Các trường thuộc loại này được mở ra cách nay gần 70 năm, do những người Triều Tiên thành lập khi họ bị buộc sống tại Nhật Bản vào lúc Nhật vẫn còn đô hộ Triều Tiên.
Khi thông tín viên đài VOA Akiko Fujita đến thăm trường trung học Chosen, thuộc quận Ibaraki; cô thấy chân dung của hai bố con Kim Il Sung và Kim Jong Il vẫn được treo trong các lớp học.
Các giáo viên ở đây vẫn dạy bằng tiếng Triều Tiên. Sách giáo khoa cũng vậy, mặc dù hầu hết các học sinh ở đây đều xem Nhật Bản là quê hương của mình. Nữ sinh Cho Na Re cho biết:
“Chúng em đâu có khác gì học sinh Nhật, chỉ có điều chúng em học bằng tiếng Triều Tiên.”
Nói chung, các học sinh thuộc diện này xem các trường là cách để giữ gìn văn hóa. Nhưng hiện nay, các trường này đang gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng.
Bắc Triều Tiên đã cứu các trường này. Vào năm 1957, Bình Nhưỡng tặng cho các trường 1 triệu đôla và từ đó đến nay đã cung cấp khoảng nửa triệu đôla.
Ông Che In Te, Hiệu trưởng trường Chosen nói:
“Nếu không được Bắc Triều Tiên tài trợ, trường của chúng tôi sẽ chẳng còn; vì lý do đó, ảnh hưởng của Bắc Triều Tiên thể hiện ở khắp trường.”
Cách lý giải đó không làm hài lòng một số giới chức chính phủ Nhật Bản, bực bội vì Bắc Triều Tiên đã bắt cóc hơn một chục công dân Nhật.
Ông Hiroshi Nakai, bộ trưởng phụ trách giải quyết chuyện bắt cóc đang yêu cầu dự luật gạt tên các trường được Bắc Triều Tiên tài trợ ra khỏi chế độ miễn phí. Ông nói:
“Đưa tiền cho các trường đó chẳng khác nào ủng hộ trực tiếp cho Bắc Triều Tiên. Chuyện đó coi như đánh bại các biện pháp trừng phạt của Nhật Bản đối với Bắc Triều Tiên hiện nay.”
Bà Yun Kyong Ran, một phụ huynh nói rằng không cho các trường này được học miễn phí thì coi như các trẻ bị trừng phạt vì những hành động của Bình Nhưỡng, và chúng đâu có tội tình gì. Hơn nữa, bà nói:
“Tất cả các môn ở các trường này, dù giảng bằng tiếng Triều Tiên, đều dạy đúng theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục Nhật Bản, ngoại trừ môn sử của Triều Tiên. Ngoài ra, gần phân nửa số học sinh ở đây là con em của những người Nam Triều Tiên chứ không phải Bắc Triều Tiên. Thế thì tại sao lại không ưa chúng tôi? Tại sao phải loại trừ các trẻ này ra?”
Chính phủ Nhật Bản sẽ có quyết định chung cuộc vào cuối tháng này.
Hiệu trưởng Che In Te nói nếu chính phủ không cho hưởng chế độ miễn phí, ông sẽ tiếp tục xin chính quyền địa phương và chính quyền Bình Nhưỡng tài trợ. Ông nói tiếp:
“Mặc dù tôi không đồng ý vối tất cả những gì mà Bình Nhưỡng đang làm, nhưng tôi hết sức biết ơn họ đã giúp nhà trường dạy về văn hóa Triều Tiên. Cho dù ai có nói gì đi nữa, cho dù ai đó nói rằng Bình Nhưỡng là một chế độ nguy hiểm, tôi vẫn tiếp tục yêu Bắc Triều Tiên.”
Một dự luật mới ở Nhật sẽ cho tất cả các trường trung học được miễn phí, tiết kiệm cho mỗi học sinh khoảng 100 đôla một tháng. Nhưng các nhà làm luật không muốn 10 trường với khoảng 2.000 học sinh được Bắc Triều Tiên tài trợ được hưởng lợi ích của dự luật này.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1