Đường dẫn truy cập

Kinh tế Ấn Độ khốn đốn vì đồng rupee sụt giá mạnh, tiêu thụ giảm


Đồng rupee của Ấn Độ bị mất giá gần 20% trong vài tháng qua, một yếu tố có thể làm cho đà tăng trưởng của nền kinh tế đứng hàng thứ 3 Châu Á này chậm hơn nữa
Đồng rupee của Ấn Độ bị mất giá gần 20% trong vài tháng qua, một yếu tố có thể làm cho đà tăng trưởng của nền kinh tế đứng hàng thứ 3 Châu Á này chậm hơn nữa
Nhiều công ty Ấn Độ đang đối mặt với tình trạng mức lời bị sút giảm mạnh vì tỉ giá hối đoái của đồng rupee bị tuộc giốc và chi tiêu của giới tiêu thụ bị chậm lại. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Anjana Pasricha từ New Dehli, tình trạng này có thể làm cho sự tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ ba Á châu bị trì trệ thêm nữa.

Thông thường vào lúc này trong năm, doanh thu và lợi nhuận của các công ty sản xuất những mặt hàng tiêu dùng ở Ấn Độ bắt đầu gia tăng, vì từ đầu tháng 9 trở đi dân chúng ở đây bắt đầu mua sắm những sản phẩm mới -- như xe hơi hay TV, để chuẩn bị ăn mừng mùa lễ lớn của Ấn Độ giáo là lễ Diwali vào tháng 11.

Nhưng năm nay, hầu hết các viên giám đốc của những công ty lớn ai nấy cũng đều cảm thấy bi quan. Lý do là vì tỉ giá hối đoái của đồng rupee bị tuộc giốc. Chỉ tệ của Ấn Độ đã mất giá gần 20% trong vài tháng qua, làm gia tăng giá thành sản xuất của những công ty lệ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Những công ty này hoạt động trong nhiều ngành khác nhau: từ máy móc, điện tử cho tới xe hơi.

Ông Shantanu Dasgupta là Phó tổng giám đốc của Công ty Whirpool Ấn Độ, chuyên sản xuất các loại máy móc dùng trong nhà - như máy giặt và tủ lạnh.

Ông cho biết sự mất giá của đồng rupee là một cú đấm mạnh giáng vào công ty ông và những công ty cùng ngành:

"Vì chúng tôi đã phải trải qua một thời kỳ lạm phát cao trong vòng 18 tháng hoặc 24 tháng vừa qua, cho nên khả năng hấp thu sự gia tăng của giá thành đầu vào của bất kỳ công ty nào trong ngành chúng tôi đều bị hạn chế hoặc bị tiêu tan. Vì thế, có một điều chắc chắn là giá cả của các mặt hàng tiêu dùng rốt cuộc sẽ gia tăng."

Giá cả của các mặt hàng tiêu dùng đang gia tăng vào một thời điểm mà lạm phát và đồng rupee mất giá đã làm cho giá lương thực và nhiên liệu tăng mạnh. Chính vì thế mà giới tiêu thụ, những người vốn đã phải chật vật ứng phó với sự gia tăng của các khoản chi tiêu hàng ngày, giờ đây đang giảm bớt việc mua sắm xe hơi, TV và tủ lạnh.

Sự giảm thiểu này là một tin xấu cho Ấn Độ, là nước có nền kinh tế lệ thuộc rất nhiều vào mức tiêu thụ trong nước. Quốc gia Nam Á này đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008 nhờ vào mức chi tiêu cao của giới trung lưu mỗi ngày một đông hơn. Đối với nhiều nhà đầu tư và các công ty, Ấn Độ đã trở thành một trong những điểm sáng trong bối cảnh u ám của nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, tỉ lệ tăng trưởng 8% đầy ấn tượng của những năm bùng phát kinh tế đã giảm mạnh và xuống còn khoảng phân nửa trong khoảng thời gian từ tháng tư đến tháng sáu năm nay. Trong cùng thời gian này, sự tăng trưởng của mức tiêu thụ của khu vực tư cũng xuống thấp tới mức kỷ lục.

Tiền lương cũng tăng với tốc độ chậm hơn và những khoản tiền thưởng trong mùa lễ năm nay có phần chắc sẽ giảm đi vì sự tăng trưởng doanh thu của nhiều công ty bị sụt tới mức thấp nhất trong vòng 3 năm.

Hậu quả là tâm trạng của giới trung lưu Ấn Độ đã thay đổi. Ông Rahul Madhav Kumar Nepal, một cư dân ở New Dehli, cho biết ông sẽ không mua sắm gì trong mùa lễ năm nay:

"Hai năm trước, tình hình khác hẳn so với hiện nay. Khi đó, chúng tôi vào các thương xá hoặc đi mua sắm và không hề phải lo nghĩ gì nhiều. Nhưng bây giờ, mỗi khoản chi tiêu đều quan trọng, nên chúng tôi phải chi tiêu dè xẻn. Tình hình thật là khó khăn. Chúng tôi đã giảm bớt nhiều thứ, như đi đây đi đó hay đi nghỉ hè. Thậm chí ngay cả việc mua rau , mua trái cây, chúng tôi cũng bớt đi."

Trong lúc đối mặt với những thanh khoản cao hơn nhiều để nhập khẩu dầu lửa vì chỉ tệ mất giá, chính phủ đã cảnh báo là giá xăng dầu có thể sẽ gia tăng thêm nữa và chính quyền sẽ phải áp dụng thêm các biện pháp kiệm ước. Điều này có thể làm cho nạn lạm phát trở nên tồi tệ hơn và làm giảm đi sức mua của người dân.

Kết quả là nhiều người giờ đây e rằng tình hình sẽ xấu hơn nữa trước khi có thể được cải thiện. Ông Dasgupta của công ty Whirpool nằm trong số những người có mối lo ngại như vậy. Ông nói:

"Nếu chính phủ giảm thiểu hoặc hủy bỏ sự trợ giá xăng dầu, thì chi phí sinh hoạt sẽ gia tăng và như thế sẽ có tác động tiêu cực tới công nghiệp của chúng tôi, mặc dù những biện pháp này là có ích cho mục tiêu cải cách kinh tế về lâu về dài. Vì vậy, tôi không nhìn thấy một sự đảo ngược tình thế trong thời gian sắp tới."

Việc giới tiêu thụ giảm bớt chi tiêu làm cho tốc độ tăng trưởng công nghiệp bị chậm lại. Nhiều công ty đã hoãn lại những kế hoạch khuyếch trương kinh doanh vì mức lời bị sút giảm. Sản lượng công nghiệp trong tháng 8 đã bị co cụm lần đầu tiên trong nhiều năm.

Theo ông D.K Joshi, kinh tế gia trưởng của công ty Crisil ở Mumbai, điều này sẽ làm cho nhiều người bị thất nghiệp:

"Sự tăng trưởng của thu nhập bị chậm lại nên sự tăng trưởng của nhu cầu cũng bị chậm lại và gây ra tác động. Sức cạnh tranh của ngành chế tạo đã giảm đi. Các nhà sản xuất Ấn Độ đang ra nước ngoài và sản xuất các sản phẩm của họ ở những nước khác, như Trung Quốc chẳng hạn. Rất khó để xoay chuyển tình thế cho khu vực chế tạo."

Các nhà hoạch định chính sách đang tìm cách làm giảm bớt sự bi quan của mọi người đối với nền kinh tế Ấn Độ. Họ nói rằng kinh tế đang gặp khó khăn nhưng có nhiều triển vọng hồi phục.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng trong những tháng tới đây, hai chữ “kiệm ước” sẽ được nói tới thường xuyên hơn chứ không phải “bùng phát”, là hai chữ mà cách đây không lâu đã gắn liền với nền kinh tế lớn thứ ba của Á châu.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG