Đường dẫn truy cập

Không phải cái gì cũng mua được bằng tiền


Bất cứ quốc gia giàu có nào, khi quyết định viện trợ cho một nước nghèo nào đó, bao giờ cũng nghĩ, trước hết, đến cái lợi cho chính quốc gia của họ: hoặc là lợi về chính trị, hoặc là lợi về kinh tế, hoặc là lợi về văn hóa, hoặc lợi cho cả ba. Tuy nhiên, tất cả những tính toán ấy đều bị chi phối bởi hai nguyên tắc chính: một, trên căn bản tôn trọng nhân quyền; và hai, nhắm đến lợi ích của đại đa số dân chúng hơn là lợi ích của thiểu số cầm quyền.

Về phương diện này, Trung Quốc khác hẳn. Trung Quốc viện trợ như một kẻ đi buôn: Chỉ nhắm đến lợi của chính họ. Dân chúng các nước châu Phi đang đói ăn, thiếu nước và đối diện với vô số các loại bệnh dịch chết người ư? Họ không cần biết. Những khoản tiền Trung Quốc đổ vào châu Phi để viện trợ là để xây dựng những sân vận động đồ sộ và hết sức tráng lệ (như ở Angola, Mozambique, Equatorial Guinea và Gabon) để có thể đập vào mắt mọi người, khiến người ta phải chú ý và phải nhớ. Cuối cùng, điều Trung Quốc đòi các nước nhận viện trợ phải trả lại hết sức cụ thể và rõ ràng: phục vụ cho một số chính sách nào đó của họ. Với các nước châu Phi, hai chính sách nổi lên hàng đầu là: một, mở cửa nguồn dầu khí và tài nguyên thiên nhiên cho họ; và hai, giúp họ cô lập Đài Loan.

Nhiều thành viên ASEAN đổ lỗi cho Campuchia, hiện là chủ tịch khối, vì đã chịu ảnh hưởng của Trung Quốc
Nhiều thành viên ASEAN đổ lỗi cho Campuchia, hiện là chủ tịch khối, vì đã chịu ảnh hưởng của Trung Quốc
Ở Đông Nam Á, chính sách dùng tiền để mua chuộc ấy thể hiện rõ nhất là tại Campuchia, nơi Trung Quốc đổ cả hàng tỉ đô la – vừa viện trợ vừa đầu tư – trong mấy năm vừa qua. Đó là số tiền chính thức. Bên cạnh số tiền chính thức ấy, số tiền Trung Quốc nhét vào túi riêng của giới cầm quyền Campuchia là bao nhiêu, không ai có thể biết chính xác được. Nhưng chắc chắn là nhiều đủ để giới lãnh đạo Campuchia quên hẳn bàn tay tàn bạo của Trung Quốc trong việc giật dây Pol Pot và Khmer Đỏ giết hàng triệu người dân vô tội trong mấy năm sau 1975. Cuối cùng, họ đã làm theo đúng kịch bản của Trung Quốc khi họ chủ tọa hội nghị các Ngoại trưởng của khối ASEAN: Đó là cuộc hội nghị đầu tiên trong lịch sử 45 năm của tổ chức này không được kết thúc bằng một bản tuyên bố chung nào cả. Lý do: Trung Quốc không muốn đề cập đến vấn đề Biển Đông, nơi Trung Quốc đang muốn xâm chiếm và cũng là nơi nhiều quốc gia Đông Nam Á đang phản đối kịch liệt.

Sự kiện trên khiến người ta, một mặt, xem chính sách viện trợ cũng như chính sách kinh tế nói chung của Trung Quốc là một con dao hai lưỡi đầy nguy hiểm (người ta gọi đó là chính sách ngoại giao kinh tế cưỡng bức, coercive economic diplomacy); mặt khác, lo ngại là rất nhiều nước sẽ dần dần ngả theo Trung Quốc, giúp Trung Quốc đạt các mục tiêu chiến lược cũng như chiến thuật trên bàn cờ chính trị thế giới.

Tuy nhiên, nhiều diễn biến trên thế giới mấy năm vừa qua cho thấy nỗi lo sợ ấy có lẽ không phải là sự thực. Những nước hoàn toàn khuất phục Trung Quốc, sẵn sàng làm theo lời bày trò của Trung Quốc như Campuchia, nếu có, chắc là không nhiều.

