Đường dẫn truy cập

Khủng bố và chống khủng bố


Một binh sĩ Pháp tuần tra ở phía trước bảo tàng Louvre ở Paris hôm 17/11.
Một binh sĩ Pháp tuần tra ở phía trước bảo tàng Louvre ở Paris hôm 17/11.

Cuộc khủng bố của nhóm Nhà nước Hồi giáo (Islamic State, IS) tại Paris vào tối 13/11 đã qua. Tất cả những tên khủng bố đã bị giết chết hoặc tự làm nổ bom chết. Một số tên chủ mưu cũng đã bị giết chết. Nhưng cuộc khủng bố ấy vẫn chưa kết thúc. Chính phủ Pháp, một mặt, tiếp tục truy lùng những tên chủ mưu còn lại; mặt khác, gia tăng các đợt oanh kích nhắm vào lực lượng Nhà nước Hồi giáo tại Syria. Nhưng, quan trọng hơn hết, cuộc khủng bố vẫn chưa kết thúc trong tâm trí mọi người: Cứ bước đến bất cứ chỗ nào đông người cũng đều có cảm giác bất an. Sống, thì mọi người vẫn cứ sống, vẫn vào quán cà phê và tiệm ăn, vẫn vào các rạp hát và các sân vận động, nhưng, tự trong lòng, thỉnh thoảng lại nhói lên một cảm giác lo lắng: Không biết có tên khủng bố nào đột nhiên xuất hiện cầm súng bắn xả vào mình hay không.

Cảm giác bất an ấy chứng tỏ bọn khủng bố đã thành công.

Có thể nói, khủng bố là hành động dùng vũ lực để gieo rắc hoang mang và sợ hãi trong quần chúng. Với mục tiêu như thế, khi khủng bố giết được càng nhiều người bao nhiêu thì càng được xem là “thắng lợi” bấy nhiêu. Bởi vậy, đối tượng chính của khủng bố không phải là các trại lính, các đồn cảnh sát hay các cơ quan công quyền mà là những nơi tụ tập của những người dân bình thường như sân vận động, rạp hát, nhà thờ, chùa chiền, chợ búa, các tụ điểm giải trí và các tiệm ăn hay tiệm cà phê. Đó là những sự phân biệt lớn nhất giữa khủng bố và chiến tranh: Trong khi chiến tranh là những sự đụng độ giữa hai lực lượng quân sự, khủng bố chỉ nhắm đến thường dân, những người hoàn toàn vô tội, không có vũ khí trong tay; trong khi chiến tranh nhắm đến việc chiếm cứ đất đai, khủng bố chỉ nhắm đến việc làm cho người ta hoảng sợ.

Khủng bố có nhiều hình thức, trong đó, hai hình thức chính là: khủng bố nhà nước và khủng bố tổ chức.

Tất cả các chế độ độc tài, với những mức độ khác nhau, đều là những nhà nước khủng bố. Mọi chế độ, để đứng vững, bao giờ cũng cần sự ủng hộ của dân chúng. Không có sự ủng hộ ấy, các chế độ độc tài đều được xây dựng trên hai nền móng chính: tuyên truyền và khủng bố. Cứ nhìn vào Bắc Triều Tiên, Iran hay cả Nga hiện nay thì thấy. Chính quyền tìm mọi cách để sát hại tất cả những người phản kháng hoặc có mầm mống phản kháng. Ở Việt Nam, tính chất khủng bố nhẹ hơn, nhưng không phải không có, qua các việc trấn áp những người bất đồng chính kiến: bắt họ, bỏ tù họ hoặc giả dạng côn đồ để đánh đập họ. Tất cả đều nhắm tới một mục tiêu: khủng bố tinh thần dân chúng, làm cho mọi người sợ hãi.

Khủng bố tổ chức là khủng bố do một tổ chức nào đó đứng ra thực hiện. Trong khoảng hơn một thập niên vừa qua, hai tổ chức khủng bố có quy mô lớn nhất và được xem là nguy hiểm nhất trên phạm vi toàn thế giới là al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo. Cả hai đều gây nên những cuộc khủng bố khủng khiếp như cướp máy bay rồi tông thẳng vào Trung tâm thương mại ở New York giết hại cả 3000 người vào năm 2001 hay đặt bom ở các phương tiện giao thông công cộng, từ ga xe lửa đến trạm xe buýt ở London vào năm 2005 làm chết 52 người và hơn 700 người khác bị thương; gần đây nhất là vụ đặt bom trên chuyến bay từ Ai Cập đến Nga làm cho 224 người chết và cuộc tấn công vào Paris làm cho ít nhất 129 người chết và hơn 350 người khác bị thương.

Đặc điểm quan trọng nhất của cả al-Qaeda lẫn Nhà nước Hồi giáo đều là Hồi giáo. Chính vì vậy, người ta thường khái quát hoá thành nhận định: “Không phải người Hồi giáo nào cũng là khủng bố, nhưng tất cả những tên khủng bố đều là người Hồi giáo”. Nhận định ấy, thật ra, không sai hẳn. Quả thật, từ năm 2001 đến nay, phần lớn các cuộc khủng bố lớn xảy ra trên thế giới đều ít nhiều dính líu đến Hồi giáo. Phần lớn. Nhưng không phải tất cả. Cuộc khủng bố ở nhà hát Moskva năm 2002 làm trên 120 người chết do những người Chechnya thực hiện vì lý do chính trị chứ không phải vì lý do tôn giáo. Việc đồng nhất khủng bố với Hồi giáo, do đó, không chính xác. Đã không chính xác, nó lại còn nguy hiểm: Nó có thể đẩy tất cả những người Hồi giáo khác vào thế đối nghịch.

Bất cứ cộng đồng nào cũng có người tốt kẻ xấu. Cộng đồng Hồi giáo cũng vậy. Đại đa số người Hồi giáo là những người ôn hoà, an vui với đạo của họ. Chỉ có một thiểu số là quá khích, lúc nào cũng lăm lăm đòi tiêu diệt những người ngoại đạo, muốn đặt tôn giáo của mình lên trên hiến pháp và luật pháp quốc gia, hơn nữa, muốn Hồi giáo hoá toàn thế giới. Chiến lược để tiêu diệt những bọn Hồi giáo cực đoan bao gồm hai khía cạnh: một mặt, tiêu diệt chúng; mặt khác, không xúc phạm đến những người Hồi giáo ôn hoà để họ khỏi ngả theo những bọn Hồi giáo cực đoan.

Khi Nga và Pháp, theo chân Mỹ trước đó, đem máy bay đến oanh kích các nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq, họ chỉ nhắm đến mục tiêu thứ nhất. Có lẽ họ sẽ không bao giờ toại nguyện. Ngay cả khi diệt hết các phiến quân thuộc Nhà nước Hồi giáo, nguy cơ khủng bố vẫn còn lơ lửng trên đầu mọi người. Thì, trước đây, khi quyết định tấn công Afghanistan và Iraq, Mỹ cũng muốn tiêu diệt nhóm Hồi giáo cực đoan al-Qaeda; tuy nhiên, thứ nhất, họ vẫn không tiêu diệt hết được; thứ hai, sau khi al-Qaeda suy yếu thì nhóm Nhà nước Hồi giáo vùng lên còn đông đúc và nguy hiểm hơn cả nhóm Al-Qaeda trước đó nữa.

Bởi vậy, người ta cần phải chú trọng đến khía cạnh thứ hai: cắt đứt nguồn cung cấp nhân sự cho các lực lượng Hồi giáo quá khích bằng cách ngăn chận hoặc giảm thiểu quá trình cực đoan hoá của các tín đồ Hồi giáo. Theo tin tức tình báo, ở Úc có cả mấy trăm thanh niên, ở châu Âu, nhiều hơn, có cả ngàn thanh niên tự nguyện từ bỏ cuộc sống yên ấm của mình để lén lút đến Syria hay Iraq tham gia vào lực lượng Nhà nước Hồi giáo hoặc để được huấn luyện cách thức ám sát hoặc nổ bom tự sát. Trong số này, có những người sinh trưởng ở Tây phương, được giáo dục ở Tây phương. Tại sao họ lại làm vậy?

Lý do đầu tiên là do họ cuồng tín. Cuồng tín gắn liền với giáo dục. Chỉ có giáo dục mới giải toả được sự cuồng tín. Bởi vậy, một trong những sách lược chống khủng bố là phải bắt đầu với giáo dục. Lý do thứ hai, quan trọng hơn, đến từ những bất mãn đối với xã hội Tây phương. Hầu hết những thanh niên tham gia các phong trào quá khích đều là những người thất bại hoặc bị kỳ thị trong xã hội. Họ muốn trả thù. Tham gia vào các nhóm khủng bố dưới danh nghĩa tôn giáo là một cách trả thù… cao cả. Bởi vậy, để ngăn chận tâm lý trả thù này, các chính phủ cần có các chính sách xã hội khuyến khích những tín đồ Hồi giáo hội nhập vào xã hội chính mạch.

Các chính sách giáo dục và hội nhập ấy được xem như những chiến lược “mềm” nhằm cảm hoá trái tim và khối óc của những người Hồi giáo, qua đó, ngăn chận khủng bố ngay từ mầm mống của nó.

Không có chiến lược “mềm” này, các việc ném bom ào ạt trên chiến trường chỉ là những biện pháp tạm thời. Khi tên khủng bố này bị giết chết, các tên khủng bố khác sẽ lại xuất hiện. Và, đâu đó, giữa những tụ điểm đông người, bom vẫn nổ và mọi người vẫn tiếp tục sống trong phập phồng sợ hãi.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG