Đường dẫn truy cập

Kiều hối của Philippines vượt mức 21 tỉ đôla trong năm 2012


Nhân viên đếm đôla Mỹ bên trong một quầy đổi tiền ở Manila. Sự đóng góp của người Philippines ở nước ngoài đã chiếm gần 10% nền kinh tế Philippines trong năm vừa qua
Nhân viên đếm đôla Mỹ bên trong một quầy đổi tiền ở Manila. Sự đóng góp của người Philippines ở nước ngoài đã chiếm gần 10% nền kinh tế Philippines trong năm vừa qua
Sự đóng góp của người Philippines ở nước ngoài đã chiếm gần 10% nền kinh tế Philippines trong năm vừa qua. Con số này dựa trên số kiều hối đã vượt mức 21 tỉ đô la trong năm 2012. Tuy nhiên, ý tưởng của nhiều người cho rằng phần lớn số tiền đó là do công nhân di trú gởi về nước chỉ đúng có một phần. Tiền của “Phi kiều” gởi về cũng có một vai trò khá quan trọng. Từ Manila, thông tín viên VOA Simone Oreindain gởi về bài tường thuật sau đây.

Ông Rodrigo Garcia là người làm công tác nghiên cứu chính sách tại Ủy ban về Người Philippines ở Nước ngoài, chuyên theo dõi những vấn đề liên quan tới người Philippines đang sinh sống ở hải ngoại. Ông cho biết ở Philippines, việc gởi tiền về nước cho gia đình là một việc chịu ảnh hưởng của văn hóa.

Ông Garcia nói: "Mọi người, đặc biệt là những người trong đại gia đình, đều nghĩ rằng một khi quí vị đã ở nước ngoài thì quí vị phải gởi tiền về cho. Ở đây là như vậy. Quí vị phải cho, nếu không thì những người thân của quí vị sẽ nghĩ rằng bản thân họ có điều gì đó không đúng, chứ không phải họ sẽ nghĩ xấu về quí vị. Họ nghĩ rằng quí vị đã quên họ."

Ông Garcia cho biết có hơn 9 triệu người Philippines ở nước ngoài, trong đó có hơn phân nửa là những người di dân. Ông nói rằng các di dân gởi tiền về nước theo một cách thức không giống với cách thức gởi tiền hàng tháng của các công nhân ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng.

Ông James Flores là một “Phi kiều” sinh sống ở Chicago hơn 40 năm nay. Ông là một chuyên viên kế toán ở Philippines và trong khi đi nghỉ hè ờ Mỹ ông đã quyết định nộp đơn xin thị thực làm việc. Ông tìm được một công việc thường trực ở Chicago và từ đó tới nay ông thường xuyên gởi tiền về nước để tặng cho những người trong gia đình. Hôm nay, người đàn ông nghỉ hưu này đã gởi tiền mừng sinh nhật cho mẹ ông và các anh chị em của ông, mỗi người chừng 100 đô la.

Ông Florea cho biết thêm: "Và rồi tới Lễ Giáng sinh tôi sẽ gởi cho họ mỗi người 400 đô la. Đó chỉ là quà tặng tượng trưng. Nó không phải để cho họ sống vì họ kiếm đủ tiền để sống."

Trong lúc chính phủ Philippines không theo dõi vấn đề những khoản kiều hối được dùng cho việc gì, những bằng chứng rời rạc của các công ty địa ốc cho thấy tiền của “Phi kiều” cũng được dùng để đầu tư nhà đất.

Ông Flores cho biết một số bạn người Mỹ gốc Philippines của ông đã đầu tư mua nhà ờ Manila và một số người khác xây nhà ở Philippines để họ về ở trong những tháng mùa đông ở Mỹ.

Cả gia đình của ông Jaime David, kể cả cha mẹ và anh chị em ông, đều sống ở Mỹ. Nhưng ông cho biết ông muốn về Philippines để sống sau khi nghỉ hưu, và ông đã chuẩn bị cho việc này. Ông làm chủ vài căn nhà cho thuê ở Manila và ở một tỉnh kế bên. Ông cho biết khoản tiền cho thuê nhà hơn 1.000 đô la mỗi tháng ông mang bỏ vào trương mục tiết kiệm.

Ông David nói: "Chúng tôi bỏ tiền ở đó. Để khi chúng tôi chúng tôi về nước, chúng tôi có tiền để tiêu dùng. Tôi sẽ không phải mang nhiều tiền ở đây về."

Số liệu của Ngân hàng Trung Philippines cho thấy một phần rất lớn của số kiều hối được gởi về từ Hoa Kỳ và điều đó làm cho một nhà nghiên cứu tin rằng số kiều hối đó do Phi kiều gởi về. Tuy nhiên, hồi gần đây Ngân hàng Trung ương cho biết một số ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng ở Trung Đông, chuyển kiều hối thông qua trụ sở chính của họ ở Mỹ. Hơn 2 triệu công nhân khế ước Philippines làm việc tại các nước Trung Đông.

Theo ông Gracia, những công nhân đó trung bình mỗi người gởi về cho gia đình họ từ 300 đến 500 đô la mỗi tháng, chiếm hơn phân nửa tiền lương hàng tháng của họ.

Khoản tiền mà nhân viên khế ước Gil Lebria gởi về nước là nguồn thu nhập chính của gia đình ông ở Philippines. Trong 13 năm nay, nhân viên văn phòng này đã làm việc tại 6 nước khác nhau, phần lớn là ở Trung Đông. Công việc chót của ông ở Libya đã bị gián đoạn vì vụ rối loạn năm 2011.

Ông Lebria cho biết trong phần lớn khoảng thời gian đó ông gặp nhiều trục trặc với các hợp đồng mà người chủ thay đổi hoặc hủy bỏ. Và kết quả là có đôi lúc lương hướng của ông bị trả trễ nhiều tháng nhưng ông vẫn phải gởi tiền về nhà.

Ông Lebria nói: "Tôi luôn mượn tiền của một người Philippines làm việc ở một công ty khác để nuôi gia đình, vì gia đình tôi lúc nào cũng cần tới số tiền này cho sự chi tiêu hàng ngày."

Bà Mic Caituri là nhân viên của Tổ chức Migrante International, tổ chức lớn nhất trong những tổ chức tranh đấu cho quyền lợi của công nhân di trú Philippines. Bà cho biết trường hợp của ông Lebria có tính chất điển hình vì đa số những người Philippines ra nước ngoài làm việc đều có người thân lệ thuộc vào sự chu cấp tiền bạc của họ.

Bà Caitura cho biết: "Đối với người Philippines thì việc làm ngơ trước những nhu cầu của gia đình là một việc hầu như không thể làm được. Đại đa số những người này sẽ hy sinh bằng cách vay tiền với lãi suất cao, có thể lên tới 30%."

Tuy không gặp may với những hợp đồng làm việc, ông Lebria cho biết ông đang nộp đơn xin làm thợ xẻ thịt ở Canada và Australia. Đây là một công việc có tay nghề cao mà hai nước này đang cần và có thể cấp qui chế thường trú nhân cho công nhân nước ngoài.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG