Đường dẫn truy cập

Khảo sát AP-NORC: Hầu hết người Mỹ chống chính sách ngoại giao của TT Trump


Một cuộc thăm dò mới cho thấy phần lớn người Mỹ không ủng hộ những gì Tổng thống Donald Trump đang làm đối với chính sách ngoại giao của Mỹ.
Một cuộc thăm dò mới cho thấy phần lớn người Mỹ không ủng hộ những gì Tổng thống Donald Trump đang làm đối với chính sách ngoại giao của Mỹ.

Phần lớn người dân Mỹ không ủng hộ cách mà Tổng thống Donald Trump xử lý chính sách ngoại giao của Mỹ và khoảng một nửa trong số họ cho rằng vị thế của Mỹ trên toàn cầu sẽ suy thoái trong năm tới, theo một cuộc thăm dò mới trong đó nổi bật lên sự chia rẽ đảng phái về các vấn đề ngoại giao của quốc gia.

Khảo sát, do Associated Press (AP) và Trung tâm Nghiên cứu Các vấn đề Công cộng NORC đồng thực hiện, cũng cho thấy sự chia rẽ trong công chúng về kế hoạch của tổng thống trong việc rút quân của Mỹ ra khỏi Syria và có thể là Afghanistan – và khoảng 1/4 người dân Mỹ được hỏi không đưa ra quan điểm nào về các vấn đề này.

Nhìn chung, tổng thống nhận được tỷ lệ ủng hộ thấp từ công chúng cho việc điều hành chính sách ngoại giao của ông – có 35% ủng hộ trong khi 63% không tán thành. Giống như các vấn đề khác, sự chia rẽ đảng phái cũng gây sửng sốt. Trong khi 76% người theo đảng Cộng hòa ủng hộ thì chỉ có 8% người theo đảng Dân chủ có cùng ý kiến.

“Tôi chỉ cho rằng bất cứ khi nào bạn kết thân với Nga hay với Triều Tiên thì sẽ là việc tồi tệ,” theo Samantha Flowers, một giáo viên tiểu học 30 tuổi từ Columbia, Missouri.

“Thêm nữa, cách mà ông (Trump) xử lý các nước láng giềng – đặc biệt là Mexico. Tôi nghĩ nó đi ngược lại những giá trị Mỹ nói chung. Chúng ta luôn là một đất nước cởi mở và động lòng trắc ẩn,” bà Flowers nói trước khi trích dẫn những lời khắc trên bức tượng Nữ thần Tự do, trong đó nói rằng: “Hãy cho tôi những sự mệt mỏi, sự nghèo khó, những khao khát được hít thở tự do đã tích tụ lâu nay” trong nguyên văn tiếng Anh “Give me your tired, your poor, your huddled masses yearning to breath free.”

Richard Cleaveland, một người lái xe tải 65 tuổi ở Ogden, Utah, không đồng ý như vậy và ủng hộ ông Trump cũng như chính sách ngoại giao của ông hết mình.

“Tôi nghĩ ông ấy đang làm tốt với Triều Tiên. Ông ấy đã làm tốt hơn bất cứ ai từng làm việc này. Chưa một ai tiến được xa như vậy với Triều Tiên,” ông Cleaveland nói và ám chỉ tới cuộc gặp giữa ông Trump và lãnh tụ Triều Tiên tại Singapore vào năm ngoái để bàn thảo chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Đối với việc can dự của Mỹ vào các cuộc chiến ở nước ngoài, cuộc khảo sát cho thấy 39% người Mỹ ủng hộ việc rút 2.000 binh lính Mỹ ra khỏi Syria, và 35% nói rằng họ không đồng ý. Quyết định này của tổng thống được 56% người theo đảng Cộng hòa và 26% người theo đảng Dân chủ ủng hộ.

“Tôi nghĩ rằng đã đến lúc binh lính của chúng ta trở về nhà – từ Iraq, Afghanistan, Syria,” theo ông Cleaveland, người vừa trả lời phỏng vấn vừa lái chiếc xe bán tải của ông qua miền tây Kansas. “Tôi đã mất rất nhiều những người bạn tốt khi (tham gia chiến tranh) Việt Nam. Tôi nghĩ đó cũng là một cuộc chiến tranh xuẩn ngốc.”

Năm ngoái, ông Trump tuyên bố các phiến quân Nhà nước Hồi giáo đã bị đánh bại ở Syria và rằng quân đội Mỹ “lúc này” sẽ được đưa về nhà. Kế hoạch này dẫn tới việc thôi chức của Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và các chuyên gia an ninh quốc gia. Sau đó, ông Trump và những người khác trong chính quyền của ông có vẻ đã thay đổi thời gian rút quân khi nói rằng sẽ mất vài tháng để rút các lực lượng của Mỹ ra khỏi Syria một cách an toàn.

Người Mỹ có quan điểm tương đối giống nhau về quyết định của tổng thống trong việc rút ít nhất là một số lượng nhất định binh lính Mỹ ra khỏi Afghanistan. Bốn mươi mốt phần trăm nói họ sẽ ủng hộ việc rút quân ra khỏi Afghanistan trong khi 30% nói họ không tán đồng.

“Quân đội của chúng ta không nên là cảnh sát thế giới,” Robert Granger, một người đại diện bán hàng 44 tuổi của Bristol ở Tennessee, nói. “Chúng ta không thuộc về tất cả những nước đó. Chúng ta cần phải rút quân về và để cho các nước khác tự lo liệu cho chính họ.”

Sự chia rẽ đảng phái cũng thể hiện rõ trong các quan điểm của người Mỹ về vai trò của Hoa Kỳ trên thế giới, vị thế toàn cầu và các mối quan hệ với các nước khác.

Người theo đảng Dân chủ có xu hướng ủng hộ nhiều hơn so với người theo đảng Cộng hòa khi đưa ra ý kiến về việc liệu Mỹ có nên đóng một vai trò tích cực hơn để giải quyết các vấn đề của thế giới hay không.

Bốn mươi ba phần trăm người theo đảng Dân chủ cho rằng Mỹ nên tích cực hơn trong khi chỉ có 23% nói rằng Mỹ nên ít tích cực hơn. Và 32% khác của những người theo đảng Dân chủ cho rằng vai trò hiện tại của Mỹ là vừa đủ.

Những người theo đảng Cộng hòa lại có ý kiến khác. Bốn trong số 10 người theo đảng Cộng hòa nói rằng Mỹ nên ích tích cực hơn trong việc giải quyết các vấn đề của thế giới, trong khi 46% cho rằng vai trò hiện tại của Mỹ trong các vấn đề quốc tế là vừa phải. Chỉ có 13% người theo đảng Cộng hòa nghĩ rằng vai trò của Mỹ trên trường quốc tế nên tích cực hơn.

Những người theo đảng Cộng hòa cũng nghĩ rằng vị thế toàn cầu của Mỹ và các mối quan hệ với các nước khác sẽ tốt hơn hoặc giữ nguyên như vậy trong năm tới. Những người theo đảng Dân chủ phần lớn cho rằng các mối quan hệ của Mỹ với các quốc gia khác sẽ tồi tệ hơn.

Cuộc khảo sát AP-NORC với 1.062 người trưởng thành được tiến hành từ ngày 16 đến 20 tháng 1 sử dụng một mẫu lấy từ Bảng điều khiển AmeriSpeak dựa trên xác suất của NORC được thiết kế để đại diện cho dân số Mỹ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG