Đường dẫn truy cập

Khát nước sau khi gội đầu


Thính giả Chương Cẩm Châu hỏi:

“Thưa Bác sĩ,

Tôi có một vấn đề nan giải nên kính xin sự giúp đỡ của chương trình. Vấn đề là mỗi lần sau khi gội đầu thì tôi cảm thấy khát nước. Cho nên sau khi gội đều phải uống một ly nước.Tôi có bị huyết áp thấp. Xin hỏi huyết áp thấp có ảnh hưởng gì đến việc khát nước sau khi gội đầu không ạ?

Xin chân thành cảm ơn.”

Bác sĩ Hồ Văn Hiền:

Khát nước sau khi gội đầu
please wait

No media source currently available

0:00 0:23:55 0:00
Tải xuống

Cũng như mọi khi, chúng ta sẽ không bàn về một trường hợp cá biệt vì không đủ dữ kiện. Một người thấy khát nước sau khi gội đầu và chỉ cần uống một ly nước lạnh là giải quyết vấn đề, có thể đây chỉ là một thói quen. Chúng ta cũng có thể muốn biết là bình thường người đó uống nước nhiều hay ít trước khi gội đầu, nhiệt độ nước gội đầu, nhiệt độ phòng tắm, nếu ở thẩm mỹ viện thì còn có máy hút rất mạnh có thể làm sự mất nước từ ngoài da nhiều hơn. Đây là những yếu tố có thể gây ra cơ thể mất nước ở người ngồi lâu chừng nửa tiếng hay vài tiếng đồng hồ trong môi trường như vậy. Ngoài ra chúng ta có thể đặt câu hỏi là những chất hóa học thở trong lúc làm tóc có làm cho khô miệng hay làm khó chịu (irritate) hay không vì yếu tố này cũng có thể làm cho người đó khát nước sau một thời gian phơi nhiễm (exposure). Câu hỏi của vị thính giả ở đây có thể xem như là một thắc mắc riêng tư hơn là một vấn đề y khoa cần phải bàn luận và giải quyết.

Nhân dịp này chúng ta sẽ bàn đến một đề tài rộng lớn hơn là cảm giác khát nước (thirst) và vai trò của nó trong sinh hoạt cũng như trong y khoa. Sau đây, như là một thử thách thuần túy lý thuyết, chúng ta sẽ bàn về những khía cạnh khác nhau của hiện tượng khát nước.

Trong cơ thể chúng ta, hết 70% trọng lượng là nước. Nếu thiếu nước, lượng máu sẽ thu nhỏ lại, nhiệt độ cơ thể không ổn định, áp huyết tụt xuống (hypotension), tim, thận, não bộ không làm việc bình thường được. Chỉ thiếu nước vài ngày là có thể chết được. Do đó chúng ta có khả năng biết lúc nào cơ thể cần nước thêm, đó là lúc chúng ta thấy khát nước. Nói chung, lúc chúng ta thấy khát nước là lúc cơ thể đã bắt đầu thiếu nước rồi. Đọc báo hay internet, sẽ có nhiều người nhắc đến nhu cầu phải uống 8oz nước 8 lần/ ngày cho người lớn ("luật" 8x8). Tuy nhiên, không có cơ sở chắc chắn và còn tùy trường hợp. Có lẽ hướng dẫn an toàn nhất là uống nước lúc khát nước và trong những trường hợp đặc biệt như thể thao kéo dài nhiều giờ (ví dụ chạy marathon, bịnh tiêu chảy nặng) cần để ý bổ sung các chất điện giải bị mất qua mồ hôi hay phân lỏng.

Lúc nào chúng ta thấy khát nước:

1) Lúc máu chúng ta đậm đặc hơn bình thường. Ví dụ người ra nắng, chạy marathon, mồ hôi ra nhiều . Những chất muối (dưới hình thức là chất điện giải/electrolytes) như sodium ( Natri, Na+), hay những chất khác như đường tạo nên một áp suất thẩm thấu (osmotic pressure) có khuynh hướng rút thêm nước từ chỗ khác vào nếu chỗ đó có osmolality thấp hơn. Trong tình trạng quân bình, mức thẩm thấu (osmolality [osm/kg] hay osmolarity[osm/liter]) trong tế bào (intracellular osmolality) ngang với mức ngoài tế bào (extracellular osmolality) và trong mạch máu (intravascular osmolality). Não bộ chúng ta có một bộ phận tên hypothalamus, trong đó có những "trung tâm" hay nhóm tế bào phụ trách nhiệt độ cơ thể , giấc ngủ và khẩu vị (làm chúng ta muốn thèm ăn hay không). Ở hypothalamus còn có một trung tâm kiểm soát chúng ta có "khát" hay không, cần uống nước hay không. Tuỳ theo các tín hiệu nhận được từ các thụ thể đo Natri và các chất khác trong máu cho biết các chất này lên quá cao (vì máu quá cô đọng lúc bị mất nước, osmolality cao), cũng như từ những thụ thể ở nơi khác gửi về báo cho biết là thể tích máu bị giảm quá thấp (hypovolemia, vì mất nước hay chảy máu), hay áp huyết bị sa sút (hypotension), hypothalamus sẽ cho não bộ cao cấp hơn tín hiệu là chúng ta cần uống nước thêm vào, nghĩa là chúng ta ý thức thấy khát nước. (Để cho dễ hiểu, tương tự như lúc chúng ta nấu một nồi cháo. Nếu chúng ta thấy cháo quá đặc nghĩa là osmolality lên cao, hay nếu mức nước trong nồi quá thấp, có nghĩa là thể tích cháo giảm quá thấp, đó là những dấu hiệu cho thấy người nấu bếp cần cho thêm nước vào nồi, tương tự như khát nước, phải uống thêm nước để tái lập quân bình trong cơ thể.)

2) Tuy nhiên, cần uống nước loại gì cũng là vấn đề quan trọng. Ví dụ những người chạy marathon, đa xe đạp trong nhiều giờ liên tiếp mất nước nhiều vì chảy mồ hôi, thở nhanh và nước mất qua mồ hôi và hơi thở. Nhưng trong mồ hôi có rất nhiều muối (dạng electrolytes như Natri (Na+) , potassium (K+), magnesium (Mg++), calcium (Ca++)), nên nếu uống nước lã (plain water) không tốt, phải là dung dịch có chứa những chất điện giải thay thế, ví dụ những dung dịch bào chế cho vận động viên (vd Gatorade). Những người bị tiêu chảy nhiều cũng mất các chất điện giải, nhất là potassium, và trong nước họ uống cần có những chất này để thay thế (vd Pedialyte, nước canh, cháo, chanh muối). Nếu chỉ dùng nước lã, nhất là uống nước nhiều quá, có thể gây biến chứng nguy hiểm do rối loạn các chất điện giải.

3) Ngoài ra , hypothalamus sản xuất thêm chất nội tiết vasopressin, chất này được tuyến yên (pituitary gland) tiết vào máu, đi đến thận và ra lệnh cho thận giữ nước lại nhiều hơn, giảm bớt lượng nước bị thải trong nước tiểu.

4) Một số người già , vì lý do không rõ, không nhận được tín hiệu từ hypothalamus biểu họ phải uống thêm nước, họ có thể bị mất nước hay thiếu nước, sụt cân, tụt áp huyết, nếu không có người theo dõi lượng nước tiểu, lần đi tiểu và nhắc nhở họ uống nước.

5) Hay các thụ thể (receptors) đo nồng độ muối của hypothalamus bị hư, hay tuyến yên (pituitary gland) của họ bị hư hại, hay thận của họ không đáp ứng với "lệnh" từ chất vasopressin làm cho bịnh nhân đi tiểu quá nhiều, làm họ mất nước nhiều, cần phải uống đến 1-20 lít nước mỗi ngày mới đủ nhu cầu quân bình nước trong cơ thể. Đây là bịnh "đái tháo nhạt" (diabetes insipidus), khác với bịnh "tiểu đường" hay “đái tháo đường” (diabetes mellitus). Người bịnh tiểu đường (diabetes) cũng mất nước nhưng do đường glucose quá nhiều trong máu, tràn vào nước tiểu và kéo theo một lượng nước lớn. Cả hai loại bịnh nhân đều uống nhiều nước (polydipsia).

6) Bây giờ chúng ta có thể thử viết một "kịch bản" của trường hợp tương tự như chuyện của vị thính giả. Có thể bịnh nhân ít uống nước vì sợ phải đi tiểu nhiều, vì nơi làm việc phòng tắm không sạch cho lắm, vì không muốn gián đoạn công việc. Có thể bịnh nhân ăn ít vì sợ mập, thêm một lý do để áp huyết thấp, thường gặp ở phụ nữ Việt. Lúc gội đầu, vì dùng nước nóng, nhiệt độ máu trên đầu cổ tăng lên, làm các thụ thể trong hypothalamus báo động "cần thêm nước". Ngoài ra, nếu phòng tắm cũng nóng, và tắm bằng nước nóng, các hạch mồ hôi làm việc nhiều hơn, mồ hôi bốc hơi để giảm nhiệt cơ thể, làm mất một lượng nước của cơ thể, thể tích máu giảm cũng như osmolality muối Natri trong máu tăng, báo hiệu cho hypothalamus biết cần bổ sung thêm nước cho cơ thể, ra lệnh "khát nước quá, uống nước đi". Bệnh nhân uống ly nước, tái lập lại quân bình.

Đây chỉ là "kịch bản" giả tưởng thôi, khó chứng minh cho một tình huống nhẹ nhàng như việc gội đầu gây khát nước.

Ước mong đây là một dịp cho chúng ta cùng học hỏi về cơ chế từ việc tiêu xài nước của cơ thể ==>>cần thêm nước ==>>khát nước ==>>>uống nước ==>>tái lập quân bình.

Chúc thính giả may mắn.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 1 tháng 10 năm 2018.

Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG