Đường dẫn truy cập

Liệu Trung Quốc sẽ dân chủ hóa?


Câu hỏi ‘khi nào Trung Quốc sẽ dân chủ hóa’ thì chắc không một học giả, chuyên gia hay tiên tri nào có thể trả lời chính xác được.

Liệu Trung Quốc sẽ dân chủ hóa vào một ngày nào đó trong tương lai?

Nhiều học giả chuyên gia trong những thập niên qua phân tích rằng trước sau gì Trung Quốc cũng sẽ phải dân chủ hóa, nhất là khi một tầng lớp trung lưu hình thành và đủ mạnh để giành lấy tiếng nói, xây dựng ảnh hưởng và bảo vệ quyền lợi/lực của mình. Đặc biệt là để tránh các cung cách hành xử phi lý, độc đoán và các quyết định tùy tiện từ phía cầm quyền.

Cho đến nay, các dự đoán này vẫn chưa xảy ra. Nhưng không có nghĩa là sẽ không xảy ra.

Một bài viết vừa mới đăng trên tạp chí Foreign Affairs vào ngày 4 tháng 10 của Jiwei Ci, giáo sư triết học thuộc đại học Hồng Kông, có tựa đề “Không có dân chủ, Trung Quốc sẽ không trổi thêm nữa”, chắc sẽ gây nhiều suy nghĩ và tranh luận [1].

Một cách tóm tắt, tác giả trình bày các luận điểm như sau. Một, những gì xảy ra trong quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa kỳ phụ thuộc vào công cuộc dân chủ hóa của nước này hơn bất cứ vấn đề nào khác. Hai, tuy chưa phải là một thể chế chính trị dân chủ, Trung Quốc đã là một thực thể xã hội dân chủ. Ba, Tập Cận Bình là thế hệ lãnh đạo sau cùng có khả năng điều hành Trung Quốc với mức độ thẩm quyền và ổn định vừa phải trong khi thiếu vắng dân chủ, nhưng thế hệ lãnh đạo sau Tập Cận Bình sẽ khác giống, và họ sẽ không thể kiểm soát đảng, quân đội, truyền thông cũng như lĩnh vực tư.

Về vấn đề dân chủ hóa tại Trung Quốc, giáo sư Ci cho rằng ý tưởng dự án dân chủ đã bị chết và chôn vùi tại Trung Quốc là xa vời, chẳng khác gì những kỳ vọng trước đó về một sự tiến hóa dân chủ thuận buồm xuôi gió. Cả hai đều không thực tế. Nhưng Ci cho rằng hiện tại đã hình thành một thực thể xã hội dân chủ tại Trung Quốc, mà nói theo ngôn ngữ của triết gia Alexis de Tocqueville trong cuốn “Dân chủ tại Hoa Kỳ”, thì sự bình đẳng trong xã hội sẽ lan tràn/xâm chiếm vào lĩnh vực chính trị cũng như mọi địa hạt khác. Do đó bình đẳng trên mọi mặt, kể cả chính trị tại đây (tức dân chủ hóa thể chế chính trị), chỉ là vấn đề thời gian, sớm hay muộn, chứ không phải vĩnh viễn không xảy ra.

Với nhận xét này, giáo sư Ci kết luận rằng dân chủ thật sự cần thiết cho Trung Quốc vì nếu không, quốc gia này sẽ không thể phát triển thêm nữa, nếu không phải là thụt lùi một cách tệ hại trong tương lai gần. Nhưng Ci cũng biện luận rằng vì người dân Trung Quốc chưa bao giờ có cơ hội phát huy những thói quen và những kỹ năng dân sự cần thiết để giúp cho nền dân chủ non trẻ/mới hình thành một cơ hội thành công, đặc biệt là nền pháp trị, tinh thần sẵn sàng thỏa hiệp với nhau, và khả năng tự chế. Để chuẩn bị cho tiến trình này đòi hỏi khả năng lãnh đạo mạnh mẽ, vì các chế độ cường quyền có thể trở thành dễ bị tổn thương và nguy hiểm khi nó tiến hành cải tổ. Sự chuẩn bị và chuyển tiếp cho nền dân chủ không hề dễ. Vì thế giáo sư Ci biện luận rằng hãy để Trung Quốc dân chủ hóa theo lý do riêng của họ và nhịp độ định sẵn của họ. Những người đấu tranh dân chủ sử dụng mục tiêu chính trị chống lại nó hay các đối tác nước ngoài làm soi mòn nó không hẳn đã là phương cách hiệu quả. Lý do? Đảng Cộng Sản Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong tiến trình dân chủ hóa.

Về điểm thứ nhất, giáo sư Ci có lẽ đúng phần lớn. Chủ trương của Hoa Kỳ khi nối lại mối quan giao với Trung Quốc bắt đầu từ cuộc viếng thăm của Henry Kissinger vào năm 1971, và chính thức sau khi Tổng thống Richard Nixon viếng thăm Bắc Kinh năm 1972, hoàn toàn mang tính chiến lược để cân bằng và ngăn chặn Liên Xô. Các lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ về sau đó, từ Jimmy Carter đến Ronald Reagan, George H Bush, cũng mang tính chiến lược chính trị là chính, nhưng sau Chiến tranh Lạnh, tức kể từ thời Bill Clinton trở đi cho đến George W Bush và Barack Obama thì chủ yếu là kinh tế/thương mại. Tuy thế trong thâm tâm, tất cả lãnh đạo Hoa Kỳ trước nay đều kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ chấp nhận kinh tế thị trường, hội nhập với thế giới, tôn trọng luật lệ và trật tự thế giới, và dần dần sẽ dân chủ hóa [2]. Tất cả đều tin đó là con đường tất yếu, ngoại lệ có lẽ là Tổng thống Donald Trump (*).

Về điểm thứ hai, giáo sư Ci cho rằng thực thể xã hội dân chủ đã có tại Trung Quốc. Ci cho rằng giai cấp không còn là nền tảng đối xử để loại trừ đa số người dân Trung Quốc về quyền và lợi tại đây. Quan hệ giữa nam và nữ, cha mẹ và con cái, thành thị và nông thôn, và phần nào đó, tuy ít hơn, giữa kẻ cai trị và người bị trị, ngày càng bình đẳng hơn. Mặc dầu chưa hoàn toàn bình đẳng, nhưng đã có nỗ lực đáng kể để đẩy xã hội thay đổi như thế. Những yếu tố mà giáo sư Ci nói tuy có, nhưng nó rất mỏng manh và yếu ớt. Thật ra thì bản chất xã hội nào cũng đa nguyên cả, nhưng bị kìm hãm và uốn nắn vào khuôn khổ bởi truyền thống văn hóa và bởi các chế độ chính trị độc tài. Tất nhiên xã hội Trung Quốc đã thay đổi nhiều trong bốn thập niên qua, nghĩa là so với trước đây vẫn ‘bình đẳng’ hơn chút, và đã đưa đến nhiều thay đổi khác về xã hội. Nhưng trên thực tế, ít có xã hội nào bất công và bất bình đẳng như Trung Quốc, nhất là giữa giàu và nghèo, giữa nông thôn và thành thị v.v… [3]. Hơn nữa, bình đẳng chỉ là một yếu tố để đo lường xã hội. Tính đa nguyên của thực thể xã hội dân chủ còn phải bao gồm ý thức hệ/triết lý về chính trị, văn hóa, tôn giáo, giáo dục v.v… Do đó không thể gọi Trung Quốc hiện nay là một thực thể xã hội dân chủ.

Về điểm ba, đồng ý rằng sau Tập Cận Bình sẽ khó có một cá nhân lãnh đạo khác có thể nắm gần như toàn bộ quyền lực trong tay như hiện nay. Nhưng giáo sư Ci cho rằng ông Tập làm được như thế không chỉ đơn giản là vì ông sở hữu những cá tính đặc biệt nhưng vì ông thuộc thế hệ lãnh đạo cuối cùng có thể rút ra tính hợp pháp từ di sản cách mạng cộng sản mà trong đó có cả hai, vừa học thuyết và vừa quyết tâm đặc biệt, để giữ cho ĐCSTQ nắm quyền bằng mọi giá, bao gồm cả cái giá phải trả vào tháng 6 năm 1989 (Thiên An Môn). Biện luận này không vững vì nếu như thế thì tại sao ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào không chủ trương, hoặc không làm được, như ông Tập Cận Bình? Đến nay cách thâu tóm quyền lực vào trong tay, và vận dụng các công nghệ cao cấp như trí tuệ nhân tạo, máy siêu tính để nhận dạng, và hệ thống tín dụng xã hội để kiểm soát xã hội về mọi mặt, và chủ trương sùng bái cá nhân giống như thời Mao Trạch Đông, và dùng Mao cho mục tiêu chính trị của mình, cho thấy ông Tập là kẻ cực kỳ tham vọng và tính toán [4]. Nói cho cùng, những gì ông Tập chiếm được ngày hôm nay phản ảnh cái đảng và cái văn hóa chính trị mà ông đang cầm đầu.

Về vấn đề dân chủ hóa, tôi đồng ý rằng sự phát triển của các chế độ độc tài đến một lúc nào đó rồi cũng gặp phải giới hạn của chính nó (bottleneck). Đó là điều tất yếu. Chế độ dân chủ luôn thật sự khỏe mạnh hơn các chế độ khác chính vì mỗi cá nhân trong xã hội đó được tự do, độc lập và cường thịnh, chứ không hề bị bắt buộc, bị uốn nắn, hay bị đe dọa phải làm. Bầu trời là không gian giới hạn (Sky is the limit) của người dân. Những cá nhân này hiểu biết rằng để hiệu quả và hiệu năng, họ phải thảo/tranh luận, hợp tác, thỏa hiệp, nhân nhượng và làm việc đồng đội v.v… Mỗi cá nhân trong thể chế dân chủ đều có nhiều khả năng tính theo thước đo kinh tế, chính trị, trí tuệ hay nói chung mọi mặt. Như thế, dân chủ sẽ là chìa khóa nếu lãnh đạo Bắc Kinh biết sử dụng để đưa đất nước lên cao hơn nữa. Như nó đã từng giúp cho Trung Quốc phát triển trong bốn thập niên qua khi chấp nhận phần nào tự do trong lĩnh vực tư, như cho công dân của họ làm ăn, buôn bán từ thời Đặng Tiểu Bình mở cửa bang giao với Hoa Kỳ và thế giới.

Vấn đề là Bắc Kinh vẫn không chấp nhận tự do chính trị. Vì sao?

Nên nhớ rằng tất cả các lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ, ngoại trừ Donald Trump, đều kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ dần dần dân chủ hóa theo tốc độ riêng của họ, nghĩa là do chính người dân của họ ý thức và đấu tranh để tạo thay đổi, thay vì tạo áp lực từ bên ngoài hay mạnh mẽ can thiệp công khai. Lãnh đạo chính trị Trung Quốc thừa hiểu điều này, nhưng dân chủ hóa chính trị không chỉ đưa đến nguy cơ mất quyền lực, quyền lợi, mà còn mất tất cả “Mày chết, tau sống”. Đây là văn hóa chính trị ngàn năm qua của họ, và vẫn còn hiện hữu mạnh mẽ trong tư duy và cung cách hành xử của lãnh đạo cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là phe diều hâu, thành phần theo xu hướng chủ nghĩa xã hội hiện thực (realist socialism).

Trên thực tế, ông Tập hiện là mạch sống và tâm hồn của ĐCSTQ, và những tham vọng của ông không thể tách rời khỏi ý thức hệ của đảng, theo Richard McGregor [5]. Thật ra muốn hiểu ĐCSTQ và các tham vọng và động cơ của họ thì phải hiểu cả tư tưởng Tập Cận Bình, như John Garnaut đã sâu sắc phân tích [6]. Hơn nữa, rất có thể các lãnh đạo kế thừa không có cá nhân nào đủ mạnh mẽ để thâu tóm quyền hành trong tay như ông Tập, và sẽ điều hành quốc gia khác ông, nhưng nếu cho rằng họ chấp nhận đa nguyên chính trị và dần dần chấp nhận dân chủ thì nó vẫn còn khá xa vời vào lúc này. Ngoài ra cũng nên nhớ rằng các thế hệ trẻ hiện nay bị nhồi nhét nền giáo dục yêu nước và yêu đảng, và bị các cơ quan truyền thông nhà nước tuyên truyền ngày đêm về bổn phận phải hy sinh cá nhân vì quyền lợi quốc gia. Cho nên thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan này nếu không thấm vào tất cả thì cũng vào một phần không nhỏ trong xã hội Trung Quốc hiện nay [7]. Với tư duy này, sẽ còn rất lâu và rất nhiều nỗ lực để có thể thay đổi não trạng. Các nhà độc tài chuyên quyền luôn biết sử dụng lá bài “chủ nghĩa dân tộc cực đoan”, nhắm vào và thổi phồng sợ hãi, để nắm quyền và giữ quyền. Do đó tôi không thấy nhìn thấy viễn cảnh rằng thế hệ lãnh đạo kế tiếp sẽ trở thành các yếu tố đủ để tiến hành công cuộc dân chủ hóa như thế nào trong một hai thập niên tới, trừ phi có một cuộc cách mạng ngay bên trong ĐCSTQ vì đa số nhìn thấy chính sách của ông Tập mang lại thảm bại cho Trung Quốc!

Trên hết, tất cả là vì yếu tố tâm lý. Mọi hành xử độc đoán và độc tài bắt nguồn từ sợ hãi, không phải vì tự tin hay mạnh mẽ. Vì quá sợ, vừa sợ mất quyền và mất mạng, nên các nhà độc tài và chính thể độc tài không thể buông bỏ.

Chú thích:

(*)Trung Quốc đã không còn dấu giếm xem Tây phương và nền dân chủ cấp tiến là kẻ thù của họ. Nếu Trung Quốc đã thật sự tiến hành tiến trình dân chủ hóa thì lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ có lẽ đã không coi họ là đối thủ hay tệ hơn đối nghịch như hiện nay. Tuy nhiên, chủ trương của tổng thống Donald Trump cho đến nay thì khác. Bất kể dân chủ, độc tài hay cộng sản, nếu ông Donald Trump cảm nhận rằng mọi quan hệ nào không có lợi hay công bằng cho Hoa Kỳ, hay không giống như suy nghĩ của ông, thì ông đều tìm cách thay đổi nó, như cách ông từng làm với các hiệp ước thương mại với Canada hay với các quốc gia Âu châu. Hoặc với TPP. Nói cách khác, dân chủ hóa không phải là mục tiêu, và là lý do hành động của Trump. Kinh tế/thương mại mới là mục tiêu chính. Tuy thế, những quyết định mới nhất của chính quyền Trump đưa 28 công ty công nghệ và tổ chức Trung Quốc vào danh sách đen hạn chế mua bán với các công ty Mỹ vì liên quan đến hoạt động đàn áp người Hồi giáo ở Tân Cương và các cộng đồng sắc tộc thiểu số khác ở Trung Quốc cho thấy có sự thay đổi về sách lược đối với Trung Quốc.

Tài liệu tham khảo:

1. Jewei Ci, “Without Democracy, China Will Rise No Farther”, Foreign Affairs, 4 October 2019.

2. Michael Pillsbury, The Hundred-Year Marathon, Griffin, 14 March 2016.

3. Xin đọc các bài viết sau đây. Lily Kuo, “China: slowing economy and inequality force new priorities for rulers”, The Guardian, 30 December 2018; Zoe Zhang, “As China grows, equal opportunity and social mobility are fast becoming a cruel lie”, South China Morning Post, 7 July 2017; Sidney Leng, “China’s dirty little secret: its growing wealth gap”, South China Morning Post, 13 July 2017. Một phần trăm dân giàu Trung Quốc chiếm một phần ba tài sản quốc gia, trong khi 25 phần trăm hộ gia đình nghèo chiếm chỉ một phần trăm tài sản quốc gia.

4. Elizabeth Economy, “China’s Neo-Maoist Moment”, Foreign Affairs, 1 October 2019.

5. Richard McGregor, “Without Democracy, China Will Rise No Farther”, Foreign Policy, 1 October 2019.

6. John Garnaut, “Engineers of the Soul: Ideology in Xi Jinping's China”, Sinocism, 17 January 2019; hoặc đọc bản tiếng Việt, “John Garnaut: Ai thiết kế tâm hồn?”, VOA, 21 August 2019.

7. “Xi’s embrace of false history and fearsome weapons is worrying”, The Economist, 3 October 2019. And Frank Dikötter, “The People’s Republic of China Was Born in Chains”, Foreign Policy, 1 October 2019.

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG