Chính phủ đương nhiệm Laurent Gbagbo không còn công nhận Thủ tướng Kenya là người trung gian hòa giải nữa vì cho rằng ông này đứng về phía ông Alassane Ouattara, người thắng cử được quốc tế công nhận.
Do đó giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng này hình như bị khép kín khi các nhà lãnh đạo quân sự Tây Phi cứu xét thành lập một lực lượng can thiệp của vùng này để hạ bệ ông Gbagbo.
Ông Ouattara nói hiện nay lực lượng này có thể là cần thiết:
“Thật là đáng tiếc vì sau tất cả những cuộc thu xếp hòa giải này, mọi người đều nhận thấy chỉ có một phương pháp duy nhất để khiến ông Gbagbo phải rời khỏi chức vụ là bằng các biện pháp khác, kể cả việc dùng lực lượng quân sự chính đáng.”
Thủ tướng Kenya, nhà hòa giải Odinga, nói ông Gbagbo không còn lựa chọn nào khác:
“Tôi nghĩ Tổng thống Gbagbo đang thấy là thòng lọng đang xiết chặt, những giải pháp đang cạn dần và ông không có cách nào khác là ra đi an toàn. Tôi đã nói với ông đây là phương cách ông phải chọn. Chúng tôi có thể đảm bảo một vài an ninh cho ông ấy, hoặc về hưu, hay ông còn có thể tham gia chính trị tại Côte d’Ivoire hay là lưu vong.”
Ông Odinga nói sẽ có nhiều chế tài hơn nữa đối với chính phủ Gbagbo nếu chính phủ này từ chối nhượng quyền.
Liên hiệp châu Âu đã phong tỏa tài sản của những cảng xuất khẩu ca-cao chính của Côte d’Ivoire, những công ty dầu hỏa quốc doanh, những cơ sở năng lượng chính, những công ty truyền thông quốc gia, và 3 ngân hàng, vì các nhà lãnh đạo châu Âu nói những công ty này giúp tài trợ một chính phủ bất hợp pháp.
Nhưng chính phủ Gbagbo nói những doanh nghiệp châu Âu chịu thiệt hại vì những chế tài này hơn là người Côte d’Ivoire.
Giám đốc điều hành cảng Abidjan, ông Marcel Gossio nói những biện pháp chế tài là vô trách nhiệm vì cảng không có liên hệ gì đến cuộc bầu cử:
“Chế tài cảng Abidjab có nghĩa là phong tỏa tài khoản của cảng tại châu Âu. Tuy nhiên những tài khoản này dùng để trả tiền cho những nhà thầu châu Âu. Do đó tôi không thể chi trả cho những nhà thầu này. Nếu đó là quyết định của những chính phủ châu Âu thì Côte d’Ivoire sẽ chấm dứt giao dịch với những nhà thầu châu Âu. Trên thế giới này không phải chỉ có nhà thầu châu Âu.”
Ông Ouattara nói những chế tài phải nhắm đúng vào ông Gbagbo và chính phủ của ông để không thể ảnh hưởng đến người dân Côte d’Ivoire, nhiều người vẫn còn đang gặp khó khăn trong một nền kinh tế bị tổn hại vì một cuộc nội chiến ngắn và những chia rẽ chính trị tiếp theo sau:
“Những biện pháp kinh tế cần phải nhắm vào những người chịu trách nhiệm gây ra tình hình này là ông Gbagbo, chính phủ của ông này, những người thân cận và những binh sĩ ủng hộ ông ta. Một khi ông Gbagbo rời bỏ quyền hành, tôi sẽ hành động nhanh chóng để sửa chữa những thiệt hại của nền kinh tế Côte d’Ivoire.”
Ông Ouattara nói khi ông Gbagbo không còn nắm quyền, ông hy vọng chuyện này sẽ sớm xảy ra, Côte d’Ivoire sẽ nối lại liên hệ với ngành ngân hàng quốc tế, những nhà tài trợ đa phương và Ngân hàng Phát triển châu Phi.
Liên Hiệp Quốc đang gởi thêm 2.000 binh sĩ giữ gìn hòa bình đến Côte d’Ivoire, nâng lực lượng này lên đến 12.000 người sau khi ông Gbagbo kêu gọi rút hoàn toàn phái bộ này vì ông cho rằng họ không còn trung lập trong cuộc tranh chấp nữa.
Quân đội Côte d’Ivoire nói các binh sĩ hiện nay sẽ chặn lại và lục soát xe cộ của Liên Hiệp Quốc, làm cho tình hình thêm căng thẳng. Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon tuyên bố hành vi bạo lực chống lại nhân viên Liên Hiệp Quốc là tội phạm theo luật quốc tế.
Người thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Côte d’Ivoire nói quân đội có thể cần đến để lật đổ chính phủ đương nhiệm, trong lúc chính phủ này nói rằng cuộc khủng hoảng chính trị hiện làm thiệt hại cho doanh thương nước ngoài hơn là cho Côte d’Ivoire.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1