Đường dẫn truy cập

Kinh tế Mỹ suy thoái sâu, hai đảng vẫn tranh cãi về gói cứu trợ


Ông Biden tiếp các lãnh đạo Dân chủ Thượng viện ở Nhà Trắng để bàn về gói cứu trợ kinh tế
Ông Biden tiếp các lãnh đạo Dân chủ Thượng viện ở Nhà Trắng để bàn về gói cứu trợ kinh tế

Tổng thống Joe Biden và Đảng Dân chủ tỏ tín hiệu quyết tâm theo đuổi gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.900 tỷ đô la bất chấp sự phản đối của phe Cộng hòa ở Quốc hội trong khi một chuyên gia nhận định với VOA rằng đề xuất của hai phía đều có điểm tích cực và tiêu cực.

Số liệu mới được công bố cho thấy nền kinh tế Mỹ đã giảm 3,5% - mức sụt giảm sâu nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn đang ở mức cao và nhiều doanh nghiệp vẫn phải đóng cửa do đại dịch.

Trong lúc này, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn tiếp tục bàn thảo để giải quyết các mắc mứu trong gói cứu trợ nhưng có vẻ như không đi đến đâu vì hai phía vẫn quyết giữ lập trường vốn quá khác biệt.

Hai Đảng tranh đấu

“Chúng ta sẽ có sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa,” Tổng thống Mỹ Joe Biden được kênh ABC dẫn lời nói về các cuộc đàm phán về dự luật cứu trợ COVID-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ đô la của ông. “Tôi nghĩ chúng ta sẽ có được lá phiếu của một số đảng viên Cộng hòa.”

Ông Biden đưa ra tuyên bố này vào sáng ngày 3/2 trong cuộc gặp với 11 Thượng nghị sỹ hàng đầu của Đảng Dân chủ.

Giọng điệu tự tin trong phát biểu công khai của ông Biden không cho thấy được mức độ đấu tranh trong các cuộc đàm phán, khi mà một số thành viên Dân chủ trong cuộc họp vẫn tiếp tục thúc đẩy chuẩn bị một công cụ ngân sách để thông qua dự luậtmà không có bất kỳ sự ủng hộ nào của phe Cộng hòa ở Quốc hội.

Đảng Dân chủ đang nắm đa số ở cả hai viện Quốc hội. Họ có thể ‘một mình một chợ’ thông qua gói cứu trợ mà không cần phiếu của Đảng Cộng hòa nhưng thế đa số Dân chủ mong manh khiến điều này trở nên rủi ro.

Sau cuộc họp với ông Biden, Lãnh đạo khối Đa số tại Thượng viện, ông Chuck Schumer, cũng đã cố gắng nhấn mạnh sự hợp tác lưỡng đảng, nhưng vẫn để ngỏ khả năng sẵn sàng tiến lên phía trước mà không cần bất kỳ phiếu bầu nào của phe Cộng hòa.

“Tất cả chúng tôi (Đảng Dân chủ) sẽ làm việc cùng nhau với Tổng thống, chúng tôi đồng lòng như một, vì một gói cứu trợ táo bạo, và sẽ làm việc với những người đồng nghiệp Cộng hòa khi có thể,” ông Schumer nói.

“Chúng tôi hy vọng các đồng nghiệp của chúng tôi bên Đảng Cộng hòa sẽ đứng cùng chúng tôi - trong chương trình cứu trợ to lớn, táo bạo này mà nước Mỹ cần. Đại đa số cử tri Đảng Cộng hòa ủng hộ phần lớn nội dung gói cứu trợ. Chúng tôi muốn có gói cứu trợ lưỡng đảng, nhưng chúng tôi phải mạnh mẽ. Chúng ta không thể chậm chạp, không thể trì hoãn, không thể làmloãng, bởi vì khó khăn mà đất nước gặp phải và những cơ hội mà chúng ta có thể đem đến là to lớn,” ông được kênh ABC dẫn lời nói.

Sáng ngày 3/2, Tổng thống Biden đã tiếp đón các Thượng nghị sỹ đồng hương đến từ bang Delaware là các ông Chris Coons và Tom Carper, tại Phòng Bầu dục. Sau cuộc họp kéo dài một giờ, Thượng nghị sỹ Coons đã chuyển lời lại rằng Tổng thống sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán, nhưng vẫn sẽ kiên định giữ lời hứa của ông là cấp ngân phiếu kích thích kinh tế cho các gia đình lao động.

“Chúng tôi đã trao đổi về các khoản thanh toán trực tiếp và làm sao sửa đổi chúng để đảm bảo rằng chúng nhắm đúng đối tượng hơn, nhưng Tổng thống Biden đã nói rõ với rằng ông ấy sẽ không quên tầng lớp trung lưu,” Thượng nghị sỹ Coons được ABC dẫn lời nói. “Ông ấy sẽ không nuốt lại cam kết không chỉ với Georgia mà còn với cả nước là đem gói cứu trợ có mục tiêu đến với những người dân Mỹ khốn khó nhất”.

