Đường dẫn truy cập

Kết quả nghiên cứu: Tuyệt đại đa số dân VN và TQ chọn con đường tư bản


Nhiệt tình dành cho hệ thống thị trường tự do tại hai nước cộng sản Trung Quốc va Việt Nam cao hơn nhiều so với tại những thành trì của chủ nghĩa tư bản như Hoa Kỳ và Anh quốc, theo một cuộc nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện.

Hãng tin AP hôm thứ Sáu trích dẫn phúc trình của Trung tâm Nghiên cứu Pew, tường thuật rằng 95% đối tượng Việt Nam được thăm dò, một con số cao kỷ lục, nói rằng cuộc sống của người dân sẽ khá hơn trong các nền kinh tế thị trường tự do, 76% người Trung Quốc đồng ý với quan điểm đó.

Cùng lúc, 70% người Mỹ và 65% người Anh bày tỏ sự hậu thuẫn dành cho hệ thống kinh tế thị trường tự do.

Sự phát triển của thuơng mại toàn cầu đã đẩy nhanh đà tăng truởng tại các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Việt Nam, giúp đưa hàng chục triệu người ra khỏi tình trạng nghèo đói. Trong khi đó, đà tăng trưởng của các nền kinh tế tiên tiến hơn ở Hoa Kỳ và Âu châu suy giảm trong mấy năm gần đây, với tỷ lệ thất nghiệp cao, và mức lương bổng dậm chân tại chỗ.

Những trải nghiệm khác biệt đó dường như đã thay đổi quan điểm truyền thống của người dân các nước về các thị trường tự do, và về triển vọng tương lai. 65% những người được thăm dò tại các nước phát triển nói họ dự kiến con cái của họ sẽ gặp khó khăn hơn cha mẹ. Ngược lại, tại các nước có thu nhập thấp và trung bình, ít nhất 50% đối tượng được thăm dò dự kiến con cái của họ sẽ khá giả hơn thế hệ đi trước.

Lạc quan nhất là những người tham gia cuộc thăm dò ở Việt Nam, 94% các đối tượng dự kiến một tương lai tươi sáng hơn cho con cái của họ. Ở Trung Quốc, con số ấy là 85%. Chỉ có 30% người Mỹ, 23% người Anh, 15% người Ý, 14% người Nhật và 13% người Pháp, dự kiến một tương lai sáng lạn hơn cho những đứa trẻ bây giờ.

Trên toàn cầu, 60% người được thăm dò nói khoảng cách giữa giàu và nghèo là một vấn đề lớn tại nước họ. Nhưng một vấn đề lớn hơn nữa là nạn thất nghiệp.

Quan tâm cao nhất về tình trạng bất bình đẳng này là ở Hy Lạp và Libăng. 84% đối tượng ở cả hai nước coi đây là một vấn đề chủ yếu. Thấp nhất là ở Nhật Bản, chỉ có 28% coi khoảng cách giữa giàu nghèo là một vấn đề lớn.

Nguồn: AP

VOA Express

XS
SM
MD
LG