Đường dẫn truy cập

Khủng hoảng thịt heo ở Việt Nam: Chính phủ gặp khó?


Thịt lợn đang được bày bán ở một chợ ở Hà Nội. Giá thịt lợn đã tăng cao nhất ở VIệt Nam trong nhiều năm
Thịt lợn đang được bày bán ở một chợ ở Hà Nội. Giá thịt lợn đã tăng cao nhất ở VIệt Nam trong nhiều năm

Chính phủ Việt Nam không thể làm gì nhiều để ngăn chặn cuộc khủng hoảng thịt heo vốn đẩy giá loại thịt này tăng phi mã và cũng không nên dùng các biện pháp hành chính để điều tiết thị trường, một nhà quan sát từ trong nước nói với VOA.

Dịch tả heo châu Phi hoành hành ở Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 đã đẩy giá thịt heo ở Việt Nam tăng lên mức kỷ lục từ trước đến nay, gây xáo trộn trong đời sống người dân trong bối cảnh chỉ còn hơn một tháng nữa là Tết đến với nhu cầu thịt heo tăng cao.

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, được trang mạng VnExpress dẫn lại thì đàn heo Việt Nam vào thời điểm tháng 12 năm 2019 đã giảm xuống còn 22 triệu con từ mức 28 triệu trước khi xảy ra nạn dịch.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng dự đoán Việt Nam sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn thịt heo cho dịp Tết, trong khi Bộ Công thương lại đưa ra con số thiếu tới 300.000 tấn, cũng theo tờ báo mạng này.

Trong khi đó, phát biểu tại hội nghị ngành nông nghiệp ngày 23/12, Thủ tướng Việt Nam được dẫn lời trấn an rằng ‘nguồn thịt lợn hiện nay đủ đáp ứng nhu cầu của người dân và không có chuyện thiếu hụt’.

Các cơ quan chức năng cũng cho rằng tình trạng thiếu hụt thịt heo vào dịp Tết một phần là do ‘có hiện tượng người chăn nuôi ém hàng chờ giá tăng cao hơn nữa mới bán’.

‘Bất khả kháng’

Trao đổi với VOA, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu IDS, nói rằng việc kiềm giữ giá cả do dịch bệnh ‘gần như là bất khả kháng’ đối với chính phủ Việt Nam.

“Trung Quốc đã để xảy ra khủng hoảng lớn,” ông A nói với ý so sánh đến cuộc khủng hoảng thịt heo trầm trọng ở Trung Quốc khiến nước này phải nhập thịt heo ồ ạt để bù đắp thiếu hụt trong nước. “Để Nhà nước có thể giải quyết được khủng hoảng thực sự là chuyện không thể.”

“Giá thịt heo tăng kéo giá cả các mặt hàng khác tăng lên. Lạm phát tăng lên là chuyện hiển nhiên,” ông nói thêm.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê được VnExpress dẫn lại thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,96% so với tháng 10, mức tăng trong một tháng cao nhất trong vòng 9 năm qua mà nguyên nhân chính là do giá thịt heo tăng cao đẩy giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất trong gói chỉ số giá tiêu dùng.

Về tình trạng găm hàng thịt heo để đẩy giá cao hơn mới bán, ông A cho rằng ‘chắc chắn sẽ xảy ra’ vì nếu để qua Tết ra Giêng thì ‘giá sẽ xuống’ và ‘nhà đầu cơ phải tự tính toán’.

“Nhà nước không thể can thiệp vào khu vực tư nhân ở chỗ này mà bằng những chính sách của mình làm cho biến động đó bớt đi chừng nào hay chừng nấy.”

Tiến sĩ A cũng cho rằng nếu xét về động cơ lợi nhuận thì việc tuồn thịt heo qua Trung Quốc ‘tất nhiên có xảy ra’. “Ở vùng này giá cao hơn vùng kia thì không thể bảo người ta không mang thịt sang đấy bán được.”

‘Mở rộng nhập khẩu’

Về giải pháp trước cuộc khủng hoảng này, ông A cho rằng Việt Nam cần mở rộng nhập khẩu thịt heo từ Úc, New Zealand, Pháp hoặc Mỹ.

Theo lời ông giải thích thì mặc dù có tình trạng thiếu hụt thịt lợn trầm trọng ở Trung Quốc đẩy nhu cầu trên thị trường thế giới tăng cao nhưng do thị trường ở Việt Nam chỉ là một phần nhỏ so với 1,4 tỷ người của Trung Quốc nên ‘có thể xoay sở được’ từ việc nhập khẩu.

Ông cho rằng do thịt heo là một mặt hàng thực phẩm được người Việt tiêu thụ rất nhiều nên để tránh xảy ra những khủng hoảng tương tự trong tương lai Việt Nam cũng nên cần ‘xây dựng kho dự trữ đông lạnh’ giống như bên Trung Quốc đang làm nhưng ‘cũng không đến mức như vậy’.

