Hôm nay, các đội sửa chữa trở lại làm việc để gấp rút tìm cách hồi phục các hệ thống làm nguội tại nhà máy hạt nhân Fukushima của Nhật Bản bị hư hại vì động đất, một ngày sau khi họ được sơ tán sau khi khói bốc lên từ hai trong số sáu lò phản ứng của nhà máy.
Các giới chức cho biết cáp điện đã được nối tới sáu lò phản ứng. Họ hy vọng sẽ khôi phục một số chức năng tại tất cả các lò phản ứng trong vòng vài ngày tới.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ mức độ thiệt hại đối với các máy bơm dùng để giữ cho các thanh nhiên liệu hạt nhân của lò phản ứng không nóng quá, hay khi nào thì hệ thống đó được sửa chữa hay thay thế.
Khói trắng tiếp tục bốc lên từ hai trong sáu tòa nhà chứa lò phản ứng ngày hôm nay, nhưng giới chức cho biết có khả năng đó là hơi nước, và như vậy không đe dọa tới sức khỏe của công nhân vì không phát hiện được sự gia tăng tỷ lệ phóng xạ.
Hãng tin AP dẫn lời một giới chức an toàn hạt nhân của Nhật Bản nói rằng hơi nước có thể bốc lên từ một bồn làm nguội, nơi nước dùng để làm nguội các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng có nguy cơ bị cạn.
Nhưng một giới chức khác trong cùng cơ quan nói rằng ông không thấy bất kỳ khả năng nóng chảy hoàn toàn nào của lõi các lò phản ứng.
Các nhóm cứu hỏa tiếp tục xả nước vào một trong các tòa nhà chứa lò phản ứng, mà mái nhà đã bị thổi bay trong một vụ nổ trước đó.
Các công nhân nhà máy được chuẩn bị sử dụng các thiết bị đặc biệt để phun nước vào một tòa nhà khác vẫn còn mái.
Các nhà đầu tư phản ứng tích cực trước khả năng có thể tránh được một thảm họa, đẩy chỉ số chứng khoán Nikkei cơ bản tăng hơn 4% trong ngày.
Tuy nhiên, các vấn đề lớn vẫn còn. Hơn 21.000 người được coi là đã thiệt mạng hoặc mất tích, và hơn 300.000 người sống trong các lán trại tạm được trang bị sơ sài sau trận động đất kéo theo sóng thần hôm 11/3.
Ngân hàng Thế giới ước tính, hai thảm họa này gây thiệt hại tới 235 tỷ đôla, tức là cao hơn gấp đôi mức thiệt hại mà trận động đất ở Kobe năm 1995 gây ra.
Các sự kiện dẫn tới vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Fukushima