Đường dẫn truy cập

Khủng hoảng Syria, Iran: Chủ đề chính tại kỳ họp Ðại hội đồng LHQ


Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nói Syria sẽ đứng đầu chương trình nghị sự quốc tế
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nói Syria sẽ đứng đầu chương trình nghị sự quốc tế
Vào ngày thứ Ba, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tề tựu về New York để tham dự cuộc họp Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc thường niên. Thông tín viên VOA Margaret Besheer cho biết cuộc xung đột Syria và sự xuất hiện của Tổng thống Iran có phần chắc sẽ nổi bật tại các cuộc họp.

Năm nay, các nhà lãnh đạo sẽ không gặp gỡ trong Ðại sảnh của Đại hội đồng đang được tu sửa, mà thay vào đó sẽ tề tựu tham dự cuộc tranh luận hàng năm trong một hội trường rộng rãi và hiện đại được trang bị bục đá cẩm thạch màu xanh lá cây quen thuộc.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã nói rõ rằng Syria sẽ đứng đầu chương trình nghị sự quốc tế, nói rằng đó là thách thức về hòa bình, an ninh và nhân đạo lớn nhất mà Liên Hiệp Quốc đang phải đối mặt:

"Nói một cách rõ ràng: việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria chỉ là phẩn nổi của tảng băng chìm. Nỗi đau khổ ở Syria phải chấm dứt."

Sẽ có những cuộc họp bên lề của Đại hội đồng giữa những nước có ảnh hưởng lớn nhất trong vấn đề Syria, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, về việc làm thế nào để thực thi thỏa thuận buộc Syria từ bỏ và tiêu hủy kho vũ khí hóa học của nước này .

Ông Ban sẽ họp với Bộ trưởng Ngoại giao 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ. Ông và ông Lakhdar Brahimi, đại diện đặc biệt của LHQ về Syria cũng có kế hoạch gặp gỡ hai ông Kerry và ông Lavrov để thảo luận việc làm thế nào tạo đà hướng tới một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria .

Hơn 100.000 người đã thiệt mạng ở Syria và hơn 6 triệu ly tán trong nước hoặc trở thành những người tị nạn.

Sự xuất hiện của Tổng thống mới đắc cử của Iran, Hassan Rouhani, cũng đang thu hút nhiều sự chú ý.

Nhiều nhà lãnh đạo sẽ rất muốn nghe Tổng thống Rouhani phát biểu, và liệu ông có sẵn sàng cải thiện quan hệ với phương Tây và trả lời những câu hỏi còn bỏ ngỏ về chương trình hạt nhân bị nghi ngờ của nước ông hay không.

Ðang có nhiều đồn đoán về một cuộc gặp gỡ khả dĩ giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và vị nguyên thủ mới của Iran trong các cuộc họp tại LHQ. Tuy nhiên, giới chức Tòa Bạch Ốc nói hiện không có kế hoạch hai nhà lãnh đạo hội kiến.

Về phần mình, ông Rouhani đã tỏ ra khéo léo về ngoại giao khi cho truyền thông Mỹ phỏng vấn và có chủ trương mềm mỏng hơn nhiều so với người tiền nhiệm của ông, Mahmoud Ahmadinejad, người làm mất lòng nhiều nước phương Tây vì tỏ ý nghi ngờ nạn diệt chủng Do Thái và quyền được tồn tại của nhà nước Israel.

Phần diễn thuyết nảy lửa của ông Ahmadinejad tại Liên Hiệp Quốc thường bị các phái đoàn phương Tây và Israel tẩy chay và khiến họ bỏ ra ngoài phòng họp.

Theo lịch ông Obama sẽ là diễn giả thứ hai tại phiên khai mạc Đại hội đồng vào ngày thứ Ba, sau Tổng thống Brazil Dilma Rousseff.

Các cuộc họp cấp cao khác tại và bên lề Liên Hiệp Quốc trong những ngày sắp tới sẽ tập trung vào Afghanistan, Ai Cập, Mali, Cộng hòa Trung Phi và Cộng hòa Dân chủ Congo.

Vào ngày thứ Năm, Tổng thống Sudan, Omar Hassan Al –Bashir, có thể xuất hiện trên bục phát biểu. Kể từ khi Tòa án Hình sự Quốc tế truy tố ông vì những tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại tại Darfur năm 2009, và chính thức buộc tội diệt chủng vào năm sau, những chuyến công du quốc tế của ông đã bị cắt.

Tổng thống Sudan cho biết ông hy vọng sẽ được tham dự các cuộc tranh luận tại Đại hội đồng. Là nước chủ nhà của Liên Hiệp Quốc, Mỹ có nghĩa vụ cấp visa cho ông tới đây. Nhưng nếu ông lên phát biểu, sự việc này sẽ gây phẫn nộ đối với nhiều thành viên cộng đồng quốc tế đã lên tiếng kêu gọi bắt giữ ông.

Hơn 130 nguyên thủ quốc gia hoặc đại diện - một trong những đội ngũ đông nhất trong lịch sử của Liên Hiệp Quốc - dự kiến sẽ tham dự cuộc họp của Đại hội đồng.

VOA Express

XS
SM
MD
LG