Đường dẫn truy cập

Nhật hứa sẽ đóng cửa các lò hạt nhân ở Fukushima trước cuối năm


Nhà máy điện hạt nhân Fukushima
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima

Nhật Bản cho biết sẽ đóng cửa các lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 trước cuối năm nay. Loan báo vừa kể được đưa ra mặc dù giới hữu trách phát giác là thiên tai hồi tháng ba vừa qua đã làm nhà máy điện này hư hại nhiều hơn là người ta tưởng lúc ban đầu. Thông tín viên đài VOA, Steve Herman gởi về bài tường trình chi tiết từ Seoul.

Những khó khăn nghiêm trọng tiếp tục bủa vây các nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Fukushima vốn đã hư hại vì một trận động đất và sóng thần. Nhưng Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan hôm nay tuyên bố trước quốc hội Nhật Bản rằng các lò phản ứng hạt nhân sẽ được đóng vào một thời điểm từ nay cho tới cuối năm.

Nhà lãnh đạo Nhật Bản nói rằng lịch trình để đưa các lò phản ứng hạt nhân bị hư hại vào tình trạng đóng nguội sẽ không thay đổi. Ông nhấn mạnh rằng việc đó sẽ diễn ra trong vòng từ 6 tới 9 tháng.

Thời biểu này phù hợp với một kế hoạch của công ty điện lực Tokyo loan báo cách đây một tháng.

Nhưng kể từ lúc đó rõ ràng là các lò phản ứng đã bị hư hại nhiều hơn là người ta nghĩ trước đó. Lò phản ứng số 1, giờ đây được thừa nhận là đã bị tan chảy không lâu sau vụ độïng đất hôm 11 tháng ba và trận sóng thần tiếp theo sau đã tàn phá vùng đông bắc nước Nhật.

Các chuyên gia Nhật Bản cho biết những thanh nhiên liệu bên trong lò phản ứng đã bị phô nhiễm với không khí và tan chảy. Tuy nhiên, rõ ràng là nhiên liệu đã rơi xuống đáy của hồ chứa, giúp cho lò phản ứng không bị lâm vào tình trạng tan chảy hoàn toàn.

Những nỗ lực mới đây nhằm giữ cho lò phản ứng được nguội bằng cách bơm nước vào phòng chứa nhiên liệu đã gặp phải những vấn đề khó khăn.

Công ty TEPCO điều hành nhà máy điện cho biết hằng ngàn tấn nước bị nhiễm phóng xạ cao đã rỉ xuống tầng hầm của lò phản ứng qua những lỗ hổng do nhiên liệu nóng chảy tạo ra.

Theo dự trù, ngày mai TEPCO sẽ công bố kết quả duyệt xét về kế hoạch đóng các lò phản ứng.

Hôm qua, TEPCO thừa nhận rằng lõi của những thanh nhiên liệu trong hai lò phản ứng khác ở nhà máy điện Fukushima số 1 cũng bị thiệt hại đáng kể và nước làm nguội bị rò rỉ.

Mức độ phóng xạ cao gần các nhà máy gây trở ngại lớn cho công cuộc sửa chữa vì công nhân chỉ có thể có thể làm việc ở đó trong một thời gian có giới hạn để tránh bị phôâ nhiễm quá mức với phóng xạ.

Tai nạn hạt nhân tệ hại nhất thế giới trong một phần tư thế kỷ này gây ra bởi trận động đất đo được 9 độ và một trận sóng thần lớn tàn phá vùng duyên hải đông bắc Thái bình dương của nước Nhật. Cảnh sát cho hay 25.000 người đã bị thiệt mạng hoặc mất tích.

Những lo ngại về phóng xạ phát ra từ nhà máy điện hạt nhân này buộc nhà chức trách phải di tản nhiều cộng đồng cư dân.

Hôm qua, có thêm hằng ngàn người sống bên ngoài khu vực di tản bán kính 20 kilomét được qui định trước đó đã rời khỏi nhà. Nhà chức trách cho biết điều kiện khí tượng làm tăng mối lo ngại lâu dài về mức phóng xạ tại các làng mạc và thị trấn nơi họ sinh sống.

Khoảng 80.000 người lúc đầu bị buộc di tản khỏi khu vực cấm qua lại ban đầu chưa được cho biết khi nào họ có thể quay về nhà.

Các nhà phân tích cho hay chỉ nội cuộc khủng hoảng hạt nhân này thôi cũng khiến nước Nhật bị tổn thất từ 50 tới 100 tỉ đôla. Ngoài ra Nhật Bản, vốn đã lâm tình trạng kinh tế trì trệ nhiều năm, cần phải tính toán làm cách nào chi trả cho một khoản tiền lớn tương đương để tái thiết hằng trăm cộng đồng duyên hải bị sóng thần cuốn trôi và nhiều thành phố khác bị thiệt hại đáng kể bởi động đất. Một số nhà kinh tế dự đoán Nhật Bản phải tốn thêm 200 tỉ đôla nữa cho công tác tái thiết.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG