Một tuần sau khi cơn bão Mocha gây tang thương, những người Rohingya sống sót đang tuyệt vọng tìm kiếm sự giúp đỡ. Cư dân tại một trại dành cho Người Di tản Nội địa (IDP) nói với VOA rằng cơn bão đã khiến hàng trăm người tị nạn Rohingya “biến mất”.
Lốc xoáy cấp 4 đã phá hủy các cây cầu, đường dây điện và lều che trong các trại tị nạn và thị trấn ở bang Rakhine, nơi sinh sống của hơn 600.000 người Hồi giáo Rohingya, trong đó gần 150.000 người hiện đang sống trong các trại bên ngoài thủ đô Sittwe của bang này.
“Mọi trại và làng mạc đều bị tàn phá,” ông Aung Zaw Hein, một cư dân của trại Thet Kay Pyin, gần đây nói với VOA qua điện thoại, “không có nơi nào để sống và không có thức ăn.”
Bản thân ông đã hỗ trợ IDP, nhưng cho biết, “một số người bị thương không được chăm sóc y tế. Bệnh viện chính phủ ở Thet Kay Pyin bị hư hại và các bác sĩ cũng không có mặt”.
Ông Aung Zaw Hein cho biết: “Tính đến ngày 16/5, chúng tôi đã phát hiện hơn 100 thi thể khi lập sổ đăng ký tử vong”. Ông cho biết thêm: “Không thể biết chắc chắn có bao nhiêu người đã chết và bị bỏ rơi trong khu vực của chúng tôi”.
“Có khả năng còn hàng trăm thi thể nữa khi chúng tôi nhìn thấy thi thể từ các ngôi làng ven biển trôi nổi dưới nước lũ trong cơn bão”, ông nói thêm.
Có ít nhất 13 trại IDP ở các khu vực trũng thấp gần thủ đô, với hầu hết cư dân của các trại bao gồm người Rohingya theo đạo Hồi đã phải di dời sau các cuộc đụng độ với người Rakhine theo đạo Phật vào năm 2012.
Hôm 19/5, đài MRTV do nhà nước điều hành cho biết, ngoài 117 người Rohingya, còn có bốn binh sĩ và 24 người dân địa phương ở Rakhine thiệt mạng. Những cái chết này bị đổ lỗi cho những người không chịu tản cư mặc dù chính quyền đã yêu cầu họ làm như vậy trước khi cơn bão ập đến.
VOA không thể xác minh độc lập số người chết này.
Các tổ chức cộng đồng độc lập địa phương ở Sittwe nói với VOA rằng các nỗ lực ứng phó trong các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi cơn lốc xoáy đang thất bại và họ cần viện trợ nhân đạo ở nhiều nơi.
Ông Wai Han Aung, một nhân viên nhân đạo người Rakhine từ Sittwe, nói với VOA qua điện thoại: “Chúng tôi thiếu nhân viên và nguồn lực hạn chế”. Ông nói thêm: “Không còn có thể hỗ trợ ở bất cứ đâu. Chúng tôi muốn yêu cầu các tổ thức phi chính phủ INGO và NGO can thiệp ngay lập tức”.
Trả lời phỏng vấn VOA trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm 19/5, phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc Stephanie Tremblay nói về việc Liên Hiệp Quốc tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng bởi lốc xoáy ở Rakhine.
“Chúng tôi đã yêu cầu quyền tiếp cận không hạn chế cho các nhiệm vụ thực địa được phối hợp để phân phối viện trợ dựa trên nhu cầu quan sát được và chúng tôi vẫn đang chờ phê duyệt chính thức,” bà Tremblay nói.
Bà nói thêm rằng đánh giá của LHQ về nhu cầu của khu vực bị ảnh hưởng bởi cơn bão là “đang diễn ra và... sẽ rõ ràng hơn trong những ngày tới”.
Theo một tuyên bố của chính quyền Myanmar vào ngày 15/5, Thượng tướng Min Aung Hlaing cho biết: “Các đội cứu trợ phải được điều động đến các khu vực bị ảnh hưởng bởi cơn bão để tiến hành các hoạt động cứu hộ và cứu trợ, cũng như phục hồi”.
Truyền thông nhà nước cũng miêu tả ông Min Aung Hlaing đang đi thăm các khu vực bị lốc xoáy tàn phá ở thị trấn Sittwe.
Cơn bão mang theo mưa xối xả và gió giật mạnh đến các thành phố Sagaing, Magway, Chin, Kachin và phía bắc bang Shan.
Diễn đàn