Ông Coons nói thêm rằng viện trợ cho chính quyền các bang và cấp cơ sở có thể là điểm phá vỡ thỏa thuận. Chính quyền các bang đã bị thất thu thuế nặng nề do đóng cửa để chống dịch. Kế hoạch của ông Biden kêu gọi dành 350 tỷ đô la cho khoản này, nhưng phía Cộng hòa đã bỏ khoản trợ cấp này trong đề xuất đối chọi mà họ đưa ra.

“Bản thân tôi cho là nếu không có chút gì viện trợ cho các bang và địa phương thì đó không phải là điểm bắt đầu. Tôi đã nói chuyện với một số đồng nghiệp Cộng hòa về những điều khoản gì họ muốn để sẵn sàng tăng đáng kể tiền viện trợ cho một số bang và địa phương,” ông Coons cho biết.

Trước đó, sau cuộc họp kéo dài gần hai giờ của ông Biden với các Thượng nghị sĩ Cộng hòa về gói cứu trợ đối chọi mà họ đề xuất trị giá 600 tỷ đô la tại Phòng Bầu dục vào đêm 1/2, cả hai phía đều cảm thấy lạc quan về các cuộc đàm phán, nhưng không có tiến triển rõ ràng nào.

Những điểm khác biệt

Ông Mitt Romney, một trong 10 Thượng nghị sĩ Cộng hòa đã gặp ông Biden hôm 1/2, nói rằng cần phải có những thay đổi thực sự để giành được sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa.

“Nếu Tổng thống Biden làm việc với đảng Cộng hòa và chúng tôi sửa đổi một số điểm trong kế hoạch của ông, thì hoàn toàn có khả năng sẽ có được một số sự ủng hộ từ phía đảng Cộng hòa. Nhưng nếu nó được đẩy đi mà không có bất kỳ thay đổi gì so với những gì được đề xuất ban đầu, tôi đoán rằng sẽ không một ai bên Đảng Cộng hòa sẽ bỏ phiếu cho kế hoạch 1,9 nghìn tỷ đô la,” ông Romney nói trước báo giới tại Điện Capitol.

“Tôi nghĩ rằng khoảng cách lớn nhất giữa đề xuất của Tổng thống và đề xuất của đảng Cộng hòa là khoản tiền 360 tỷ đô la chi cho các bang và địa phương. Báo cáo mới đây nhất cho thấy các bang ở Mỹ trung bình trong năm 2020 chỉ thất thu 1/10 so với năm 2019. Vì vậy, con số như vậy thật vô nghĩa,” ông nói và cho biết vấn đề tiền cứu trợ cho người dân ‘cũng có khác biệt lớn giữa hai phía’.

Gọi vào phiên họp kín hàng tuần của phe Dân chủ ở Hạ viện, Tổng thống Biden nói rằng ông không sẵn lòng đổi ý đối vềkhoản tiền chi trả 1.400 đô la một người, nhưng sẽ xem xét hạn chế đối tượng hưởng lợi ở chỉ những người dân Mỹ có thu nhập thấp.

“Chúng ta không thể từ bỏ số tiền 1.400 đô la bổ sung trong ngân phiếu chi trả trực tiếp mà chúng ta đã đề xuất bởi vì người dân cần số tiền đó và thành thật mà nói, họ đã được hứa là sẽ có. Có lẽ chúng ta có thể, tôi nghĩ, chúng ta có thể hướng đến đối tượng tốt hơn. Chuyện đó không sao đối với tôi. Nhưng tôi sẽ không bắt đầu nhiệm kỳ của mình bằng cách phá vỡ lời hứa với người dân Mỹ,” ông Biden nói trong cuộc gọi.

Trao đổi với VOA, Giáo sư-Tiến sỹ Khương Hữu Lộc hiện giảng dạy chương trình MBA tại Trường sau đại học Keller về Quản lý và có 20 năm kinh nghiệm làm giám đốc tài chính cho các tập đoàn lớn, chỉ ra các điểm khác biệt trong đề xuất cứu trợ giữa hai Đảng.

Thứ nhất, về tiền cứu trợ người dân, phía Dân chủ muốn cho 1.400 đô la một người dân (nhiều khả năng có thu nhập từ 70.000 đô la một năm trở xuống), trong khi phe Cộng hòa chỉ muốn cho 1.000 cho những ai có thu nhập tối đa 40.000 đô la một năm.

Thứ hai, số tiền trợ cấp thất nghiệp mà Đảng Dân chủ đề xuất là 400 đô la mỗi tuần cho tới tháng 9, trong khi phía Cộng hòa chỉ muốn cho 300 đô la mỗi tuần cho tới tháng 6.

