Chi tiết thỏa thuận về nợ công
Chi tiết thỏa thuận về nợ công-Mở lại và cấp ngân khoản cho chính phủ cho đến ngày 15 tháng 1, 2014.
-Nâng mức trần nợ lên cho đến ngày 7 tháng 2, 2014.
-Ðòi hỏi chính phủ xác nhận điều kiện của những người được hưởng trợ cấp chính phủ theo Bộ luật chăm sóc sức khỏe với giá phải chăng.
-Thành lập ủy ban thương lượng để khai triển kế hoạch ngân sách dài hạn.
-Cung cấp tiền lương trả chậm cho công nhân viên liên bang bị cho nghỉ việc trong thời gian chính phủ đóng cửa.
Hàng trăm nghìn nhân viên chính phủ liên bang hôm qua đã trở lại làm việc. Trong khi đó, các nhà đầu tư từng đặt cược Quốc hội không để cho nước Mỹ vỡ nợ đã thu lời. Và các nhà kinh doanh bị ảnh hưởng bởi vụ đóng cửa chính phủ, chào đón khách hàng trở lại.
Nhưng khôi nguyên giải Nobel Kinh tế Robert Shiller nói rằng thật khó để định lượng cuộc khủng hoảng do các chính trị gia ở Washington tạo ra đã làm tổn hại lòng tin của cộng đồng quốc tế.
“Rõ ràng danh tiếng của chúng ta là một điều rất quan trọng. Thật là có đôi chút khó chịu khi thấy điều đó hiện bị đe dọa như thế”.
Theo ông Shiller, điều đáng ngại hơn là tác động của tình trạng rối loạn hoạt động ở Washington đối với tầng lớp trung lưu. Đơn cử là việc chính phủ không thể thông qua một chương trình tạo thêm việc làm.
Standard and Poor’s ước tính việc chính phủ Mỹ đóng cửa một phần trong 16 ngày đã khiến nền kinh tế thiệt hại 24 tỷ đôla và làm tỷ lệ tăng trưởng GDP trong quý 4 giảm đi hơn 0,5%.
“Chúng ta phải đạt được một sự đồng thuận nào đó. Chúng ta phải xác định một mức độ bất bình đẳng tệ hơn hiện nay và tuyên bố rằng đó là giới hạn. Chúng ta sẽ không để cho tình trạng bất bình đẳng vượt qua mức đó và chúng ta sẽ làm thế nào để ngăn chặn. Vâng, cần phải áp dụng một hình thức thuế khóa nào đó đối với người giàu”.
Đó là một đề nghị gây tranh cãi và có phần chắc sẽ vấp phải sự chống đối mạnh mẽ từ các thành viên bảo thủ trong Quốc hội.
Ông Shiller nói rằng sự khác biệt về ý thức hệ đã gây ra vụ đóng cửa sẽ ngày càng xói mòn lòng tin vào nền kinh tế Mỹ, và có thể sẽ nhanh chóng làm cho đồng đôla không còn là đồng tiền dự trữ an toàn của thế giới.
Vị thế mạnh của đồng đôla hiện nay đồng nghĩa với việc đồng tiền này được các chính phủ nước này dự trữ với số lượng lớn nhằm phục vụ cho thương mại và trao đổi ngoại tệ. Ngoài ra, vị thế đó khiến đồng đôla hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài và cho phép Mỹ vay nợ với chi phí thấp.
Nga và Trung Quốc đề nghị thay thế đồng đôla bằng điều mà họ gọi là ‘quỹ dự trữ siêu đẳng’ gồm nhiều loại chỉ tệ.
Nga và Trung Quốc đã đề nghị thay thế đồng đôla bằng điều mà họ gọi là ‘quỹ dự trữ siêu đẳng’ gồm nhiều loại chỉ tệ. Các chuyên gia nói rằng các đề nghị đó có thể nhận được sự ủng hộ, nếu các nhà lập pháp Mỹ lại đưa đất nước vào một cuộc khủng hoảng tài chính khác sau 3 tháng nữa.