Đường dẫn truy cập

Khóc òa, Việt Nam ơi!


“Tự hào quá, Việt Nam ơi!” - niềm vui bóng đá đã được “đồng hóa” với tinh thần dân tộc.
“Tự hào quá, Việt Nam ơi!” - niềm vui bóng đá đã được “đồng hóa” với tinh thần dân tộc.

Như mọi lần, báo chí lại “vỡ òa” với chiến thắng bóng đá và người dân cũng “vỡ òa cảm xúc” với màn “đi bão” náo loạn đường phố. “Vỡ òa” cứ “òa” ra như một quán tính – một quán tính ở tầm… quốc gia. “Tự hào quá, Việt Nam ơi!” - niềm vui bóng đá đã được “đồng hóa” với tinh thần dân tộc. Dĩ nhiên chiến thắng bóng đá gần như luôn gắn liền với tinh thần dân tộc (như có thể thấy ở các giải đấu quốc tế) nhưng sức mạnh dân tộc chẳng bao giờ đi cùng với sức mạnh bóng đá…

Sau khoảnh khắc “niềm vui vỡ òa”, Việt Nam tiếp tục “khóc òa” với khủng hoảng môi trường, khủng hoảng giáo dục, khủng hoảng y tế, khủng hoảng ngân sách…, chưa kể khủng hoảng nhân quyền và thậm chí khủng hoảng chính trị. Mọi thứ diễn ra sờ sờ nhưng chưa bao giờ có thể mang đến một cuộc “khủng hoảng nhận thức” đủ mạnh như một dấu chỉ tích cực để dẫn đến thay đổi. Đất nước vẫn triền miên rơi tự do vào hố sâu đổ nát. Trên bờ vực hố thẳm, người ta nhảy múa vỡ òa khi có cơ hội dù niềm vui chưa bao giờ đích thực là niềm tự hào đủ mạnh để lấn át những hỗn độn đang nhấn chìm tương lai và che khuất những lôi thôi đang làm nhục quốc thể. Sau một đêm “đi bão”, rồi lại đưa con đi học trên con đường nếu không ngập nước thì cũng ngập bụi; sau cảm xúc “vỡ òa”, rồi lại dùng thức ăn nhiễm độc, lại bị chặn đường mãi lộ, lại bị cô giáo tát con sưng mặt, lại bị uống thuốc giả, lại bị ăn hối lộ khi ra cửa công quyền, lại bị siêu thị các nước khu vực dò xét túi xách vì nghi trộm cắp, lại bị công an ném dùi cui ngã sấp mặt, thậm chí bị cướp mất đất mất nhà… Thực tế là như thế. Có rất ít niềm vui nhưng nhiều nước mắt trên đất nước này. Vỡ òa trong khoảnh khắc. Khóc òa thì bất tận.

Chẳng có gì đáng nói khi thể hiện niềm vui bóng đá. Không có niềm vui tập thể nào mang lại cảm giác sung sướng tột cùng cho bằng niềm vui chiến thắng thể thao. Nhưng khi niềm tự hào của một dân tộc chỉ còn dựa vào các cặp chân cầu thủ, hơn là bàn tay và trí não của giới trí thức, thì đất nước đó chẳng “chạy” đi đâu xa được, ngoài phạm vi cái “sân nhà” nhỏ hẹp. Nhìn quanh, không quốc gia nào trong khu vực chỉ chạy quanh chạy quẩn như đất nước này. Một đội bóng mạnh chưa bao giờ đồng nghĩa với một quốc gia hùng cường. Để có tên trên bản đồ bóng đá chưa bao giờ khó ngang bằng việc xây dựng và phát triển quốc gia. Đất nước này đang cần một đội ngũ nhân tài kiến thiết hơn là một đội tuyển có bàn chân vàng. Việt Nam đang cần một đội ngũ lãnh đạo có viễn kiến và biết cách làm cho dân tộc vẻ vang hơn là ngồi trên khán đài “vỡ òa” đến mức thè cả lưỡi.

Làm sao có thể “tự hào quá Việt Nam ơi” khi mà “đội” Thái Lan đang trở thành một trong những nước hàng đầu khu vực về “nông nghiệp chính xác” (sử dụng các thiết bị thông minh để canh nông chính xác, từ bón phân chính xác đến tưới cây chính xác). Làm thế nào có thể “tự hào quá Việt Nam ơi” khi mà Malaysia đang trở thành quốc gia có nền công nghiệp hàng không nhất nhì Đông Nam Á. Làm thế nào Việt Nam có thể tự hào trước một Philippines đang tăng thứ hạng về môi trường đầu tư, công nghệ thông tin và đặc biệt giáo dục (theo báo cáo 2018 của Đại học Cornell phối hợp cùng World Intellectual Property Organization - WIPO). Hãy biết ganh tỵ, tự ái và xấu hổ để tranh tài vươn lên. Hãy tự hào nếu có những tên tuổi khoa học gia tạo ra những nghiên cứu chấn động. Hãy tạo ra một nền giáo dục sinh ra nhân tài. Hãy kiến thiết những giá trị phát triển bền vững hơn là thỏa mãn khoảnh khắc ngắn ngủi trước những cú sút trong cầu trường.

Thế giới đang thay đổi kinh khủng. Từng ngày từng giờ, báo chí thế giới tràn ngập tin tức những thay đổi tích cực. Năng lượng chuyển hóa cho phát triển tuôn ra không ngừng. Năm 1998, khi Kodak có 170.000 công nhân và chiếm 85% thị trường phim nhựa toàn cầu, chẳng ai có thể hình dung rằng, chỉ ba năm sau, phim nhựa sẽ dần biến mất và Kodak sẽ phá sản. Ngày nay, không chỉ phim nhựa chết, máy ảnh gia đình cũng gần như mất tích. Cách đây 10 năm, thế giới đã làm “lễ truy điệu” cho băng VHS. Loại video tape này, ra đời năm 1976, từng tạo ra cuộc cách mạng chấn động công nghiệp giải trí. Thế rồi DVD đánh bại VHS. Đến nay thì cả DVD cũng chết mòn. Cái chết của VHS, hoặc vô số trường hợp tương tự, là cái chết của kỹ thuật lạc hậu. Cái chết của lạc hậu là cái chết của tư duy cũ kỹ.

Thế giới đang lột xác. Tiến trình này chưa bao giờ ngưng. Năm 1999, Bill Gates viết quyển sách mang tựa Business @ the speed of thought. Tốc độ tư duy ở đây là tốc độ của một cái nhấp chuột. Nó đòi hỏi phải tư duy liên tục và phải nắm bắt cơ hội với tốc độ một cái nhấp chuột. Tốc độ tư duy ở đây là tốc độ của cú sút tung lưới đối phương. Đừng để chết tức tưởi trên chấm phạt đền. Đừng để đến mức phải “khóc òa” khi phải “truy điệu” cho cái chết của chính quốc gia mình. Ngoài kia, bên ngoài sân bóng, có những cuộc thi đấu ác liệt không ngừng nghỉ và không bao giờ nhường chỗ cho sự lạc hậu và cũ mòn trong tư duy.

  • 16x9 Image

    Mạnh Kim

    Mạnh Kim là nhà báo độc lập với hơn 20 năm trong nghề chuyên mảng thời sự chính trị quốc tế, cộng tác với nhiều tờ báo trong nước lẫn hải ngoại. Vài năm gần đây, anh tập trung vào các vấn đề thời sự Việt Nam trong tình hình đất nước có nhiều biến động gay gắt. Các bài viết của Mạnh Kim là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG