Dư luận Việt Nam, bao gồm nhiều người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, đưa ra những lời lên án gay gắt nhằm vào Bộ Công thương trong dịp cuối tuần qua, sau khi bộ kiến nghị chính phủ “xử lý” những người có quan điểm phản đối đợt tăng giá điện gần đây.
Kiến nghị của Bộ Công thương là một phần trong báo cáo đề ngày 17/5 gửi đến chính phủ, theo các bản tin của Thanh Niên, Người Lao Động và VnExpress.
Hôm 20/3, giá điện ở Việt Nam “tăng 8,36%”, theo báo cáo chính thức của Bộ Công thương, mà bộ gọi đó là việc điều chỉnh giá “đúng quy định, quy trình, cũng như thời điểm”.
Người dân bức xúc về giá điện khủng khiếp lắm ... đến kỳ tháng 5 này, nhận hóa đơn điện, thấy mức tăng khủng khiếp quá, rất nhiều người đã khóc. Sáng nay (20/5), tôi đi nộp tiền điện, chính bản thân cô nhân viên thu tiền điện cũng mếu máo khóc. Cô ấy bảo ‘Chúng nó là đồ ăn cướp’.Nhà báo Chu Vĩnh Hải
Tuy nhiên, theo quan sát của VOA, trên mạng xã hội, nhiều người dân viết rằng số tiền họ phải trả theo hóa đơn của tháng 4 tăng “từ 35 đến 75%” so với trước, kèm theo là vô số những lời lẽ bày tỏ bất bình cao độ về mức giá tăng vọt.
Vẫn theo ghi nhận của VOA, nhiều đài, báo chính thống ở Việt Nam như VOV, VietNamNet hay Zing News cũng đã đăng các bài cho hay, người dân “sốc”, “choáng váng” về mức giá tăng. Bên cạnh đó, các báo đài trong nước trích dẫn ý kiến một số chuyên gia nói rằng cách tính giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có những điểm bất hợp lý.
Như là một động thái đáp trả những phản ứng kể trên, trong báo cáo mới đây, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông “chỉ đạo” các cơ quan báo chí “không đưa thông tin trái chiều về giá điện”.
Đồng thời, bộ cũng kiến nghị “có các biện pháp chấn chỉnh hoặc xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về đợt điều chỉnh giá điện vừa qua nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội".
Đề xuất của Bộ Công thương vô tình dập tắt tiếng nói phản biện của người dân. Thứ hai, Bộ Công thương không thể giải thích được thế nào là chống phá, hoặc là gây rối được. Mà như thế anh làm sao xử lý được? Xử lý bằng cách nào?Nhà báo Chu Vĩnh Hải
Kiến nghị của bộ ngay lập tức vấp phải vô số lời lên án thể hiện trên các trang Facebook cá nhân cũng như trong hai diễn đàn “Góc nhìn Báo chí-Công dân” và “Bàn luận về Kinh tế-Chính trị” gồm tổng cộng trên 260.000 thành viên.
Hai nhà hoạt động được nhiều người biết đến, nhà báo độc lập Chu Vĩnh Hải và nhạc sĩ Tuấn Khanh, đều coi kiến nghị đó là “ngu xuẩn”. Ông Hải giải thích với VOA vì sao ông có cách nhìn như vậy:
“Khi anh ra một chính sách sai trái, người dân được quyền nêu ra chính kiến của mình. Đề xuất của Bộ Công thương vô tình dập tắt tiếng nói phản biện của người dân. Thứ hai, Bộ Công thương không thể giải thích được thế nào là chống phá, hoặc là gây rối được. Mà như thế anh làm sao xử lý được? Xử lý bằng cách nào?”
Chia sẻ với quan điểm của ông Chu Vĩnh Hải, nhạc sĩ Tuấn Khanh nhận xét rằng kiến nghị của Bộ Công thương cho thấy bộ có một lối tư duy “không có luật pháp, không hiểu biết về hành chính, công quyền”.
Nói thêm với VOA, nhà báo độc lập Chu Vĩnh Hải nhận định rằng Bộ Công thương đang mắc “sai lầm lớn” khi tìm cách hình sự hóa một vấn đề giữa người dân với ngành điện.
Nhà báo thường lên tiếng vì dân chủ và tiến bộ xã hội cho rằng sai lầm của Bộ Công thương có nguy cơ đổ thêm dầu vào lửa, khi mà sự bất bình của người dân về giá điện chưa hề lắng xuống, tròn hai tháng kể từ ngày giá tăng.
Ông Hải mô tả về những gì ông quan sát thấy:
“Người dân bức xúc về giá điện khủng khiếp lắm. Vào tháng 4, kỳ thanh toán đầu tiên sau khi tăng giá điện, thì họ còn than vãn. Nhưng đến kỳ tháng 5 này, nhận hóa đơn điện, thấy mức tăng khủng khiếp quá, rất nhiều người đã khóc. Sáng nay (20/5), tôi đi nộp tiền điện, chính bản thân cô nhân viên thu tiền điện cũng mếu máo khóc. Cô ấy bảo ‘Chúng nó là đồ ăn cướp’. Người dân họ phẫn nộ lắm”.
Tôi không tin là họ không làm, bởi vì đối với những người cộng sản, không có gì họ không dám làm. Nhưng lúc này, cái sự dám làm cũng phải cân nhắc rất nhiều.Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Trong bối cảnh lòng dân như vậy, kiến nghị của Bộ Công thương chỉ dừng lại như là một sự hăm dọa hay sẽ biến thành hành động trừng phạt cụ thể, đó là một điều “khó lường”, theo nhạc sĩ Tuấn Khanh. Mặc dù vậy, ông phân tích với VOA rằng ở thời điểm này, nhà chức trách Việt Nam có thể chưa “xử lý” những người phản đối giá điện tăng:
“Nhận thức của người dân càng lúc càng nhiều, sự phẫn nộ càng lúc càng lớn. Việc họ làm được lúc này tôi nghĩ tương đối là khó. Tôi không tin là họ không làm, bởi vì đối với những người cộng sản, không có gì họ không dám làm. Nhưng lúc này, cái sự dám làm cũng phải cân nhắc rất nhiều. Đặc biệt là cân nhắc với tình thế lúc này đại hội đảng, mọi thứ họ đang muốn yên lành và họ muốn không có gì bất thường xảy ra trong xã hội”.
Các báo Việt Nam cuối tuần qua cho hay, Bộ Công thương nói trong báo cáo của họ gửi tới chính phủ rằng trước sự bức xúc của nhiều người dân về biểu giá điện bậc thang bị cho là “đã lạc hậu”, trong thời gian tới bộ “sẽ nghiên cứu, đề xuất biểu giá điện mới với mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ”.