“Ở mức độ nhất định ở các thành phố lớn hoặc ven các thành phố có điều kiện cũng nên xây dựng kho dự trữ hay đưa ra các khuyến khích để các nhà kinh doanh hay các nhà nhập khẩu có động cơ để xây dựng kho dự trữ để khi hàng khan hiếm thì bán ra sẽ được giá hơn,” ông nói.

Ông A dự đoán từ giờ đến Tết ‘chắc chắn thịt heo sẽ còn tăng giá’ nhưng ‘đối với người khá giả thì điều đó không thành vấn đề’.

“Còn đối với những người thu nhập thấp thì họ phải tìm những thực phẩm thay thế như thịt gia cầm, tôm cá,” ông nói.

Về giải pháp của Chính phủ để giảm áp lực lên cuộc sống của người dân trong bối cảnh vật giá leo thang khi Tết nhất gần kề, ông A nói ‘chính phủ không thể làm được gì nhiều đâu’.

“Chính phủ có thể chi ra một số tiền để giúp cho những bà con gặp khó khăn hoặc có chính sách khuyến khích cho các doanh nghiệp thưởng Tết thêm cho những người làm công ăn lương thu nhập thấp rồi Nhà nước sẽ bù lại cho họ bằng cách giảm khoản thu nào đó,” ông phân tích.

Ông dự đoán cuộc khủng hoảng thịt lợn này sẽ còn tiếp diễn cho đến sau Tết ‘vì chu kỳ nuôi heo con cho đến khi được thịt thì cũng mất 4-5 tháng’.

“Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình chăn nuôi, những trang trại lớn để giúp họ tăng đàn heo (sau khi bị dịch ảnh hưởng) nếu muốn cho khủng hoảng không trở nên trầm trọng hơn,” ông khuyên.

Ông A cũng nhận định rằng công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam trong dịch tả lợn châu Phi ‘rất là kém’ và ông cho rằng ‘cần phải tổ chức lại ngành thú y’.

Lo thiếu hàng ngày Tết

Hiện tại giá thịt heo hơi trung bình ở Việt Nam dao động từ 90.000 cho đến 100.000 đồng/kg, tức cao gấp đôi so với thời điểm bình thường (lúc chưa xảy ra dịch), theo báo Thanh Niên. Giá heo hơi tăng cao đã đẩy giá sườn non, ba chỉ cũng như sườn cốt lết dao động ở mức trên dưới 200.000 đồng/kg, tức cao từ gấp đôi cho đến gấp ba so với giá bình thường, theo thống kê của trang mạng VnExpress.

Anh Phan Văn Út, một tiểu thương bán thịt heo ở chợ Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, nhận định với VOA rằng giá thịt heo tại thời điểm này là ‘cao nhất từ trước đến nay’.

“So với bình thường giá tăng gần gấp ba,” anh Út nói và dự đoán đến cận Tết giá thịt heo dùng để kho tàu có thể tăng lên đến 250.000 đồng/kg.

“Do nguồn hàng khan hiếm, không có hàng để bán nên mới tăng giá,” anh nói và cho biết thêm nguồn thịt anh bán phải lấy từ địa phương khác như Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh chứ tại tỉnh Cà Mau đàn heo đã ‘bị dịch làm cho chết hết’ nên ‘đã hết sạch’ hàng.

Anh nói giá thịt heo tăng cao đã khiến ‘sức mua giảm phân nửa’ – điều này khiến cho các tiểu thương không dám lấy hàng nhiều mà chỉ lấy vừa đủ để ‘có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu’.

Theo lời anh Út thì các bạn hàng lấy mối của anh để bán hàng ăn cũng đã ‘giảm lại’ vì khách cũng ăn ít hơn do ‘mỗi tô tăng giá từ 5 đến 10 ngàn’.

“Sợ Tết năm nay không có thịt để bán, đầu mối đã báo trước là mấy ngày Tết có thể thiếu thịt heo,” anh nói và cho biết từ 25 tháng Chạp âm lịch trở lên anh sẽ tăng nguồn hàng để bán phục vụ Tết.

Anh cũng cho rằng bất chấp giá thịt heo tăng cao, ít có khả năng người dân chuyển sang các loại thịt khác trong ngày Tết.

“Phong tục cổ truyền của dân tộc thì Tết phải có nồi thịt kho, không thể chuyển qua loại thịt khác,” anh nói. “Người Việt Nam nghèo mấy thì Tết nhất cũng phải có nồi thịt kho tàu để ăn 2,3 ngày Tết.”

“Chỉ sợ không đủ hàng để bán,” anh nói thêm.

Anh cho biết là ở địa phương của anh thì một số hộ chăn nuôi ‘đã tái đàn trở lại’ sau khi đã kiểm dịch, xử lý vệ sinh đàng hoàng. Tuy nhiên, phải đợi 3, 4 tháng nữa khi đàn heo này đủ lớn thì giá thịt heo mới bình ổn trở lại.

Chờ giá cao hơn

Trái với anh Út, anh Nguyễn Đức Thọ, một đầu mối chuyên bỏ mối thịt heo ở Chợ Lớn, thành phố Hồ Chí Minh, tin rằng ‘lượng thịt heo không hề thiếu’ để cung cấp cho thị trường.

Lý do anh cho rằng nguồn hàng không hề thiếu là ‘hàng nhập khẩu đã về’ và ‘công ty (các trang trại chăn nuôi quy mô lớn) lúc nào cũng có hàng’.

Tuy nhiên, anh cho biết tâm lý người tiêu dùng Việt Nam không mặn mà với hàng đông lạnh nhập khẩu mà chỉ thích ‘hàng nóng’ (tức hàng tươi sống).

“Hàng lạnh so với hàng nóng chỉ rẻ hơn được 2-3 ngàn một ký thôi,” anh nói. “Mấy lần tôi có mua hàng lạnh về xài thử nhưng hao lắm.”

Anh giải thích hàng đông lạnh ‘hao’ là bị hao hụt rất nhiều trong quá trình rã đông – ‘10 kg còn chừng 6-7 kg thôi’.

“Người Việt Nam không có thịt heo thì họ ăn cái khác chứ họ không xài hàng lạnh vì hàng lạnh quá cứng, xả ra phải hai ngày mới xong,” anh cho biết.

Anh lấy ví dụ là những hàng quán bán cơm tấm họ cần ‘ướp thịt để 2,3 tiếng đồng hồ mới đem nướng. Trong khi đó, ‘hàng lạnh phải xả hai ngày thì làm sao ướp nướng được?’

Về nguồn hàng trong các công ty chăn nuôi, anh cho biết ‘lúc nào cũng có sẵn’ nhưng ‘bây giờ không tuôn ra’.

Anh giải thích sự thiếu hụt chỉ đến từ các hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ bị ảnh hưởng của dịch chứ ‘các công ty chăn nuôi bài bản, áp dụng khoa học kỹ thuật đàng hoàng thì không bị dịch ảnh hưởng’.

“Họ có thể lợi dụng cơ hội để đẩy giá lên nữa,” anh nhận định. “Ai cũng vậy mà. Có cơ hội làm giàu được thì làm giàu thôi.”

Anh Thọ cũng cho rằng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nếu còn hàng thì họ cũng không găm hàng vì ‘họ chỉ nuôi vài chục con để kiếm tiền ăn Tết’ nên ‘không thấm tháp gì với thị trường mà găm hàng’.

Về sức mua của thị trường, anh cho biết mấy hàng thịt heo ngoài chợ ‘bây giờ ế dữ lắm’.

“Lúc trước người đi chợ mua khoảng 1-2 kg thịt heo, bây giờ giá mắc quá họ chỉ mua chừng 200-300 gram thôi.”

“Mấy hộ nghèo quá họ ăn không nổi (thịt heo) thì họ phải chuyển sang món khác mà ăn,” anh nói thêm. “Còn các hàng ăn (chuyên thịt heo) thì họ vẫn bắt buộc lấy mối thôi vì nếu không lấy thì phải nghỉ bán.”

Mặc dù sức mua giảm như vậy nhưng anh Thọ cho rằng ‘sẽ không có chuyện thịt heo giảm giá’.

“Giá công ty đưa ra. Các tiểu thương mua về bán lẻ nếu bán không được thì người ta sẵn sàng bỏ tủ chứ không bao giờ chấp nhận bán rẻ vì bán rẻ sẽ bị lỗ vốn,” anh giải thích. “Chẳng thà lấy hàng ít lại.”

Dự báo nhu cầu ngày Tết, anh Thọ cho rằng ‘sẽ rất hút hàng’.

“Người Việt mình xưa giờ ngày Tết phải có thịt kho, phải có bánh chưng, bánh tét. Năm nay chắc cũng có nhưng số lượng ít thôi chứ không như những năm trước,” anh nói.

Anh cho biết các bạn hàng lấy mối thịt heo ở chỗ anh để làm giò chả phục vụ Tết ‘đã lấy hàng bớt lại’.

“Ví dụ hồi trước người ta lấy 10 bây giờ chỉ còn được 3,4 phần. Người ta cũng phải hỏi trước bạn hàng là giá lên như vậy nếu bạn hàng đồng ý thì họ mới làm,” anh nói.

VOA Express

XS
SM
MD
LG