Ngoài ra, phe Dân chủ đề xuất 170 tỷ đô la cứu trợ trường học tất cả các cấp, kể cả đại học, trong khi phe Cộng hòa chỉ chịu chi 20 tỷ nhưng không đồng ý cứu trợ các trường đại học. Ngoài ra, việc có trợ giúp chính quyền bang và địa phương hay không cũng là tranh chấp lớn giữa hai đảng.

Ông Lộc nói rằng có những chỗ ông đồng ý với Đảng Dân chủ và cũng có điểm bên đề xuất của Đảng Cộng hòa mà ông cho là thỏa đáng hơn.

Chẳng hạn, ông nói, cho mỗi người dân thêm 1.000 đô la như đề xuất của Đảng Cộng hòa là ‘quá ít, không đủ sống’ nhưng ông đề xuất nên giới hạn đối tượng như yêu cầu của Cộng hòa, tức là chỉ những người có thu nhập từ 40.000 đô la trở xuống.

“Chính quyền địa phương cần được trợ giúp mà Đảng Cộng hòa không cho gì hết,” ông than phiền.

Một điểm mà ông Lộc rất tán đồng trong kế hoạch của phe Cộng hòa là ‘chỉ cho tiền thất nghiệp đến tháng 6’ nhưng ông cho rằng nên cho số tiền như phía Dân chủ đưa ra là 400 đô la một tuần thay vì 300.

“Đừng cho tiền thất nghiệp kéo dài đến tháng 9 để người dân có động lực đi làm trở lại,” ông phân tích.

Ông Lộc chỉ trích đề xuất của phe Dân chủ là tăng lương tối thiểu cho người lao động lên 15 đô la một giờ là ‘không giúp ích gì cho nền kinh tế trong đại dịch mà sẽ giết chết các tiểu thương.’

“Những tiểu thương gần cả năm nay đã rất èo uột, họ mướn người và trả lương tối thiểu mà bây giờ bắt họ thay vì trả 7,25 lại lên đến 15 đô la một giờ thì họ sẽ sa thải người hay đóng cửa luôn,” Tiến sĩ Lộc phân tích và chỉ ra rằng các doanh nghiệp nhỏ ‘chiếm 50% xương sống kinh tế Mỹ’.

Triển vọng kinh tế Mỹ?

Giáo sư Khương Hữu Lộc nói trước tình hình Mỹ gánh nợ cao do đã mấy lần bỏ ra số tiền lớn cứu trợ nền kinh tế, Tổng thống Biden ‘sẽ tăng thuế đối với các cá nhân có thu nhập cao, chẳng hạn tăng từ 37% lên 39.6%’ để bù đắp ngân sách.

“Thuế phải gia tăng để phần nào gánh nợ cho quốc gia,” vị giáo sư này khẳng định.

Tuy nhiên, ông phản đối việc tăng thuế doanh nghiệp trở lại. Thời cựu Tổng thống Donald Trump đã giảm thuế này từ 35 xuống còn 21%. Ông nói ông Biden sẽ tăng lại lên 28%. “Điều này không cần thiết vì thuế doanh nghiệp chỉ đóng góp không bao nhiêu vào ngân sách quốc gia nhưng nếu tăng thì các công ty sẽ không trở về Mỹ nhiều.”

Ông hoan nghênh chương trình đầu tư vào cơ sở hạ tầng của ông Biden để kích thích nền kinh tế - điều mà cả hai đảng đều ủng hộ, nhưng bày tỏ nghi ngờ vào kế hoạch đầu tư 2.000 tỷ đô la vào các kỹ nghệ xanh vì theo ông ‘đây là chương trình dài hơn trong bối cảnh Mỹ đang chạy đua với Trung Quốc vốn dùng kỹ nghệ than đá gây ô nhiễm’.

Về lý do kinh tế Mỹ suy thoái nặng nề đến 3.5% trong năm 2020, ông Lộc nói là ‘do đại dịch virus corona’.

“Kinh tế Mỹ trước khi có dịch đang rất tốt. Thất nghiệp thấp, thị trường chứng khoán tăng kỷ lục, tiền lương ở mức cao,” ông chỉ ra.

“Dưới thời của Tổng thống Trump, ông ấy rất là lỏng lẻo trong vấn đề kiềm chế virus. Đó là điểm mà Tổng thống Biden đã sửa đổi mà tôi nghĩ là điều tốt,” ông giải thích và cho biết virus corona đã làm kinh tế Mỹ từ chỗ tăng trưởng 2% trong năm 2019 tới chỗ bị giảm 3,5% trong năm 2020.

Về triển vọng kinh tế Mỹ, ông Lộc dự đoán rằng trong nửa năm đầu năm 2021, kinh tế Mỹ sẽ ‘không suy giảm nhưng cũng không tăng trưởng’. “Nửa cuối năm sau sẽ đi vào hướng dương, có thể gia tăng 1-2% nếu kiểm soát được đại dịch. Tốc độ tăng bao nhiêu tùy vào việc triển khai vaccine,” Tiến sĩ Lộc nói.

VOA Express

XS
SM
MD
LG