Mấy tháng ròng bà Soeun Neat đau đớn chuẩn bị tâm lý cho các con trước tin chồng bà sắp bị trục xuất từ Mỹ về Campuchia vì ông vướng án tù 20 năm, nhưng đến thứ Sáu rồi 14/12 thì niềm vui vỡ òa.
Ông Sear Un, chồng bà, đã bị giam giữ trong một chương trình hồi hương gây tranh cãi, theo đó kể từ năm 2002 hàng trăm người Campuchia đã định cư ở Hoa Kỳ - chủ yếu là người tị nạn – đã bị trục xuất vì đã phạm tội gì đó.
Sau khi ông Un bị Cơ quan Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) bắt giam vào ngày 5/9, bà Un càng thêm vất vả vì bà mang bầu gần tới ngày sinh nở.
Bà nói với VOA: “Hầu như đêm nào tôi cũng thầm khóc vì quá vô vọng. Tôi không biết làm gì để giúp cho chồng tôi vì tôi không có kiến thức về hệ thống pháp luật.”
Bất lực và tuyệt vọng, nhưng may thay bà Neat nhận được sự giúp đỡ về pháp lý từ các nhân viên và luật sư của Nhóm Tư vấn Luật cho người Á châu (Asian Law Caucus - ALC), như ông Kevin Lo, và vận may của chồng bà đã bắt đầu thay đổi.
ALC và các chi nhánh của nhóm này đang tiến hành một vụ kiện tập thể về việc giam giữ người Campuchia để trục xuất. Từ tháng 10/ 2017 đến nay, nhóm này đã giúp ít nhất 15 người thoát bị trục xuất.
Ông Un bị kết án vào năm 1998 vì tội ăn trộm, và sau đó bị tuyên án tội hình sự.
Sau khi bà Neat liên lạc với văn phòng của Luật sư Lo vào tháng 9, ông Lo và nhóm của ông đã phát hiện ra rằng cáo trạng của ông Un đã được tái xét và không còn là một hành vi phạm tội có thể bị trục xuất – từ đó mở ra một tia hy vọng cho gia đình bà Neat.
Hôm thứ Sáu 14/12, ông Un nhận thông báo được phép ở lại Hoa Kỳ, chỉ vài hôm trước khi một chuyến bay chở khoảng 40 người Campuchia bị trục xuất từ thành phố El Paso, bang Texas về thủ đô Phnom Penh, vào thứ Ba 18/12.
Luật sư Lo cho biết nhóm của ông đã xin được cho 5 người trong số những người Campuchia dự kiến sẽ bị trục xuất trên chuyến bay đó được ở lại Mỹ. Đây là một trong những chuyến bay chở nhiều người bị trục xuất nhất về lại Campuchia từ trước đến nay.
Trong email viết cho VOA, ông Lo nói: “Tôi tin chắc còn có một số người khác trên chuyến bay đủ điều kiện xin ở lại được.”
Ông cho biết thêm: “Các luật sư của nhóm ALC đã giúp cho nhiều người bị ICE bắt ở Bắc California và Central Valley. Chúng tôi giúp họ xác định những điều kiện xin được ở lại Mỹ và sau đó giúp họ kháng cáo thành công trước tòa.”
Có trường hợp các luật sư của nhóm ALC giúp những người đã bị trục xuất về Phnom Penh mở lại hồ sơ và xin được quay về Mỹ. Vào tháng 11, Phorn Tem, một người Campuchia bị trục xuất hồi tháng 4 vì tội tàng trữ và bán cần sa, đã trở thành người bị trục xuất đầu tiên được phép quay lại Hoa Kỳ.
Một ngày sau khi ông Phorn bị trục xuất, một thẩm phán phát hiện rằng phạm nhân đã không được thông báo chính xác về việc nhận tội sẽ dẫn đến việc trục xuất.
Nhóm ALC đã sử dụng phán quyết này để đảo ngược lệnh trục xuất của ông Phorn và hy vọng sẽ sớm giúp ông trở thành người Campuchia bị trục xuất đầu tiên được cấp thẻ xanh.
Năm 2017, các quan chức Campuchia, những người thường xuyên lên tiếng chỉ trích chương trình trục xuất của Hoa Kỳ, bắt đầu từ chối nhận những người bị trục xuất.
Theo một báo cáo của ICE có đến 110 người Campuchia bị trục xuất trong năm tài chính 2018.