Đường dẫn truy cập

Thủy thủ đoàn tàu đánh cá TQ được thả, thuyền trưởng bị giữ lại


14 thành viên trong thuỷ thủ đoàn của một tàu đánh cá Trung Quốc đang là đề tài chính của một vụ tranh chấp ngoại giao kéo dài gần 1 tuần lễ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã trở về nhà hôm nay, sau khi bị nhà chức trách Nhật Bản thẩm vấn. Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên VOA Victor Beattie, viên thuyền truởng của chiếc tàu này vẫn còn bị Nhật Bản câu lưu và có thể bị truy tố hình sự sau khi chiếc thuyền đâm vào 2 tàu tuần duyên của Nhật Bản trong hải phận biển Đông Trung Quốc đang có tranh chấp.

Vụ việc bắt đầu vào ngày 7 tháng 9, khi Nhật Bản cho biết chiếc tàu của Trung Quốc đã đụng phải những tàu tuần của Nhật và làm lơ trước những lời cảnh cáo phải rời khỏi khu vực gần các đảo giàu tài nguyên đang có tranh chấp. Chiếc tàu của Trung Quốc cũng không chịu ngừng lại để kiểm tra.

Sau khi thẩm vấn, 14 thành viên trong đoàn thuỷ thủ Trung Quốc đã được phóng thích và đưa về nước trên một chuyến bay thuê bao của Trung Quốc. Viên thuyền trưởng vẫn còn bị Nhật Bản câu lưu và có thể bị truy tố về vụ đụng tàu này.

Sự kiện này đã đưa đến quyết định của Trung Quốc là đình chỉ các cuộc đàm phán song phương đã dự định về các giếng dầu khí trong khu vực có tranh chấp.

Ông Ralph Cossa, chủ tịch viện nghiên cứu chính sách Diễn đàn Thái bình dương có trụ sở ở Hawaii, nói rằng cả hai nước đều cho là mình bị xúc phạm.

Ông Cossa nói: “Dĩ nhiên, phía Trung Quốc không hài lòng vì họ nhận chủ quyền vùng hải phận đó. Vì thế, theo lập trường của Trung Quốc, đây là một hành vi phạm pháp. Nhưng phía Nhật Bản lâu này vẫn chiếm đóng và quản lý nhóm đảo mà họ gọi là Senkaku này. Vì thế, theo lập trường của Nhật Bản, và theo một quan điểm pháp lý, 9 phần 10 luật pháp dựa vào quyền sở hữu, thì Nhật Bản đang chiếm đóng hòn đảo, và rõ ràng là khi xảy ra một vụ đụng chạm, thì họ phải mở cuộc điều tra.”

Ông Cossa cho rằng giả sử tàu của quân đội cả hai bên có can dự trong vụ này thì cuộc tranh chấp có thể trở nên trầm trọng hơn, nhưng theo ông, người ta vẫn thường thấy các tàu thuyền thương mại của Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan đánh cá trong vùng hải phận này.

Ông Robert Dujarric thuộc trường Đại học Temple ở Tokyo nói rằng đây là một trường hợp điển hình cho thấy Trung Quốc tỏ thái độ ngày càng hung hăng đối với các lân quốc.

Ông Dujarric nói: “Vụ này sẽ không trở nên thành một cuộc chiến tranh, một cuộc xung đột công khai hay các biện pháp chế tài kinh tế. Nhưng, theo tôi, đây là một trong nhiều dấu hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc đã trở nên rất hung hăng chống lại các nước láng giềng trong những vụ tranh chấp lãnh thỏ, cả trong những lời tuyên bố lẫn trong thái độ. Và điều này có lẽ sẽ rất có hại cho Trung Quốc. Chính phủ hiện thời của Nhật Bản thực ra đang tương đối và tích cực nghiêng về chủ trương cải thiện bang giao với Trung Quốc. Nhật Bản đã chấm dứt các cuộc viếng thăm đền thờ Yasukuni và đây là một sự kiện khiến cho chính phủ Nhật, cũng như dân chúng Nhật cảm thấy là phía Trung Quốc không có thiện chí tương nhượng, và cơ bản là họ đang cư xử theo những đường lối không xứng hợp với những gì mà đa số người Nhật Bản coi là những tiêu chuẩn văn minh trong lối hành xử ngoại giao.”

Ông Dujarric, hiện còn là giám đốc Viện Nghiên cứu các vấn đề Á châu đương đại của trường Đại học Temple, nói rằng vụ việc này ắt hẳn là một mối quan ngại cho các lân quốc của Trung Quốc, cũng như Aán Độ. Ông dự kiến là viên thuyền trưởng của chiếc tàu đánh cá này chung cuộc cũng được gửi trả về Trung Quốc, cho dù ông ta có bị đưa ra toà và kết án, bởi vì Nhật Bản không có ý muốn leo thang căng thẳng với Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG