Được thúc đẩy nhờ tiêm chủng và tiền cứu trợ của chính phủ, trong Quý 2 vừa qua, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng ổn định, cao hơn 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy Mỹ đạt được sự phục hồi bền vững sau khi bị suy thoái vì đại dịch. Tổng quy mô nền kinh tế Mỹ hiện đã vượt qua mức trước đại dịch.
Báo cáo do Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm thứ Năm 29/7 ước tính rằng tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ - là tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ - đã tăng tốc trong Quý 2 (từ tháng 4 đến tháng 6), với tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước cao hơn cả mức 6,3% vốn cũng được xem là mạnh mẽ trong quý đầu tiên của năm.
Chi tiêu tiêu dùng - là nhiên liệu chính của nền kinh tế Mỹ - tăng trong quý thứ hai liên tiếp, cao hơn 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi tiêu cho hàng hóa tăng 11,6%; còn chi tiêu cho các dịch vụ, từ ăn nhà hàng cho đến mua vé máy bay, tăng với tốc độ 12% vì việc tiêm chủng khuyến khích nhiều người Mỹ mua sắm, đi du lịch và ăn uống hơn.
Các công ty cũng chi tiêu một cách tự tin trong Quý 2. Đầu tư kinh doanh tăng với tốc độ 8% so với cùng kỳ năm trước trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6, giúp GDP tăng thêm 1,1 điểm phần trăm.
Với thực tế là người tiêu dùng và doanh nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục chi tiêu, nhiều nhà phân tích kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ khoảng 6,5% cho cả năm 2021, bất chấp nguồn cung bị thiếu hụt và nguy cơ dịch lại bùng lên do biến thể delta của virus corona rất dễ lây lan. Mức tăng trưởng đó sẽ là mức mạnh mẽ nhất tính theo một năm thông thường kể từ năm 1984.
Mức tăng trưởng mạnh mẽ đó cũng sẽ vượt xa mức trung bình hàng năm của Mỹ chỉ từ 2% đến 3% trong những thập kỷ gần đây. Và nó sẽ thể hiện một sự phục hồi nổi bật sau khi kinh tế Mỹ tăng trưởng âm 3,4% hồi năm ngoái trong bối cảnh có đại dịch, đó là sự suy giảm tồi tệ nhất kể từ những năm 1940.
Nền tảng cho sự phục hồi nhanh chóng là hàng nghìn tỷ đô la tiền cứu trợ của chính phủ liên bang Mỹ, từ các tấm séc kích thích tiêu dùng cho đến mở rộng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, tới các khoản bù thuế cho gia đình có trẻ em vừa được phân bổ. Ngoài ra, hàng triệu hộ gia đình giàu có đã được hưởng lợi khi tài sản của họ gia tăng đáng kể nhờ giá nhà và giá cổ phiếu đều tăng mạnh.
Mark Zandi, kinh tế gia trưởng tại hãng Moody's Analytics, nói: “Người tiêu dùng sẽ tiếp tục là động lực cho đoàn tàu kinh tế. Người ta thừa rất nhiều tiền tiết kiệm, họ cũng có rất nhiều tiền mặt trong tài khoản vãng lai".
Jen Psaki, thư ký báo chí của Nhà Trắng, ca ngợi báo cáo về GDP và kêu gọi quốc hội hành động nhiều hơn bằng cách thông qua các đề xuất của chính quyền nhằm phát triển mạnh hệ thống cơ sở hạ tầng to lớn của Mỹ.