Quan ngại rằng hiện tượng phân hạch hạt nhân có thể xảy ra đã khiến Công ty Điện Lực Tokyo (TEPCO) phải xịt axít boric vào một trong các tòa nhà chứa lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima-1.
Công ty TEPCO xác nhận đã phát hiện “một lượng rất nhỏ” khí phóng xạ xenon tại lò phản ứng số 2, một trong 3 lò phản ứng bị hư hại sau trận động đất đo được 9 độ trên địa chấn kế, gây ra sóng thần ập vào cơ sở hạt nhân này vào ngày 11 tháng Ba năm ngoái.
Cả chất phóng xạ Xenon 133 và Xenon 135, cũng được phát hiện, đều là phó sản của hiện tượng phân hạch hạt nhân. Các chất này, tự chúng, không được coi là một mối đe dọa đối với sức khỏe.
Giáo sư Andrew Stuchberry, dẫn đầu Ban Vật Lý Hạt nhân tại Đại học Quốc gia Australia, nhận định:
“Nguồn gốc của khí phóng xạ xenon có phần chắc là do một mức độ phân hạch hạt nhân nào đó đã xảy ra. Sự kiện người Nhật đáp ứng bằng cách xịt thêm axít boric, là chất ăn được nơtron, ắt hẳn sẽ chận được tiến trình phân hạch.”
Giáo sư Stuchberry mô tả diễn tiến này là “hơi đáng ngạc nhiên”, nhưng nói rằng cho tới bây giờ, không có lý do gì để công chúng phải quá lo lắng.
Ông giải thích: “Nếu một mức độ phân hạch hạt nhân đang diễn ra trong lõi lò phản ứng, tôi tin rằng hiện tượng này tương đối giới hạn. Chắc chắn là không có bất cứ thứ gì có thể phát nổ. Tôi không tin sẽ phát sinh ra đủ nhiệt lượng để tác động đến sự an toàn. Tôi cũng hy vọng sẽ không có thêm phóng xạ bị thất thoát trong trường hợp này. Trong tình hình chúng ta chỉ mới nhận được một ít thông tin, và với biện pháp đã được đưa ra, tôi không lấy gì làm lo lắng cho lắm.”
Các giới chức của công ty TEPCO nói sự cố mới nhất sẽ không làm chậm lại mục tiêu của công ty, là làm nguội hẳn rồi đóng cửa tất cả các lò phản ứng hạt nhân bị hư hại trước cuối năm nay.
Nhà máy điện hạt nhân đã rò rỉ chất phóng xạ từ khi hệ thống làm nguội của nhà máy bị phá hủy bởi trận động đất mạnh kéo theo sóng thần cách đây gần 8 tháng.
Sự thể đó gây ra hiện tượng tan chảy tại lõi của 3 trong tất cả 6 lò phản ứng. Nhiều thị trấn và làng mạc trong vòng bán kính 20 km từ nhà máy đã được sơ tán. Mức phóng xạ cao đã được phát hiện trong thực phẩm, nước và đất ở những nơi xa đến tận Tokyo.
Một viện nghiên cứu an toàn hạt nhân ở Pháp nói thảm họa tại nhà máy Fukushima đã dẫn tới sự thất thoát vào đại dương một lượng chất phóng xạ lớn nhất từ trước tới nay.
Sự cố này là thảm họa hạt nhân nghiêm trọng nhất, kể từ sau vụ tan chảy tại nhà máy hạt nhân Chernobyl hồi năm 1986.
Một ủy ban chính phủ Nhật Bản nói cần ít nhất 30 năm mới có thể ngừng hoạt động nhà máy Fukushima một cách an toàn.
Có thể xảy ra phản ứng phân hạch hạt nhân trong lò phản ứng bị hư của Nhật
Có một số dấu hiệu cho thấy có khó khăn mới tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị hư hại ở Nhật bản.