Đường dẫn truy cập

Khảo sát: Mỹ thua các nước G7 về niềm tin của người dân đối với các thể chế


Lần đầu tiên sau gần hai thập niên khảo sát ý kiến, Mỹ hiện tụt hậu so với hầu hết các quốc gia công nghiệp hóa hàng đầu thế giới khác về một loạt chỉ số, theo Gallup. Cụ thể, Mỹ kém hơn một số quốc gia thuộc Nhóm Bảy Cường quốc (G7) về niềm tin của người dân vào chính phủ quốc gia và các thể chế chủ chốt, bao gồm quân đội và hệ thống tư pháp.

Mỹ vẫn là tiếng nói có uy quyền nhất của G7 trên trường quốc tế, nhưng thực tế dư luận trong nước đang cho thấy Mỹ không còn nổi bật với tư cách là quốc gia dẫn đầu trong những lĩnh vực được xem là thiết yếu cho nền dân chủ của nước này, Gallup nhận định.

“Theo một số chỉ số của khảo sát Thế giới, Mỹ có thành tích kém hơn các nước G7,” Gallup nói trong một bản tin công bố kết quả khảo sát vào ngày 17 tháng 4. “Trong những năm qua, người dân Mỹ tin tưởng vào chính phủ, quân đội và các thể chế chính yếu khác của họ hơn người dân ở các đồng minh. Nhưng Mỹ đã đánh mất vị thế của mình và năm ngoái đã tụt lại phía sau các nước khác trong G7.”

Kể từ năm 2006, niềm tin của người Mỹ vào quân đội nước nhà nổi bật trong nhóm G7. Mặc dù nước này tiếp tục chi tiêu cho quân sự nhiều hơn hầu hết các nước trên Trái đất cộng lại, niềm tin của người Mỹ đối với lực lượng vũ trang của họ đã giảm xuống mức thấp mới là 81% vào năm 2023, lần đầu tiên giảm đáng kể so với thứ hạng của một quốc gia thành viên G7 khác là Pháp (86%).

Gallup cho biết kết quả này tương tự như sự suy giảm niềm tin của người Mỹ đối với quân đội được quan sát thấy trong một cuộc thăm dò khác của họ vào năm 2023. Gần đây hơn, vào tháng 2 năm 2024, khảo sát cho thấy người Mỹ chia rẽ quan điểm về việc tài trợ cho quân đội và quốc phòng, với 29% nói chi quá ít trong khi 35% nói chi quá nhiều và 33% nói chi vừa đủ cho quốc phòng.

Khảo sát của Gallup cho thấy niềm tin của người dân Mỹ đối với quân đội không còn đứng đầu trong nhóm G7 nữa.
Khảo sát của Gallup cho thấy niềm tin của người dân Mỹ đối với quân đội không còn đứng đầu trong nhóm G7 nữa.

Người Mỹ cũng mất niềm tin vào hệ thống tư pháp của họ hàng năm kể từ năm 2020, giảm xuống còn 42% vào năm 2023. Mặc dù tỉ lệ này cũng ở mức thấp tương tự vào năm 2016, nhưng về mặt thống kê, Mỹ đang xếp ngang với Ý trong nhóm G7 về mức độ tin tưởng thấp nhất đối với hệ thống cơ tư pháp.

Từ nhiều năm nay, Ý thua sút đáng kể so với các nước còn lại của G7 về thước đo này - nhưng những sự gia tăng gần đây cùng với những sự sụt giảm của Mỹ đã dẫn đến sự thay đổi trong bảng xếp hạng, theo Gallup

Về niềm tin đối với chính phủ quốc gia, năm 2022 đánh dấu lần đầu tiên Mỹ và Anh đứng cuối bảng xếp hạng G7 trong lĩnh vực này. Cả hai đều đứng đầu trong cuộc Khảo sát Thế giới gần hai thập niên trước, Gallup cho biết. Một năm sau, bức tranh vẫn không thay đổi. Người Mỹ (30%) và người Anh (33%) vẫn ít tin tưởng vào chính phủ quốc gia của họ hơn người dân ở hầu hết các nước G7.

Niềm tin của người Mỹ đối với chính phủ quốc gia của họ đã giảm xuống mức tương tự như vậy vài lần trước đây vào năm 2013, 2016, và 2018 và chúng còn cách xa mức thấp kỉ lục của Ý đạt 15% vào năm 2013.

Với những thực tế này, Mỹ hiện xếp hạng cuối cùng về Chỉ số Thể chế Quốc gia so với các nước còn lại của G7, Gallup nói. Chỉ số Thể chế Quốc gia là thước đo tổng hợp về niềm tin của người dân một quốc gia đối với các thể chế quốc gia quan trọng như quân đội, hệ thống tư pháp, chính phủ quốc gia và tính trung thực của các cuộc bầu cử.

Năm 2006, Mỹ đứng đầu chỉ số này trong số các quốc gia G7, đạt 63 trên 100 điểm. Năm 2022, Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử đứng cuối bảng, đạt 53 điểm và giậm chân tại chỗ khi tụt xuống còn 49 điểm vào năm ngoái.

Mỹ xếp cuối cùng về niềm tin vào các định chế trong số các nước G7, theo khảo sát của Gallup trong năm 2023.
Mỹ xếp cuối cùng về niềm tin vào các định chế trong số các nước G7, theo khảo sát của Gallup trong năm 2023.

Nhận định về những kết quả này, tiến sĩ Đinh Xuân Quân, người thường xuyên theo dõi và bình luận các vấn đề thời sự ở Mỹ và quốc tế, nói ông không bất ngờ lắm và lập luận rằng trong những năm gần đây người dân Mỹ đã tỏ thái độ hoài nghi nhiều hơn đối với những thể chế mà lâu nay vốn vẫn nhận được sự tin tưởng cao trong xã hội. Ông quy trách cho sự chia rẽ gây nên bởi các chính trị gia.

“Có chia rẽ sau khi cựu Tổng thống Trump thất cử và từ đó ông ta nói là cuộc bầu cử năm 2020 không có giá trị,” nhà quan sát từ California nhận định. “Chỉ có một số người mà họ không có theo dõi thì họ lúc nào cũng tưởng là như vậy, là cái sức mạnh hay là quyền lực của chính phủ Mỹ hay là quyền lực của tư pháp nó giảm đi. Nhưng mà thật ra thì mình thấy là Mỹ vẫn là một nước pháp trị và báo chí truyền thông không có cái gì mà giấu giếm hết.”

“Lẽ dĩ nhiên đây là điều đáng lo ngại khi nào mà còn những chính trị gia trục lợi từ những điều không trúng sự thật,” ông nói thêm.

Bình luận về niềm tin suy giảm của người dân Mỹ đối với quân đội, tiến sĩ Quân lưu ý rằng nhiều nước vẫn xem quân đội Mỹ là một thế lực giúp giữ gìn trật tự và hòa bình ở nhiều nơi trên thế giới. Ông dẫn ra một ví dụ là phát biểu của Thủ tướng Nhật bản Fumio Kishida trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ nhắc nhở về vai trò thiết yếu của siêu cường quốc này trong việc định hình thế giới sau Thế chiến thứ hai, cũng như trong cuộc khủng hoảng hiện thời ở vùng Trung Đông.

“Nếu mà không có Hoa Kỳ, không có sức mạnh Hoa Kỳ thì Israel sẽ lãnh rất nhiều hỏa tiễn [từ Iran],” tiến sĩ Quân nói. “Nếu mà không có Hoa Kỳ, thì sẽ không có liên minh Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Jordan để giúp Israel. Do đó đó có thể người dân Hoa Kỳ nghi ngờ về sức mạnh quân sự nhưng mà trên thế giới không có ai mà nghi ngờ về sức mạnh Hoa Kỳ.”

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG