Hôm 22/4 lẽ ra là ngày người Nga đi bỏ phiếu thay đổi hiến pháp để Tổng thống Vladimir Putin có thể gia hạn quyền cai trị cho đến năm 2036. Nhưng thay vào đó, ông Putin đã dành ngày 22/4 để khắc phục một trong những khủng hoảng lớn nhất trong thời gian ông nắm quyền - đó là xử lý hậu quả của dịch Covid-19, theo Reuters.
Vì đại dịch, cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp - được các đối thủ mô tả là một cuộc thâu tóm quyền lực - đã bị hoãn lại.
Cũng vì lý do này, cuộc duyệt binh kỷ niệm 75 năm chiến thắng Đức Quốc xã trong Đệ nhị Thế chiến đã bị hoãn.
Giá dầu, loại hàng hóa là nguồn sống của nền kinh tế Nga, đang ở mức thấp nhất trong gần hai thập kỷ, và đồng rúp hiện là một trong những đồng tiền tồi tệ nhất thế giới. Tổng sản phẩm trong nước có thể giảm 15% nếu giá dầu giảm xuống dưới 10 đô la Mỹ/ thùng, ngân hàng lớn nhất của Nga cho biết.
Cho đến nay, Nga báo cáo có gần 58.000 trường hợp nhiễm, và 513 ca tử vong vì Covid-19. Trong khi đó, Tổng thống Putin, 67 tuổi, đang phải làm việc từ xa tại một dinh thự của chính phủ ở ngoại ô thủ đô Moscow.
Kết quả thăm dò của tổ chức Levada cho thấy mức tín nhiệm của ông Putin đang ở mức 63%, thấp nhất kể từ năm 2013.
Những người chỉ trích đưa ra cáo buộc rằng ông Putin ngay từ ban đầu đã yếu kém trong việc đưa ra các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh.
Điện Kremlin đã bác bỏ những lời chỉ trích đó, nói rằng việc đối phó với dịch bệnh để các nhà lãnh đạo khu vực giải quyết mọi việc là hợp lý.
Tổng thống Putin vẫn còn tại vị cho đến năm 2024 mới hết nhiệm kỳ thứ 4.
Nhưng một số người chỉ trích cho rằng các biến động kinh tế và sự bất mãn của công chúng đối với việc xử lý khủng hoảng dịch bệnh của ông Putin có thể vượt quá mức có thể kiểm soát.