Đường dẫn truy cập

Khủng hoảng di dân châu Âu: ‘Belarus không muốn tình hình leo thang’


Di dân Yemen Mustafa Mohammed Murshed Al-Raimi được chôn cất ở Bohoniki, Ba Lan hôm 21/11.
Di dân Yemen Mustafa Mohammed Murshed Al-Raimi được chôn cất ở Bohoniki, Ba Lan hôm 21/11.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 22/11 nói rằng nước ông không tìm cách đối đầu với Ba Lan nhưng muốn Liên minh châu Âu tiếp nhận 2.000 di dân bị mắc kẹt ở biên giới, và ông nói thêm rằng nếu cuộc khủng hoảng di dân xấu đi ‘quá mức thì chiến tranh là không thể tránh khỏi’.

Liên minh châu Âu cáo buộc Belarus đã cho máy bay đưa hàng ngàn người từ Trung Đông vào và đẩy họ vượt biên vào EU qua ngả Ba Lan, Lithuania và Latvia để đáp trả các lệnh trừng phạt của EU đối với việc Lukashenko đàn áp các cuộc biểu tình phản đối việc ông tái đắc cử đầy tranh cãi.

Minsk phủ nhận họ tạo nên khủng hoảng di cư.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm 21/11 nói rằng khủng hoảng có thể là khởi đầu cho ‘cái gì đó tồi tệ hơn nhiều’, và biên phòng Ba Lan cho biết các phía Belarus vẫn đang đưa di dân đến biên giới.

Ông Lukashenko được hãng thông tấn nhà nước Belta dẫn lời nói ông không muốn tình hình leo thang.

“Chúng ta cần truyền đạt đến dân Ba Lan, đến mỗi người Ba Lan và cho họ thấy rằng chúng ta không phải là kẻ man rợ, rằng chúng ta không muốn đối đầu. Chúng ta không cần đối đầu. Bởi vì chúng ta hiểu rằng nếu chúng ta đi quá xa, chiến tranh là không thể tránh khỏi,” ông nói.

“Và đó sẽ là thảm họa. Chúng tôi hoàn toàn hiểu điều này. Chúng tôi không muốn có sự bùng nổ căng thẳng nào.”

Ba Lan đe dọa cắt đứt một tuyến đường sắt kết nối hai nước nếu tình hình không được cải thiện, và ông Lukashenko được dẫn lời nói rằng lời đe dọa có thể phản tác dụng.

Trong tình huống như vậy, tuyến đường sắt này có thể được chuyển hướng để chạy qua khu vực đang có xung đột ở miền đông Ukraine, ông nói.

Phát ngôn nhân chính phủ Ba Lan hôm 22/11 cho biết không có quyết định nào được đưa ra, mặc dù lựa chọn đó đang được cân nhắc.

“Đóng cửa các cửa khẩu biên giới luôn có tác động kép. Nó cũng sẽ có tác động kinh tế tiêu cực đối với chúng tôi,” phát ngôn nhân này nói với kênh Posat News TV.

Hôm 18/11, ủy ban điều hành EU và Đức đã công khai bác bỏ đề xuất của Belarus được đưa ra cùng ngày rằng các nước EU tiếp nhận 2.000 di dân hiện đang ở trên lãnh thổ họ.

Tuy nhiên, ông Lukashenko, theo Belta, hôm 22/11 nói rằng ông nhất quyết đòi Đức tiếp nhận một số di dân, và phàn nàn rằng EU không hề liên lạc với Minsk về vấn đề này.

“Tôi đang chờ EU trả lời. Họ thậm chí không thèm nhìn vào vấn đề. Và ngay cả những gì bà ấy (Thủ tướng Đức Angela Merkel) đã hứa với tôi – liên lạc. Họ thậm chí còn không liên lạc.”

Kế hoạch của Belarus cũng dẫn đến việc Minsk đưa khoảng 5.000 di dân về nước, và Lukashenko cho biết Belarus đang chuẩn bị chuyến bay thứ hai để hồi hương di dân về vào cuối tháng này. Hơn 400 người Iraq đã được đưa trở lại Iraq vào hồi trước, chuyến bay hồi hương đầu tiên kể từ tháng 8.

Một số người đã bỏ mạng ở biên giới, nơi nhiều người đã phải khốn khổ ở trong rừng lạnh lẽo, ẩm ướt với ít thức ăn, nước uống khi mùa đông lạnh giá bắt đầu.

Lực lượng biên phòng Ba Lan tuần trước cho biết họ đã ghi nhận 7 trường hợp tử vong, nhưng các nhóm nhân quyền cho biết có hơn 10 người. Hôm 22/11, Ủy ban Cứu hộ Quốc tế cho biết tổng cộng đã có 13 người đã thiệt mạng.

Ba Lan cho biết các phía Belarus vẫn tiếp tục đưa di dân đến biên giới, mặc dù họ đã dọn sạch các trại di dân chính dọc theo ranh giới dây thép gai hồi tuần trước.

Một nhóm khoảng 150 người di cư đã cố gắng vượt qua hàng rào biên giới gần làng Dubicze Cerkiewne của Ba Lan hôm 21/11, lực lượng biên phòng Ba Lan cho biết.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG