Một cuộc khảo cứu nghiên cứu mối liên hệ giữa độ tuổi có kinh nguyệt và nguy cơ bị các bệnh tim mạch và đột quỵ đã chỉ ra rằng những phụ nữ bắt đầu có kinh nguyệt sớm hơn hoặc muộn hơn độ tuổi 13 đều có khả năng gặp phải các bệnh này.
Một cuộc khảo cứu do các nhà nghiên cứu trường Đại học Oxford ở Anh thực hiện, đã phân tích các dữ liệu được thu thập từ 1.3 triệu phụ nữ, phần lớn là phụ nữ da trắng trong độ tuổi từ 50 đến 64. Họ nhận thấy một đặc điểm giữa những phụ nữ có kinh nguyệt lần đầu tiên vào khoảng năm 10 tuổi hay sớm hơn; hoặc nhóm có muộn hơn, khoảng 17 tuổi hoặc muộn hơn. Trong khoảng thời gian hơn 10 năm theo dõi những phụ nữ này, cả hai nhóm vừa kể đều có nguy cơ cao hơn 27 phần trăm phải nhập viện hoặc tử vong vì bệnh tim.
Có khoảng 16 phần trăm các ca nhập viện hoặc tử vong vì đột quỵ trong hai nhóm này; và chứng huyết áp cao dẫn tới việc gia tăng 20 phần trăm khả năng nhập viện hoặc tử vong do các bệnh có liên quan.
Ông Dexter Canoy, tác giả chính của cuộc nghiên cứu, là nhà dịch tễ học chuyên về tim mạch tại Đơn vị Dịch tễ Ung thư, Khoa Y tế Dân số, thuộc trường đại học Oxford. Ông cho biết có một mối liên kết giữa tuổi bắt đầu có kinh nguyệt với bệnh tim và nguy cơ đột quỵ.
Nếu đưa vào một biểu đồ, mối liên hệ này sẽ có hình giống chữ cái U. Nhóm người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao nhất là những người bắt đầu có kinh từ sớm nằm ở trên đỉnh của một bên chữ U và nhóm người có kinh muộn nằm trên đỉnh còn lại của chữ U.
Theo lời ông Canoy, phụ nữ bắt đầu có kinh nguyệt vào khoảng năm 13 tuổi có ít nguy cơ rủi ro nhất nằm ở đáy chữ U.
“Cho dù bạn gầy, thừa cân, hay béo phì, chúng tôi đều nhận thấy cùng một mối liên kết có hình chữ U. Thậm chí nếu có tính đến cả những yếu tố khác, ví dụ như bạn phải uống thuốc huyết áp cao hay có lượng cholesterol cao hay bị tiểu đường, mối liên hệ này có vẻ vẫn rất mạnh mẽ.”
Ông Canoy cũng nhìn thấy một sự liên hệ giữa thời điểm bắt đầu có kinh nguyệt và cân nặng. Những em gái bị béo phì có xu hướng bắt đầu có kinh nguyệt sớm hơn. Các em cũng thường trở nên béo phì khi lớn lên, và đây là một nhân tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Vì vậy ông Canoy nói có thể giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch và đột quỵ ở phụ nữ bằng cách chiến đấu chống lại chứng béo phì ở trẻ em, có nghĩa là nó cũng có thể tăng tuổi mà các em gái bắt đầu có kinh nguyệt.
“Trẻ em bị béo phì có thể bắt đầu bị bệnh tim về lâu dài. Nhưng một khía cạnh có khả năng được ngăn chặn là thông qua một cơ chế có thể liên quan tới việc xuất hiện kinh nguyệt sớm.”
Theo lời ông Canoy, việc có kinh nguyệt muộn trong quá khứ đã được liên hệ với việc suy dinh dưỡng.
Bài nghiên cứu mối liên hệ giữa độ tuổi có kinh nguyệt với bệnh tim mạch được đăng trên tạp chí Circulation của hội Tim mạch Mỹ.