Đường dẫn truy cập

Chuyên gia: Khủng bố phát triển vì sự bất mãn của quần chúng


Ngoại trưởng Manuel Valls phát biểu tại một cuộc họp báo ở Điện Elysee. Quốc hội Pháp đã biểu quyết với đa số áp đảo tán thành một dự luật gây nhiều tranh cãi nhằm hợp thức hóa việc theo dõi rộng rãi các nghi can khủng bố ở Pháp.
Ngoại trưởng Manuel Valls phát biểu tại một cuộc họp báo ở Điện Elysee. Quốc hội Pháp đã biểu quyết với đa số áp đảo tán thành một dự luật gây nhiều tranh cãi nhằm hợp thức hóa việc theo dõi rộng rãi các nghi can khủng bố ở Pháp.

Khủng bố Hồi giáo đang tăng vọt ở nhiều nơi trên khắp thế giới, kể cả trong các xã hội Tây phương. Các chính phủ đang gắng sức ngăn chặn sự lan tràn của các tổ chức cực đoan trong thế giới Ả Rập, và ảnh hưởng của các tổ chức này đối với các cộng đồng Hồi giáo chính mạch. Nhưng cho đến nay các phương pháp chính thức đã không diệt trừ được chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Các nhà phân tích cho rằng các tổ chức chủ chiến mang lại một sự lựa chọn hấp dẫn cho một số người, nhất là các thanh niên bất mãn. Thông tín viên đài VOA Zlatica Hoke ghi nhận chi tiết.

Hôm qua, Quốc hội Pháp biểu quyết với đa số áp đảo tán thành một dự luật gây nhiều tranh cãi nhằm hợp thức hóa việc theo dõi rộng rãi các nghi can khủng bố ở Pháp. Ngoại trưởng Manuel Valls nói:

“Trước tiên tôi muốn bày tỏ sự hài lòng về kết quả to lớn này, đa số to lớn này tán thành dự luật về tình báo. Đây là một dự luật bảo tồn các quyền tự do cơ bản của chúng ta. Một dự luật có tác dụng như một khung sườn cho các hoạt động của các cơ quan tình báo, dành thêm cho họ các phương tiện để có thể hoạt động càng hữu hiệu càng tốt trước mối đe dọa khủng bố, đồng thời chống lại tội phạm nghiêm trọng và gián điệp công nghiệp.”

Nhưng trong lúc các nhà lập pháp thuộc các đảng đa dạng của Pháp tán đồng dự luật, nhiều người khác nêu nghi vấn liệu nó có tác động đáng kể trong việc chống khủng bố hay không.

Các nhà phân tích nói các tổ chức cực đoan là một chọn lựa hấp dẫn đối với người Hồi giáo trẻ tuổi không hài lòng với các nhà lãnh đạo chính thức của họ. Sau đây là nhận xét của bà Zainab A-Suwajj, thuộc tổ chức Đại hội Hồi giáo Mỹ:

“Và đương nhiên, lý do chính đã được mô tả cho tất cả mọi người trong khắp khu vực là phương Tây tìm cách kiểm soát và phá hủy các quốc gia Ả Rập và Hồi giáo, và Israel trong khu vực – đó là kẻ thù chính. Thông điệp đó vẫn từng được đưa ra trong giới truyền thông, trong trường học, trong mọi cuộc tụ họp xã giao, và tấn công dồn dập mọi người bằng rất nhiều khái niệm. Và thế là tất cả các chính đảng cực đoan này, các đoàn thể cực đoan, đem lại lời giải đáp, “Chúng tôi không phải là chính phủ này – chúng tôi có hành động, và tương lai của các bạn ở cùng với chúng tôi.”

Các cuộc không kích do quốc tế thực hiện đã ngăn chặn đà tiến chiếm lãnh địa của nhóm Nhà nước Hồi giáo vũ trang hùng hậu ở Iraq và Syria trong mấy tháng vừa qua, nhưng một tổ chức khủng bố lâu đời hơn, nhóm al-Qaida, đã chiếm lợi thế. Nhóm đó đã mất đi rất nhiều quyền lực sau khi các thủ lãnh hàng đầu bị bắt hoặc bị hạ sát, và mạng lưới tài chính bị rối loạn. Nhưng các nhà phân tích nói al-Qaida đã phục hồi và thắng thế trong những tháng gần đây, với sự hỗ trợ tài chính của một số quốc gia Ả Rập.

“Ngày nay dường như al-Qaida lại trở lại hoạt động nhiều ở cả Syria lẫn Yemen, về mặt được sự bảo trợ của một số quốc gia trong vùng Vịnh Ả Rập. Chẳng hạn như ta có thể khá nhìn thấy công khai là những nước như Ả Rập Xê-út và Qatar đang bảo trợ cho một tổ chức bảo hộ mà Mặt trận Nusra, một chi nhánh của al-Qaida ở Syria là một thành phần.”

Các nhà phân tích cho rằng đánh bại các phần tử nổi dậy về mặt quân sự và phá vỡ các tổ khủng bố là những biện pháp nhất thời. Nhiều người nói có thể chống lại chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo một cách hữu hiệu hơn bằng cách củng cố các cộng đồng Hồi giáo ôn hòa, và qua việc đem lại những chọn lựa tốt đẹp hơn cho giới trẻ Hồi giáo trên khắp thế giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG