Các chiến dịch vận động đối nghịch chính thức khởi sự tại nước Anh trong tuần này trong thời gian dẫn đến một cuộc trưng cầu dân ý đã ấn định cho ngày 23/6, về liệu nước Anh có nên ở lại trong khối Liên hiệp Âu châu (EU) hay không.
Các cuộc thăm dò cho thấy công luận Anh chia rẽ 50/50 về liệu nước Anh nên ở lại hay ra khỏi khối EU.
Chiến dịch ‘Nên ở’ có tên đầy đủ là “Nước Anh hùng mạnh hơn trong EU” hình như đã được đẩy mạnh bởi một cảnh báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế về những thiệt hại nghiêm trọng đối với khu vực và toàn cầu, nếu nước Anh biểu quyết rời bỏ khối EU. Mối nguy là có thực, theo lập luận của ông Simon Tolford thuộc nhóm phân tích thân châu Âu mang tên “Trung tâm vì Cải cách châu Âu”.
Ông nhận định: “Chúng ta có thể thấy sự rạn nứt của khối EU khiến khối này mất nhiều ảnh hưởng trong tư cách là một tác nhân toàn cầu”.
Ông nói thêm rằng nếu chuyện đó xảy ra, thì nó sẽ làm suy yếu một trong hai trung tâm quyền lực lớn của phương Tây, là EU và Mỹ. Và như thế sẽ gây khó khăn hơn cho việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, và Mỹ sẽ bị cô lập hơn so với bây giờ. Ông nói như vậy, các trung tâm quyền lực khác trên thế giới, dù là Nga hay Trung Quốc, sẽ trở nên táo bạo hơn.
Thống đốc Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim đã góp tiếng nói của ông quan ngại về khả năng nước Anh sẽ ra khỏi khối EU. Nói chuyện với các nhà báo ngày 14/4, ông Kim nói:
“Xét dự báo của chúng tôi là tăng trưởng sẽ chậm lại trong năm nay, thì đây là một nền kinh tế sẽ không phát triển tốt trong tình huống lại có thêm bất định”.
Trong khi đó, chiến dịch vận động đòi nước Anh ra khỏi khối EU bác bỏ lập luận vừa kể. Một trong các nhân vật hàng đầu ủng hộ giải pháp rời bỏ EU là Đô trưởng London Boris Johnson. Hồi đầu tháng này, ông nói với các nhà lập pháp rằng Anh quốc “nên ra khỏi hệ thống đó và thương thuyết những thỏa thuận thương mại tự do sẽ tiếp tục giúp nước Anh bán hàng hóa và dịch vụ trên lục địa Âu châu”.
EU là thị trường lớn duy nhất trên thế giới. Các tổ chức doanh nghiệp thân EU nói nước Anh sẽ phải thương thuyết lại những thỏa thuận thương mại riêng rẽ trong trường hợp Anh rời khỏi khối EU.
Những người vận động cho giải pháp ra khỏi EU nói rằng nước Anh có thể xây dựng những quan hệ thương mại vững mạnh hơn với các nước bên ngoài châu Âu, như Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Nhưng theo dự kiến, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ tái khẳng định sự ủng hộ của ông đối với giải pháp nước Anh ở lại trong khối EU, trong một chuyến đi thăm London vào tuần tới.