Đường dẫn truy cập

Joe Biden làm ngoại giao


Những cột khói bốc cao ở dải Gaza, 29 tháng 10. (Photo by FADEL SENNA / AFP)
Những cột khói bốc cao ở dải Gaza, 29 tháng 10. (Photo by FADEL SENNA / AFP)

Chính phủ Mỹ tìm cách ngăn không cho chiến tranh lan rộng, chưa biết kết quả sẽ ra sao. Những vận động ngoại giao của ông Biden và ông Blinken chỉ có thể tạm dập tắt đám cháy trong ngắn hạn.

Trung Đông là nơi các cường quốc đều muốn tạo ảnh hưởng. Vladimir Putin đã đặt chân lên vùng này, đưa quân đội, máy bay chiến đấu, và lính đánh thuê sang bảo trợ chính quyền Syria. Putin nói chuyện trực tiếp với thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, và cả các giáo sĩ Shi A Hồi Giáo lãnh đạo Iran. Các lãnh tụ cộng sản thời Xô Viết chưa làm được như vậy. Tập Cận Bình cũng góp mặt và đạt được một thắng lợi ngoại giao lớn. Tập môi giới cho hai nước đối nghịch Iran và Saudi Arabia cùng tới Bắc Kinh, ngồi xuống nói chuyện rồi thiết lập bang giao. Trong mấy năm qua Mỹ đã tìm cách cho Israel và Saudi hòa giải nhưng vẫn chưa thành.

Nhưng khi cuộc khủng hoảng lớn nhất bùng nổ ở Trung Đông, Putin và Tập không làm được gì cả: Không tìm cách ngăn chiến tranh khỏi lan rộng; không mở các đường dây ngoại giao để giải hòa; cũng không đưa thực phẩm, thuốc men tới giúp các nạn nhân ở Gaza. Cả hai chỉ ngỏ lời kêu gọi ngưng chiến, tức là bắt Israel phải chịu thua không được đánh quân Hamas để phục thù vụ tàn sát ngày 7 tháng 10. Cuối cùng, nước Israel, dân Palestine, cả hai phe đối nghịch và thế giới Á Rập chỉ trông đợi coi nước Mỹ sẽ làm gì.

Gần đây, nhiều người Mỹ đã mệt mỏi vì đã can dự quá nhiều vào chuyện thế giới; chỉ muốn quay về lo cho chính nước mình. Họ hô hào: “Nước Mỹ Trước Hết” (America First!), không muốn đóng vai trò “cảnh sát thế giới” như trong thế kỷ trước.

Nhưng bây giờ nước Mỹ không thể từ chối, đứng ngoài, bỏ mặc cho giải Gaza bốc cháy và lửa có thể sẽ lan rộng khắp vùng Trung Đông.

Chính phủ Mỹ cũng không ngờ phải đóng lại vai trò “cảnh sát quốc tế.” Từ khi nhậm chức năm 2021, ông Joe Biden đã chọn mối lo lớn nhất là ngăn chặn tham vọng bành trướng của Cộng sản Trung Quốc. Ông công khai gọi Tập Cận Bình là một “nhà độc tài,” bị Bắc Kinh gay gắt phản đối cũng không cải chính hoặc nói chữa lại cho nhẹ nhàng hơn. Nhưng thế giới bất ngờ biến chuyển, đành phải đối phó. Đầu tiên là vụ Nga tấn công Ukraine năm 2022. Giờ đến vụ ông Netanyahu đánh bom và chuẩn bị tấn công giải Gaza, thề tiêu diệt đạo quân Hamas mới đột kích tàn sát dân Israel.

Nhưng nước Mỹ không thể chỉ làm cảnh sát, một vai trò ít người yêu mà nhiều người ghét. Ông Joe Biden đang làm công việc lính cứu hỏa, cố sao cho cuộc tranh chấp không lan rộng. Ông sẽ phải đóng vai trọng tài trong một trận banh không có luật giao đấu rõ ràng. Ông phải hòa giải các phe, không phải chỉ có hai phe mà rất nhiều, quyền lợi xung khắc với nhau từ thế kỷ trước. Ông Biden vốn không phải là một nhà ngoại giao, nhưng may mắn, đã từng đứng đầu Ủy ban Ngoại giao Thượng viện trong 30 năm làm nghị sĩ, đã rút được nhiều kinh nghiệm để bây giờ áp dụng.

Trước hết, muốn chiến cuộc không gây thêm máu lửa, chết chóc, từ Gaza lan qua Lebanon, đến Syria, Jordan và vùng Tây Ngạn, thì phải kiềm chế nỗi căm hờn của chính phủ và dân Israel – nhất là cơn tức giận của quân đội Israel nổi tiếng “bách chiến bách thắng” bị mất mặt vì bị hơn một ngàn quân khủng bố qua mặt. Làm sao để làm nguôi cơn giận dữ của họ, sau khi 1,400 thường dân bị tàn sát, hơn 200 người bị bắt cóc?

Muốn người Israel nghe lời khuyên giải, trước hết phải chứng tỏ mình đứng về phía họ. Chính phủ Mỹ lập tức kết tội quân Hamas dã man và cam kết sẽ bảo vệ Israel đến cùng. Ông Biden bay qua Israel ôm Netanyahu, và cụ thể nhất, đề nghị quốc hội Mỹ biểu quyết viện trợ $40 tỷ mỹ kim vũ khí, kèm theo $50 tỷ cho Ukraine để dễ được thông qua hơn.

Ngoại trưởng Antony Blinken đi cùng ông tổng thống rồi bay qua các nước đồng minh Á Rập để giải thích tại sao chính phủ Mỹ có vẻ thiên vị về một bên, ủng hộ Israel triệt để như vậy. Ông Biden phải công khai khuyến cáo ông Netanyahu chớ hành động vội vàng, như chính phủ Mỹ sau vụ 11 tháng 9 năm 2001. Các chính phủ Á Rập cũng thấy nước Mỹ thực tình muốn tháo gỡ cơn khủng hoảng, và lời khuyên này sẽ có hiệu quả vì phù hợp với chính quyền lợi của Israel. Họ phải công nhận nếu nước Mỹ can thiệp vào thì hy vọng sẽ giảm bớt máu lửa, chết chóc. Phần lớn các chính phủ Á Rập vốn không ưa gì đạo quân Hamas. Khi bảo vệ quyền lợi của dân Palestine, họ muốn nói đến chính quyền Mahmoud Abbas ở vùng Tây Ngạn.

Các chính phủ Á Rập gần đây cũng không thiết tha nhắc lại đề nghị xây dựng một nước Palestine nữa. Nhưng dân chúng của họ không bao giờ quên. Vụ tàn sát ngày ngày 7 tháng 10 chỉ mở một trang mới trong lịch sử cuộc tranh chấp 75 năm, đã nhiều lần đẫm máu, giữa Israel và dân Palestine. Người Á Rập muốn biện hộ cho nhóm Hamas, cho rằng họ lâm vào cảnh “tức nước vỡ bờ.” Dân Palestine ở giải Gaza đã bị Israel kiềm chế, vây bọc, chỉ cho vài cửa ngõ ra vào, không đường tiến thủ mà cũng không hy vọng, suốt bao nhiêu năm qua. Tại sao các nước Tây Phương kịch liệt phản đối quân Nga chiếm đóng lãnh thổ Ukraine mà không nói gì đến cảnh quân Israel chiếm đóng đất của dân Palestine từ năm 1967, nếu không nói từ năm 1948?

Muốn đáp lại những lời biện hộ đó, cả hai ông Biden và Blinken đều phải hứa hẹn: Sẽ làm sống lại “Giải pháp Hai Quốc gia” song song, Israel và Palestine. Đó là cách duy nhất để Israel và dân Palestine có thể sống chung hòa bình lâu dài.

Nhưng đó là một chủ trương lâu dài chưa biết bao giờ thành sự thật. Nỗ lực ngoại giao khó khăn nhất của chính phủ Mỹ là làm sao trì hoãn một cuộc tấn công trả thù của Israel. Chính phủ Israel đã thả truyền đơn xuống miền Bắc giải Gaza, yêu cầu dân chúng di tản về phía Nam trong 24 giờ. Nhưng phần lớn dân Palestine không theo lệnh. Sau ba tuần lễ, quân Israel vẫn chưa tổng tấn công, nhờ các vận động ngoại giao của Mỹ.

Bên ngoài, Mỹ nêu lý do: Phải chờ thương thuyết để quân Hamas trả tự do cho các con tin bị bắt cóc, trong đó có nhiều người Mỹ cũng mang quốc tịch Israel và các công dân Mỹ gốc Palestine. Ông Biden giữ thể diện cho ông Netanyahu, nói rằng ông chỉ đề nghị khoan đánh, chứ không đòi hỏi Israel dừng tấn công. Nhưng lý do sâu xa hơn, là cần thời gian chuẩn bị cho quân đội Mỹ sẵn sàng, để can thiệp không cho chiến cuộc lan rộng.

Chiến tranh sẽ lan rộng nếu Iran ra lệnh các đám quân do họ tài trợ và cung cấp vũ khí, ở Syria, Iraq, Yemen và Lebanon, đồng loạt đánh vào các cứ điểm của quân đội Mỹ rải rác trong vùng. Mỹ đã gửi hai hàng không mẫu hạm tới bờ phía Đông Địa Trung Hải, nhưng chưa đủ. Bộ Quốc phòng Mỹ cần thời gian đưa bom đạn, máy bay không người lái và hỏa tiễn tới các mẫu hạm để đánh trừng phạt nếu cần. Mỹ đã bắn hỏa tiễn lên các nhóm dân quân ở Iraq và Syria do Vệ binh Cách mạng do Iran chỉ huy, sau khi họ đánh vào các căn cứ Mỹ. Bộ trưởng Lloyd Austin mô tả đó là hai vụ “tập kích chính xác,” chỉ để trả đũa.

Các biện pháp quân sự trên đi song song với các chuyến đi của Ngoại trưởng Blinken để thuyết phục các quốc gia Á Rập cùng đề phòng một đối thủ chung là chế độ thần quyền ở Iran. Với hai hàng không mẫu hạm được tăng cường vũ khí, chính phủ Mỹ lặng lẽ cảnh báo Iran và lực lượng Hezbollah của họ trong nước Lebanon không nên manh động. Cả Mỹ và Israel đều chứng tỏ đang sẵn sàng nghênh chiến. Israel đã di tản 130,000 dân chúng sống gần biên giới Lebanon xuống phía Nam. Bộ Ngoại giao Mỹ đã khuyến cáo các công dân Mỹ rời khỏi Iraq và Lebanon, yêu cầu các tòa đại sứ cho những nhân viên không thiết yếu về nước.

Chính phủ Mỹ tìm cách ngăn không cho chiến tranh lan rộng, chưa biết kết quả sẽ ra sao. Những vận động ngoại giao của ông Biden và ông Blinken chỉ có thể tạm dập tắt đám cháy trong ngắn hạn. Trong dài hạn, muốn ngọn lửa âm ỷ trong vùng Trung Đông khỏi lâu lâu lại bốc cháy, phải giải quyết vấn đề mấu chốt: Bao giờ dân Palestine có một quốc gia tự do, độc lập và đầy đủ chủ quyền? Các ông Vladimir Putin và Tập Cận Bình đều đề cao giải pháp này, nhưng hiện giờ họ chỉ có thể đứng ngoài vỗ tay cổ võ mà không thể làm gì hơn.

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG