Đường dẫn truy cập

Nhật Bản phản đối chuyến thăm của TT Nga đến hòn đảo tranh chấp


Tổng thống Nga Dmitry Medvedev (phải) thăm một gia đình người Nga ở thành phố Yuzhnokurilsk tại đảo Kunashir mà Nhật Bản gọi là Kunashiri, ngày 1/11/2010
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev (phải) thăm một gia đình người Nga ở thành phố Yuzhnokurilsk tại đảo Kunashir mà Nhật Bản gọi là Kunashiri, ngày 1/11/2010

Nhật Bản đã có phản ứng mau chóng và giận dữ trước chuyến thăm của Tổng thống Nga đến một hòn đảo đang có tranh chấp trong dẫy đảo Kuril. Vụ tranh chấp lãnh thổ đã bao phủ lên bang giao Nga-Nhật tử hồi kết thúc Thế chiến thứ hai. Từ văn phòng Đông bắc Á của đài VOA, thông tín viên VOA Steve Herman ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Trong khi Tổng thống Nga Dmitry Medvedev thực hiện chuyến thăm ngắn vào ngày hôm nay ở hòn đảo Kunashir – tiếng Nhật gọi là Kunashiri – các giới chức chính phủ ở Nhật Bản đã mau chóng bầy tỏ sự bất mãn sâu đậm.

Phát biểu tại một phiên họp của ủy ban quốc hội, Thủ tướng Naoto Kan nhắc lại rằng quần đảo do Nga chiếm đóng thuộc về lãnh thổ Nhật Bản.

Thủ tướng Kan nói trong tình hình Nhật Bản khẳng định lập trường 4 hòn đảo phía Bắc là của Nhật Bản, thì chuyến thăm ngày hôm nay của Tổng thống Nga là không thể chấp nhận được.

Đại sứ của Moscow tại Tokyo đã mau chóng được triệu tập đến Bộ Ngoại giao Nhật để nhận lời phản kháng ngoại giao.

Tuy nhiên, phát biểu với các ký giả tại Bộ Ngoại giao Nhật, Đại sứ Mikhail Bely đã không có lời lẽ nào mang tính cách hoà giải.

Đại sứ Nga cho biết ông đã nói với Ngoại trưởng Nhật Bản rằng chuyến thăm này phải được coi như một vấn đề quốc nội, và Nhật Bản nên đối phó một cách bình tĩnh và quân bình.

Các cơ quan truyền thông Nga loan tin rằng trong vài tiếng đồng hồ ghé qua Kunashir ông Medvedev đã đi tham quan một nhà máy điện địa nhiệt và một nhà trẻ mới. Các bản tin nói rằng Tổng thống đã hứa đầu tư ngân sách vào việc phát triển khu vực hẻo lánh này.

Quần đảo Kuril nằm ngay phía bắc hòn đảo chính phía bắc của Nhật Bản là Hokkaido. Bán đảo dài 1300 kilomet này đã bị đặt dưới sự kiểm soát của Moscow kể từ khi quân đội sô viết chiếm đóng trong những ngày chót của Thế chiến thứ hai. Nhật Bản đã đòi chủ quyền đối với 4 hòn đảo ở cực nam.

Vấn đề vẫn chưa được giải quyết từ năm 1945, vì thế mà hai nước vẫn chưa ký một hoà ước chính thức kết thúc chiến tranh, và sự kiện này gây trở ngại cho các quan hệ chính trị và kinh tế chặt chẽ hơn giữa hai nước láng giềng.

Trong nhiều năm đã có những cuộc thảo luận giữa Moscow và Tokyo về việc Nga trả lại 2 trong số 4 hòn đảo vừa kể.

Cuộc tranh chấp gia tăng với Moscow là trở ngại ngoại giao mới nhất cho Thủ tướng Kan, vừa lên nhậm chức chưa đầy 5 tháng. Chính phủ của ông mới đây đã vướng vào một trong những vụ tranh chấp tệ hại nhất từ nhiều năm giữa Tokyo và Bắc Kinh.

Mối bất đồng cũng liên quan đến những hòn đảo nhỏ đang có tranh chấp. Bất đồng bùng lên sau vụ đụng chạm giữa một tầu đánh cá của Trung Quốc và một tầu tuần duyên Nhật Bản trong vùng Biển Đông Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG