Đường dẫn truy cập

Khánh Ly về hát ở Việt Nam: hèn nhát hay can đảm? 


Ca sĩ Khánh Ly đã sinh sống ở Mỹ kể từ sau khi Sài Gòn sụp đổ
Ca sĩ Khánh Ly đã sinh sống ở Mỹ kể từ sau khi Sài Gòn sụp đổ

Việc ca sỹ Khánh Ly về Việt Nam và bị chính quyền cộng sản kiểm duyệt đã làm dấy lên làn sóng phản đối gay gắt với lập luận Khánh Ly ‘hèn nhát, luồn cúi’ nhưng cũng có rất nhiều người cảm thông với điều mà họ gọi là ‘hành động can đảm’ của bà, theo tìm hiểu của VOA.

Bà về đến Hà Nội hôm 15/6 để làm tour lưu diễn xuyên Việt qua một loạt các tỉnh thành từ Nam ra Bắc với tên gọi ‘Như một lời chia tay’, bắt đầu ở Đà Lạt sau đó đến Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Cần Thơ và có thể ở Côn Đảo.

“Tôi muốn đến từng vùng bấy lâu mình muốn đến, gặp, bắt tay khán giả và hát như chưa từng được hát,” Khánh Ly được trang mạng VnExpress dẫn lời nói.

Tuy nhiên, sự cố đã xảy ra ngay trong đêm diễn ở điểm dừng đầu tiên của bà là Đà Lạt khi hôm 25/6, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã xử phạt công ty tổ chức đêm nhạc ‘Dấu chân Địa đàng’ của Khánh Ly vì đã để cho bà hát bài ‘Gia tài của mẹ’ của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn vốn không nằm trong danh sách được phép hát.

Ca sỹ Khánh Ly năm nay 77 tuổi, là ca sỹ lừng danh trong chế độ Việt Nam Cộng hòa, và bà đã sang Mỹ tị nạn nhiều năm nay kể từ khi chính quyền miền Nam sụp đổ. Bà từng về nước trình diễn nhiều lần mặc dù trước đây bà từng tuyên bố rằng bà ‘sẽ không về lại Việt Nam hát chừng nào Việt Nam còn nằm dưới chính quyền của Đảng Cộng sản’.

Nói lời rồi nuốt lời?

Từ Los Angeles, ông David Phạm, 58 tuổi, vốn sang Mỹ đã được 42 năm, hòa vào tiếng nói chỉ trích Khánh Ly của cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản ở hải ngoại. Trao đổi với VOA, ông nhắc lại lời tuyên bố mạnh miệng của Khánh Ly trước đây.

“Nếu Khánh Ly không từng công khai nói như thế thì tôi sẽ không chỉ trích gì hết, đằng này bà đã từng nói như vậy mà giờ lại đi về Việt Nam thì quá mâu thuẫn,” ông David nói.

“Một khi đã nói ra thì mình phải nhớ những gì mình đã nói,” ông nói thêm và cho biết bản thân ông cũng là một khán giả ái mộ ca sỹ Khánh Ly lúc bà còn trẻ và ở hải ngoại ông đã vài lần đi xem Khánh Ly và gặp gỡ ca sỹ ngoài đời.

Với tư cách là một người tị nạn, tức là từ bỏ chế độ cộng sản mà ra đi, ông David Phạm nói ông ủng hộ việc Khánh Ly không về Viêt Nam chừng nào còn chế độ cộng sản vì ‘mình đã trải qua biết bao nhiêu nguy hiểm đến tính mạnh mới đến được Mỹ’.

Ông không đồng ý với lập luận là ca sỹ Khánh Ly về nước hát cho khán giả, đồng bào trong nước nghe chứ không liên quan gì đến chính quyền cộng sản. Ông nói: “Mặc dù hát cho khán giả nhưng những buổi hát đó vẫn diễn ra dưới chế độ cộng sản.”

“Chế độ cộng sản Việt Nam muốn dùng những người này (ca sỹ Khánh Ly) để làm công cụ quảng bá cho người hải ngoại biết là họ muốn hòa hợp hòa giải gì đó, nên những ca sỹ, nhạc sỹ hải ngoại về Việt Nam hợp tác vô tình làm công cụ cho cộng sản Việt Nam,” ông nói.

Theo nhận định của ông thì các ca sỹ hải ngoại về Việt Nam hát, trong đó có Khánh Ly, ‘chỉ đơn thuần vì lý do kinh tế’ và ‘không quan tâm gì đến chính trị’. “Vì thế nên họ không biết họ bị lợi dụng thành công cụ chính trị,” ông phân tích.

Chỉ ra việc Khánh Ly bị cấm hát bài ‘Gia tài của Mẹ’, ông David Phạm cho rằng Khánh Ly về nước hát ‘dưới sự kiểm duyệt’ của chính quyền cộng sản ‘chứ đâu có được tự do hát những gì mình muốn đâu’. Ông nói điều đó là ‘không nên’.

“Khánh Ly im re, không dám lên tiếng khi bị xử phạt như vậy chứng tỏ Khánh Ly đã chấp nhận luồn cúi để được hát,” ông chỉ trích và khẳng định nếu sau này Khánh Ly có đi hát ở Mỹ nữa thì ông ‘sẽ không đi xem’.

‘Dũng cảm, linh hoạt’

Tuy nhiên, từ trong nước, nhạc sỹ Tuấn Khanh lại có cái nhìn đầy cảm thông và thậm chí ca ngợi việc Khánh Ly bất chấp dư luận của những người tị nạn hải ngoại để về Việt Nam hát.

“Khánh Ly trở về với tính cách một nghệ sỹ vượt qua tất cả mọi dư luận chống đối, bao gồm những người Việt chống Cộng và cả những người Việt theo cộng sản. Chị là người dũng cảm,” nhạc sỹ Tuấn Khanh nói với VOA từ Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông cho rằng với hành động ‘dũng cảm’ này, ca sỹ Khánh Ly củng cố thêm quan điểm rằng ‘Việt Nam là đất nước của người Việt Nam chứ không phải là đất nước của thể chế chính trị’.

Theo nhận định của ông thì Việt Nam là đất nước của các nghệ sỹ hải ngoại nên họ trở về ‘cũng là bình thường’.

Về việc Khánh Ly ‘nói lời rồi nuốt lời’, nhạc sỹ Tuấn Khanh cho rằng ‘Việt Nam đã trải qua nhiều thời kỳ’ nên hoàn cảnh bây giờ khác với lúc xưa khi Khánh Ly có tuyên bố đó.

“Giờ đây chính quyền (cộng sản) Việt Nam là chính phủ chính danh, họ ngồi trong Liên Hiệp Quốc, tổ chức nhiều hội nghị quốc tế, tiếp xúc Tổng thống Mỹ và được bầu vào các vị trí quan trọng tại Liên Hiệp Quốc,” ông phân tích.

“Nếu chúng ta chỉ nhìn vào những cái đã qua mà không nhìn vào hiện tại thì chúng ta không tự cập nhật bản thân và nhốt mình trong căn phòng tối,” ông ví von với việc Khánh Ly thay đổi quyết định.

Ông chỉ ra việc có nhiều người còn tuyên bố mạnh mẽ hơn cả Khánh Ly nhưng sau đó ‘vẫn âm thầm về Việt Nam’ vì ‘họ thấy có cơ hội kết nối với đồng bào và quê cha đất tổ của mình’.

Theo đánh giá của ông thì việc Khánh Ly hát ở Việt Nam có tác dụng rất lớn ‘làm sống lại di sản vàng son của thời Việt Nam Cộng hòa’.

“Khán giả trong nước đến với Khánh Ly là đến với nền văn hóa của Việt Nam Cộng hòa – một di sản vàng son,” ông khẳng định và cho rằng Khánh Ly là ‘đại diện của dòng chảy đó’.

Theo lời ông thì Khánh Ly làm cho những người Việt Nam thấy rằng nền văn hóa của Việt Nam Cộng hòa vẫn còn sống’.

“Những người ở hải ngoại chắc không tưởng tượng được có nhiều người trẻ không biết đến một nền văn hóa đã bị cắt đứt, đột nhiên một ngày nào đó họ ngồi trước sân khấu lắng nghe tiếng hát đó, khung cảnh đó. Trong đầu họ sẽ đặt ra câu hỏi tại sao những điều đẹp như vậy lại mất đi,” nhạc sỹ Tuấn Khanh lập luận.

Về lập luận ‘thỏa hiệp với chính quyền cộng sản để được về hát và phải hát trong sự kiểm duyệt’, người nhạc sỹ này dẫn ra việc khi nhạc sỹ Phạm Duy hay nhà thơ Du Tử Lê về nước, họ phải chịu sự nghe lén, sự cấm đoán không được gặp người này người kia và những cuộc tra vấn thầm lặng.

“Họ làm tất cả như vậy để được gặp khán giả của mình. Họ phải rất can đảm với quyết định của mình,” ông nhận định.

“Họ tách bạch được chính quyền là một thực thể khác, quê hương là một thực thể khác,” ông nói.

Ông bác bỏ việc Khánh Ly ‘trở thành công cụ cho chính quyền’ và nói rằng những người như Trịnh Công Sơn, Khánh Ly hay Du Tử Lê ‘đã từ chối một cách thầm lặng và can đảm từ chối những lời mời của chính quyền để xuất hiện ở những nơi mang tính chính trị để cổ súy ý tưởng hòa hợp hòa giải’. “Những điều này những người ở hải ngoại không biết,” ông nói.

Ông cũng không đồng ý với lập luận Khánh Ly phải chịu sự kiểm duyệt vì ‘chị chỉ hát những bài hát của mình, bao gồm những bài hát của các tác giả có vấn đề với chính quyền như Trầm Tử Thiêng’.

“Khánh Ly đâu có làm chương trình gồm những bài hát ca ngợi ông Hồ Chí Minh đâu,” ông đặt vấn đề.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG