Các công tố viên quốc tế ở La Haye, Hà Lan, hôm thứ Tư (8/2) cho biết họ đã tìm thấy “những dấu hiệu rõ ràng” rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê duyệt việc sử dụng ở Ukraine một hệ thống tên lửa của Nga đã bắn hạ máy bay số 17 của hãng hàng không Malaysia Airlines (MH17) ở miền đông Ukraine vào năm 2014, theo Reuters.
Tuy nhiên, họ cho biết bằng chứng về sự can dự của ông Putin và các quan chức Nga khác không đủ cụ thể để dẫn đến kết án hình sự và họ sẽ kết thúc cuộc điều tra mà không truy tố thêm.
Nga phủ nhận mọi liên quan đến vụ bắn rơi chiếc máy bay dân dụng khiến 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Công tố viên Digna van Boetzelaer nói trong một cuộc họp báo ở La Haye: “Cuộc điều tra hiện đã đi đến giới hạn”. Bà cho biết: “Những phát hiện này không đủ để truy tố các nghi phạm mới”.
Vào tháng 11, một tòa án Hà Lan đã kết án hai cựu nhân viên tình báo Nga và một thủ lĩnh phe ly khai Ukraine về tội giết người vì giúp bố trí hệ thống tên lửa BUK của Nga được sử dụng để bắn hạ máy bay này. Ba người đàn ông nêu trên bị xử vắng mặt và đến nay vẫn chưa bị bắt.
Vào thời điểm chiếc máy bay bị bắn hạ, lực lượng Ukraine đang giao tranh với lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn ở tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine.
Khi Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine vào tháng 3/2014, họ đã phủ nhận việc can dự quân sự vào cuộc chiến ở Donetsk vào thời điểm đó.
Nhưng như một phần trong bản án của ba người đàn ông vào tháng 11, tòa án quốc tế ở Hà Lan ra phán quyết rằng Nga trên thực tế đã “kiểm soát tổng thể” các lực lượng ly khai ở Donetsk bắt đầu từ tháng 5/2014.
Các công tố viên cho biết hôm 8/2 rằng họ không thể xác định được các binh sĩ cụ thể chịu trách nhiệm bắn tên lửa làm rơi máy bay này, vốn thuộc lữ đoàn 53 của Nga ở Kursk.
Các công tố viên trích dẫn một cuộc điện đàm giữa các quan chức Nga năm 2014 là bằng chứng cho thấy sự chấp thuận của ông Putin là cần thiết trước khi yêu cầu cung cấp thiết bị của phe ly khai được chấp thuận.
Ngoài ra, họ đã trưng nội dung một cuộc nói chuyện năm 2017 giữa chính ông Putin và giám đốc điều hành do Nga bổ nhiệm của tỉnh Luhansk của Ukraine, trong đó hai bên thảo luận về tình hình quân sự và trao đổi tù nhân.
Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022 theo cái mà họ gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” và vào tháng 9 cho biết họ đã sáp nhập tỉnh Donetsk và ba tỉnh khác của Ukraine.
Ông Piet Ploeg, người đứng đầu một tổ chức đại diện cho các nạn nhân, cho biết ông thất vọng vì cuộc điều tra đã kết thúc, nhưng rất vui vì các công tố viên đã đưa ra bằng chứng cho thấy ông Putin có liên quan.
“Chúng tôi không thể làm gì nhiều với việc này, ông Putin không thể bị truy tố”, ông nói. “Chúng tôi muốn biết ai là người chịu trách nhiệm cuối cùng và điều này nay đã rõ”.
Diễn đàn