Bộ Thương mại Mỹ hôm 25/1 cho biết một cuộc khảo sát toàn cầu với các nhà sản xuất và người tiêu dùng chip bán dẫn cho thấy thiếu hụt sẽ vẫn tiếp diễn, chủ yếu do những hạn chế về năng lực sản xuất wafer (miếng silicon cực mỏng).
Cuộc khảo sát tự nguyện với 150 công ty trong chuỗi cung ứng vào mùa thu năm ngoái đã xác nhận ‘có sự vênh nhau rất lớn và kéo dài giữa cung và cầu trên thị trường chip, và nhiều người trả lời họ không cho rằng vấn đề này sẽ chấm dứt trong vòng 6 tháng tới’.
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo nói trước báo giới rằng cơ quan bà ‘có lúc không thực sự có được những gì chúng tôi cần và chúng tôi phải đi hỏi từng công ty và dùng quan hệ cá nhân mới có được’.
Hồi tháng 11, Raimondo cho biết bà đã nói chuyện với ‘tất cả CEO trong chuỗi cung ứng - bao gồm Samsung, TSMC, SK - và tất cả họ đã cam kết với tôi rằng họ sẽ đệ trình dữ liệu đầy đủ và thuyết phục cho chúng tôi.’
Trả lời cuộc khảo sát, Bộ Kinh tế Đài Loan nhắc lại rằng các công ty Đài Loan đang làm việc hết mình để sản xuất chip và phối hợp với ‘các đối tác làm ăn quốc tế quan trọng’ để củng cố chuỗi cung ứng.
“Bộ Kinh tế và các nhà sản xuất chip của chúng tôi rất coi trọng hợp tác với các đối tác cùng chí hướng, và sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau để xây dựng chuỗi cung ứng an toàn, đáng tin cậy và linh hoạt vốn có thể dần dần đáp ứng được tăng trưởng thị trường trong vài năm tới".
TSMC, công ty niêm yết có giá trị lớn nhất châu Á và là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất toàn cầu, từ chối bình luận.
Mỹ có thể buộc các công ty bán dẫn nước ngoài hoạt động tại Mỹ phải trả lời các câu hỏi chi tiết về thị trường chip.
Bộ Thương mại cho biết họ đã thấy những con chip được các hãng sản xuất ô tô và hãng thiết bị y tế sử dụng có mức giá cao bất thường.
“Nhu cầu chip bán dẫn rất cao và ngày càng tăng”, bà Raimondo nói và cho biết nhu cầu hiện cao hơn khoảng 20% so với mức năm 2019. ‘Không có nhiều tin tốt’ trong cuộc khảo sát này, bà nói thêm.
Raimondo cho biết cuộc khảo sát không cho thấy bằng chứng là có tình trạng đầu cơ tích trữ.
Bộ cho biết thời gian lưu kho của các loại chip quan trọng trước khi giao cho khách hàng đã giảm từ mức trung vị là 40 ngày vào năm 2019 xuống dưới 5 ngày vào năm 2021.
Phe Dân chủ ở Hạ viện dự kiến sẽ đưa ra luật nhằm tăng khả năng cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc và chi 52 tỷ đô la cho sản xuất và nghiên cứu chip bán dẫn sau khi Thượng viện phê duyệt khoản chi này hồi tháng Sáu năm ngoái.
Tổng thống Joe Biden đã thúc giục Quốc hội phê duyệt thêm ngân sách để thúc đẩy sản xuất chip ở Mỹ vì sự thiếu hụt các thành phần chính được sử dụng trong xe hơi và máy tính đã làm trầm trọng thêm các điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng.
Intel corp cho biết họ dự định đầu tư 20 tỷ đô la xây dựng hai nhà máy sản xuất chip mới ở Ohio, trong khi Samsung Electronics chọn Taylor, Texas để đặt nhà máy mới trị giá 17 tỷ đô la để sản xuất chip tân tiến.