Bốn bị cáo nhận bản án nặng nhất trong vụ Đồng Tâm vừa nộp đơn kháng cáo, dù cơ hội đảo ngược bản án trong vụ án này đối với các trường hợp kháng cáo kêu oan là không cao, một luật sư bào chữa cho VOA biết.
Hôm 24/9, luật sư Ngô Anh Tuấn cho VOA biết ông và các luật sư khác vào Trại giam số 2 ở Hà Nội đã tiếp xúc với tất cả 6 bị cáo hôm 23/9 và 4 bị cáo đã nộp đơn kháng cáo.
“Chúng tôi có gặp 6 bị cáo tại trại giam và một số cho biết rằng họ đã kháng cáo rồi, có người nói sẽ làm sau. Có người kháng cáo kêu oan, có người chỉ xin giảm nhẹ”.
“Những người bị án cao nhất kháng cáo là Lê Đình Chức, Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, và Nguyễn Quốc Tiến”.
Kết thúc phiên sơ thẩm hôm 14/9, Tòa án Nhân dân Tối cao thành phố Hà Nội tuyên hai án tử hình đối với ông Lê Đình Chức và ông Lê Đình Công về tội “giết người” và các mức án từ 15 tháng tù treo đến chung thân đối với 27 người khác bị quy là phạm tội “chống người thi hành công vụ” hoặc “giết người.”
Thông báo trên Facebook hôm 23/9, luật sư Lê Văn Hòa cho biết bị cáo Lê Đình Uy, người bị tuyên 5 năm tù, không kháng cáo.
“Tất cả các bị cáo đều chưa nhận được bản án nhưng đã được cán bộ trại giam hướng dẫn thủ tục kháng cáo theo luật định”, luật sư Ngô Anh Tuấn viết trên Facebook hôm 23/9.
“Hai bị cáo cho biết mình không kháng cáo, nhưng một trong số đó cho biết sẽ suy nghĩ thêm”, vẫn theo luật sư Tuấn .
Luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết thêm: “Đa số những người kháng cáo xin giảm nhẹ, có người kêu oan”.
Ông Tuấn nhận định về khả năng các bị cáo được giảm án trong phiên phúc thẩm sắp tới:
“Đối với những người kiên định với con đường xin giảm nhẹ hình phạt thì việc xin giảm nhẹ có khả năng xảy ra, khả năng giảm án là khá cao.
“Còn đối với những người kêu oan thì khó có thể được xem xét, không được xem xét sâu!”
Sau vụ án Đồng Tâm, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về hai án tử hình và tính minh bạch của phiên tòa này.
Tuyên bố của người phát ngôn EU đăng trên trang web của khối hôm 18/9 mở đầu với lời đề cập rằng Tòa án Nhân dân Hà Nội vào hôm 14/9 đã tuyên hai ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức phải nhận án tử vì họ tham gia vào cuộc đối đầu thảm khốc giữa các dân làng với lực lượng công an ở xã Đồng Tâm hồi rạng sáng ngày 9/1 năm nay.
Tuyên bố EU phản đối việc sử dụng hình phạt tử hình “tàn nhẫn và vô nhân đạo”, kêu gọi Việt Nam tạm hoãn áp dụng án tử hình, và rằng "các báo cáo về những điều kiện và thủ tục tố tụng của phiên tòa làm dấy lên quan ngại sâu sắc” về tính minh bạch và công bằng của phiên tòa này.
Ngay sau kết thúc phiên sơ thẩm ngày 14/9, Ân xá Quốc tế (Amnesty International) và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) cũng lên tiếng bày tỏ quan điểm về bản án này.
Các bị cáo là người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, bị bắt rạng sáng 9/1/2020 sau khi hàng nghìn nhân viên công an đột kích vào thôn với lý do “bảo đảm an ninh, trật tự” cho công trình thi công tường rào sân bay Miếu Môn, nơi có tranh chấp đất đai giữa chính quyền với người dân trong nhiều năm qua.
Vụ đột kích dẫn đến hậu quả là ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, được xem là thủ lĩnh tinh thần của người dân, bị công an bắn chết; phía công an có 3 người thiệt mạng.
Lê Đình Công và Lê Đình Chức là con trai ông Lê Đình Kình. Lê Đình Uy là cháu nội ông Kình.