Trung Quốc bị tố cáo đang có âm mưu xây dựng một thứ quan hệ thực dân mới tại Châu Phi
Trung Quốc bị tố cáo đang có âm mưu xây dựng một thứ quan hệ thực dân mới tại Châu Phi
Như ở Zambia, chẳng hạn, nơi Trung Quốc đổ tiền viện trợ rất nhiều, năm ngoái ông Michael Sata đã ra tranh cử Tổng thống một cách thành công vang dội với chính sách bài Trung Quốc; ở Nam Phi, cựu Tổng thống Thabo Mbeki cũng lên tiếng tố cáo Trung Quốc đang có âm mưu xây dựng một thứ quan hệ thực dân mới trong khu vực; Myanmar (Miến Điện) đã bác bỏ dự án thủy điện khổng lồ lên đến gần bốn tỉ Mỹ kim để bảo vệ nền nông nghiệp của nước họ; và cuối cùng, quyết định quay lưng lại với Trung Quốc, mở cửa chào đón Tây phương, và cùng với nó, phong trào dân chủ.

Nhưng rõ nhất là trường hợp của Phi Luật Tân.

Từ năm 2003, Trung Quốc bắt đầu ve vãn Phi Luật Tân. Họ đề nghị thắt chặt quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Họ hứa hẹn viện trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho Phi Luật Tân, trong đó, quan trọng nhất, xây dựng đường xe lửa nối liền Manila với khu công nghiệp ở phía bắc của thành phố, xây dựng hệ thống internet trị giá đến 330 triệu đô-la. Năm 2005, Hồ Cẩm Đào chính thức viếng thăm Phi Luật Tân, được Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo tiếp đón nồng nhiệt với lời tuyên bố: Quan hệ giữa Trung Quốc và Phi Luật Tân đang ở “thời hoàng kim”. Arroyo cũng ca ngợi sự hào hiệp của Trung Quốc khi viện trợ cũng như cho vay một số tiền lớn mà không hề kèm theo bất cứ điều kiện gì cả.

Trung Quốc hí hửng ngỡ đã có thể chinh phục và thuần phục được Phi Luật Tân, một quốc gia theo Thiên Chúa giáo, là cựu thuộc địa, và sau đó, một thời gian dài, là đồng minh thân cận của Mỹ. Lúc ấy, quan hệ giữa Phi Luật Tân và Mỹ cũng cực kỳ xấu: Năm 1991, Phi Luật Tân đóng cửa hai căn cứ quân sự của Mỹ ở Subic Bay và Clark Field; năm 2004, quyết định rút quân khỏi lực lượng đồng minh do Mỹ lãnh đạo trong cuộc chiến tranh ở Iraq.

Giới lãnh đạo Phi Luật Tân có thể bị mua chuộc. Nhưng dân chúng thì không. Càng ngày càng có nhiều người dân xuống đường hoặc lên tiếng tố cáo Tổng thống Arroyo cũng như nhiều thành phần khác trong chính phủ của bà nhận hối lộ của Trung Quốc. Các dự án kinh tế với Trung Quốc cũng chậm hẳn lại. Cuối cùng, năm 2010, Phi Luật Tân có một Tổng thống khác, Begnino Aquino, người có khuynh hướng tách dần ra khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Một trong những chính sách đầu tiên của Aquino là ra lệnh các công ty dầu khí của Phi Luật Tân tiến hành các cuộc tìm kiếm dầu khí ở Biển Đông bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Tháng 2 năm 2011, tàu điều tra dầu khí của Phi Luật Tân ở bãi Cỏ Rong (Reed Bank) bị hai chiếc tàu hải giám của Trung Quốc sách nhiễu, chính phủ Phi Luật Tân phản ứng quyết liệt: họ điều máy bay ra can thiệp, cuối cùng, tàu hải giám của Trung Quốc phải rút lui. Mới đây, Phi Luật Tân ra lệnh bắt các tàu đánh cá trái phép của Trung Quốc ở bãi đá ngầm Scarborough, một sự kiện suýt nữa dẫn đến một cuộc đối đầu về quân sự giữa hai nước.

Hiện nay, trong tất cả các quốc gia trong khu vực, Phi Luật Tân là quốc gia đối đầu với Trung Quốc một cách công khai, mạnh mẽ và nhất quán nhất. Họ đòi mang Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế; chính thức tăng cường các quan hệ quân sự với Mỹ; mua sắm nhiều vũ khí chuẩn bị cho các cuộc hải chiến; không ngừng lên tiếng tố cáo các âm mưu bành trướng và bá quyền của Trung Quốc trước dư luận thế giới; kêu gọi người dân cả nước đoàn kết lại để bảo vệ lãnh thổ, ngay cả ở những hòn đảo xa xôi nhất.
Rõ ràng tiền bạc của Trung Quốc không thể mua chuộc được sự thần phục hay nhượng bộ của Phi Luật Tân.

Đó là chuyện của Phi Luật Tân và các nước khác.

Còn Việt Nam thì sao?

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG