nghiệp cao. Rất tiếc rằng gần đây Luật An Ninh Mạng được Quốc Hội thông qua và những cuộc biểu tình lớn tại nhiều thành phố từ Bắc vào Nam chống lại luật này và dự luật Đặc Khu Kinh Tế đã làm cho môi trường kinh doanh giao động, không phục vu cho mục tiêu này.

Áp lực của nợ công và ngân sách thiếu hụt gia tăng trong những năm vừa qua, ngoại trừ 2017 có triệu chứng thuyên giảm, chính phủ Việt Nam đã đặc biệt cố gắng thi hành một số biện pháp để cải tổ những công ty quốc doanh thua lỗ hay yếu kém. Nếu việc này thành công sẽ giúp Việt Nam cải thiện khả năng cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Người ta còn nhớ rằng chương trình cải thiện những công ty quốc doanh đã được bắt đầu bàn tới khoảng 20 năm trước đây, nhưng chưa bao giờ được xúc tiến một cách nghiêm chỉnh vì lợi ích của các phe nhóm trong chánh quyền. Cải tổ có nghĩa là một số viên chức sẽ mất việc làm và quyền lợi.

Tới lúc này chánh quyền không còn lựa chọn nào khác. Tư nhân hóa hoặc giải thể những công ty quốc doanh thua lỗ, thu nhỏ bộ máy của Đảng CSVN và bộ máy cai trị cồng kềnh của chính phủ là những điều bắt buộc. Bán đất cho ngoại bang, một giải pháp cứu vãn cấp thời cho ngân sách và nợ công, không phải là một giải pháp có thể lựa chọn bởi vì nó sẽ đổ thêm dầu vào lửa, tạo thêm rối loạn, và “sẽ đốt cháy những người cộng sản ở Hà Nội” như tờ báo The Economist nhận định.

(22-7-2018)

Tham khảo

1. BBC, “Tiền Chính Phủ Trung Quốc Tới Việt Nam Bao Nhiêu?” October 12, 2017.

2. BBC, “Vén Màn Bí Mật ‘Tiền Viện Trợ’ Trung Quốc,” October 11, 2017.

3. IMF, “Vietnam – Selected Issues,” July 2018.

4. IMF, “Vietnam – 2018 Article IV Consultation – Country Report No. 18/215,” July 2018.

5. Nguyen Dieu Tu Uyen, “China Overtakes U.S. as Top Export Market in one More Nation,” Bloomberg News, April 18, 2018.

6. Nguyễn Quốc Khải, “Kinh Tế Việt Nam: Làm Sao Để Giàm Lệ Thuộc Vào Trung Quốc?” 4-7-2014.

7. The Economist, “Vietnam and China: Through a border darkly,” August 16, 2014.

8. Voice of Vietnam, “Trung Quốc Trở Thanh Thị Trường Xuất Khẩu Lớn Nhất Của Việt Nam,” 19-4-2018.

9. Voice of Vietnam, “Economist Warns of Vietnam’s Over Dependence on China, “May 3, 2015.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG