Đường dẫn truy cập

Kinh tế khốn quẫn khiến nhiều công dân Việt đi lao động ‘chui’ ở Anh


Một tấm bảng quảng cáo xuất khẩu lao động bên ngoài nhà máy thép Formosa ở tỉnh Hà Tĩnh, ngày 28 tháng 10, 2019.
Một tấm bảng quảng cáo xuất khẩu lao động bên ngoài nhà máy thép Formosa ở tỉnh Hà Tĩnh, ngày 28 tháng 10, 2019.

Vụ 39 thi thể được tìm thấy trong thùng lạnh của xe tải bên ngoài thủ đô London của Anh, trong đó nghi là có những di dân lậu từ Việt Nam, thu hút sự chú ý về vấn đề xuất khẩu lao động bất hợp pháp vốn biến hàng ngàn người từ những vùng quê nghèo khó trở thành nạn nhân của tình trạng đưa lậu người và buôn người.

Các thi thể được phát hiện hôm 23 tháng 10 sau khi các cơ quan tình huống khẩn cấp được báo về những người bị nhốt trong một container xe tải tại một khu công nghiệp ở Grays, cách trung tâm London khoảng 32 km về phía đông.

Cảnh sát Anh vẫn đang cố gắng xác định danh tính của các nạn nhân trong vụ việc và đang kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng động người Việt ở nước này cũng như ở nước ngoài. Truyền thông chính thống ở Việt Nam đưa tin nhà chức trách Anh đã chuyển bốn hồ sơ và đã được Bộ Công an Việt Nam tiếp nhận.

“Quốc tịch của các nạn nhân chưa được xác nhận chính thức,” Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Cường nói với hãng tin Reuters hôm 29 tháng 10 bên lề một hội nghị tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Ông nói hai nước đang cố tăng tốc tiến trình nhận dạng các thi thể nhưng không có thời hạn nào được đặt ra.

Kể từ khi tin tức về 39 thi thể ở Anh được loan đi, nhiều người ở vùng quê thuộc tỉnh Nghệ An của Việt Nam những ngày qua cho biết họ lo sợ bạn bè và người thân tìm đường sang Anh có thể chiếm phần đông trong số nạn nhân chết trong xe tải.

Nghệ An là một trong những tỉnh nghèo nhất của Việt Nam và là nơi xuất thân của nhiều nạn nhân của tình trạng buôn người mà cuối cùng có mặt ở Châu Âu, theo một báo cáo vào tháng 3 của Pacific Links Foundation, một tổ chức chống buôn người đặt tại Mỹ.

Các nạn nhân khác được nói là đến từ tỉnh Hà Tĩnh lân cận, nơi mà trong tám tháng đầu năm nay đã chứng kiến 41.790 người bỏ quê đi tìm việc ở nơi khác, kể cả ở nước ngoài, theo truyền thông nhà nước.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS và là người đồng sáng lập Liên Minh CAMSA (Liên minh Bài Trừ Nô Lệ Mới ở Á Châu), nói việc nhiều người dân từ hai tỉnh miền Trung này ồ ạt rời đi xuất khẩu lao động cho thấy tình hình kinh tế khốn quẫn mà họ đối mặt kể từ sau thảm họa ô nhiễm môi trường biển do công ty Formosa gây ra vào năm 2016.

“Nghề đi biển của họ hoàn toàn chết, “ ông nói. “Một số giáo xứ chúng tôi liên lạc trước đây có cả trăm thuyền đánh cá bây giờ bán sạch rồi, bởi vì không ra biển được.”

“Ra biển rất khổ bởi vì gần bờ thứ nhất là không có cá nữa, đánh về không đủ ăn. Đi ra xa nữa thì bị đuổi bởi tàu Trung Quốc. Không còn sinh kế thì làm sao đây? Đi ra thành phố thì kiếm đâu có đủ sống vì nghề đi biển họ tương đối có thu nhập khá. Không đủ sống ở thành phố thì phải đi lao động thôi. Rất dễ để bị thuyết phục, bị lường gạt.”

Một số gia đình có người thân mất tích ở Nghệ An đã lập bàn thờ sau khi mất liên lạc trong khi một số khác vẫn hi vọng người thân của họ không nằm trong số 39 thi thể đó. Một số thành viên của những tổ chức xã hội dân sự đã tìm cách tiếp cận các gia đình này để hỗ trợ tìm kiếm thân nhân nhưng nỗ lực của họ đã bị nhà chức trách ngăn cản, theo Tiến sĩ Thắng.

Từ kinh nghiệm giúp đỡ những nạn nhân buôn người, ông nhận định sự ngăn cản này có thể là nhằm tránh sự săm soi đối với những đường dây buôn lậu lao động bất hợp pháp mà ông nói được nhà chức trách “bảo kê.”

“Chúng tôi có những chứng cớ trước đây cho thấy có những cấp rất, rất cao đã ra lệnh trả thù những người lên tiếng [trình báo chuyện buôn người] để bắt về trừng phạt. Luôn luôn có sự bảo kê,” ông nói.

“Tôi không ngạc nhiên khi công an tới quấy nhiễu, cấm cản, không muốn cho quốc tế biết vì họ sợ lộ mất đường dây và chính họ cũng liên lụy, chưa kể là họ sẽ mất đi nguồn thu nhập lớn của họ nhất là sau vụ Formosa.”

Reuters đưa tin nhà chức trách ở Nghệ An kêu gọi các thành viên gia đình liên quan hãy gửi các bản sao ảnh và giấy tờ tùy thân tới ủy ban nhân dân địa phương để xác minh.

Bộ Ngoại giao Việt Nam trong một tuyên bố vào cuối ngày 28 tháng 10 cho biết đến nay họ đã nhận được thông tin từ 14 gia đình đang tìm kiếm người thân mất tích ở Anh.

VOA Express

XS
SM
MD
LG