Nền kinh tế Philippines năm nay có phần chắc sẽ tăng trưởng nhanh hơn bất cứ nền kinh tế nào khác trong khu vực Đông Nam Á, nhờ vào chính sách ngoại giao xích lại gần hơn với Trung Quốc và Nhật Bản, và tăng công chi vào cơ sở hạ tầng và lĩnh vực dịch vụ trả lời cho khách hàng qua điện thoại.
Theo ước tính của chính phủ, tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ ở Philippines đã tăng 6.7 % trong năm 2016. Giá trị hàng hóa và dịch vụ trong quý 3 tăng 7.1 %, tỷ lệ này giúp Philippines qua mặt các nước châu Á khác. Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính nền kinh tế Philippines có giá trị 311 tỷ đô la.
Phát ngôn viên của tổng thống Philippines Ernesto Abella viện dẫn một lý do khác giúp Philippines đạt mức tăng trưởng kinh tế cao, ông nói đó là nhờ những thành tựu trong quan hệ đối tác với nước ngoài. Kể từ khi nhậm chức vào tháng 6, Tổng thống Rodrigo Duterte đã thiết lập mối quan hệ mới với Trung Quốc và củng cố quan hệ với nước đầu tư lớn là Nhật Bản.
Kinh tế gia Rahul Bajoria, thuộc tập đoàn ngân hàng Barclays tại Singapore nhận xét:
"Về ảnh hưởng của Trung Quốc, Philippines là một trong những nền kinh tế ít phụ thuộc nhất vào Trung Quốc trong khu vực. Nhưng với thời gian, ảnh hưởng của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trong 3-5 năm tới. Các lợi ích thực sự có thể đến dưới hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài, lĩnh vực chế tạo sản xuất và khai thác mỏ."
Hồi tháng 10, ông Duterte đã đến thăm Chủ tịch nước Trung Quốc và Thủ Tướng Nhật Bản, như một phần trong chính sách của ông để giảm sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ, từng cai quản Philippines như một thuộc địa.
Trung Quốc cam kết viện trợ 24 tỷ đô la cho Philippines và các nhà kinh tế dự đoán Nhật Bản sẽ đầu tư vào các nhà máy và cấp vốn cho các dự án phát triển. Năm ngoái, Nhật Bản là nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất ở Philippines, chiếm khoảng 29 % tổng số vốn đầu tư.
Năm 2017 ông Duterte sẽ đảm nhận chức chủ tịch ASEAN, Hiệp hội 10 nước Đông Nam Á, và phát ngôn viên của ông nói với truyền thông địa phương rằng vai trò này sẽ giúp Philippines phát triển thêm các quan hệ đối tác với nước ngoài.