Các nỗ lực của liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo nhằm cắt đứt một trong những nguồn tài trợ chính của Nhà nước Hồi giáo, buôn bán dầu khí lậu, qua việc oanh kích cơ sở khoan dầu tự chế ở Syria của các phần tử chủ chiến và cơ sở hạ tầng chuyên chở đã đạt được một vài thành quả và có thể đã cắt khoảng phân nửa mức lợi nhuận. Nhưng các nhà phân tích và cư dân ở lãnh thổ mà nhóm này kiểm soát cảnh báo rằng tổ chức thánh chiến có nhiều cách khác để tự tài trợ, trong đó có việc đòi tiền chuộc mạng các con tin.
Các phần tử chủ chiến của Nhà nước Hồi giáo đã bắt cóc ít nhất 90 người trong tuần này từ các làng xã Cơ đốc giáo Assyria ở đông bắc Syria, theo thông báo hôm thứ ba của một tổ chức theo dõi nhân quyền. Các vụ bắt cóc xảy ra tiếp theo vụ các phần tử chủ chiến có liên hệ với nhóm này ở Libya chặt đầu 21 người Ai Cập theo Cơ đốc giáo.
Chưa rõ liệu IS có chuẩn bị một số phận tương tự cho những người Assyria hoặc sẽ đổi họ để lấy tiền mặt – hàng ngàn người địa phương bị bắt đã được trả tự do sau khi nộp tiền chuộc, theo các nhà hoạt động chính trị, và nhiều con tin Âu châu bị nhóm này bắt giữ năm ngoái đã được đổi lấy tiền chuộc, theo các giới chức Hoa Kỳ và Âu châu không cho biết danh tính.
Những khoản tiền chuộc đã là một nguồn thu nhập đáng kể cho các phần tử khủng bố, nhưng chúng tiêu biểu chỉ cho một phần của nền kinh tế chiến tranh của nhóm này. Các nhà hoạt động chính trị ở Raqqa, bản doanh của IS, nói rằng các phần tử chủ chiến có thoả thuận cung cấp cho thủ đô Damascus của Syria điện lực và dầu khí từ các đập nước và một giếng dầu khí thiên nhiên mà bọn họ kiểm soát để lấy tiền.
“Các thoả thuận bí mật đang sắp kết thúc giữa ISIL và chế độ của ông Assad,” theo ông Abu Ibrahim, một nhà hoạt động thuộc nhóm đối lập Raqqa đang bị âm thầm sát hại, chuyên ghi nhận thành tích của chế độ áp bức chủ chiến. Nhóm này kiểm soát nhiều đập nước ở Syria, trong đó có các đập Teshreen và Al Ba’eth.
Gây gián đoạn cho việc tài trợ nhóm này đã là một phần then chốt trong sách lược tiêu diệt phe chủ chiến kể từ khi liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo bắt đầu các cuộc không kích hồi tháng 9 sau khi một cuộc nổi dậy do phe thánh chiến cầm đầu được tổ chức ở khắp miền bắc và miền tây Iraq.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã phê chuẩn một nghị quyết chống khủng bố hồi năm ngoái yêu cầu các quốc gia thành viên nhắm mục tiêu vào việc tài trợ cho các nhóm khủng bố. Một phần lớn trong 2 ngàn vụ không kích của liên minh là nhắm vào các cơ sở dầu khí và những tuyến đường và xe tải mà phe chủ chiến dùng để chuyên chở dầu thô đi bán ở các lân quốc, như Thổ Nhĩ Kỳ.
Tiền thu được từ việc đưa lậu dầu được sử dụng để trả lương cho chiến binh và cung cấp tài chính cho các hoạt động quân sự.
Theo Bộ Chỉ huy miền trung Hoa Kỳ, IS đang sản xuất từ 300 đến 500 thùng dầu mỗi ngày. Các giới chức Hoa Kỳ ước tính một nỗ lực gia tăng của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hạn chế việc đưa lậu dầu ở biên giới và tình trạng giá dầu sụt trên toàn cầu đã cắt giảm phân nửa trong 2 triệu đôla mỗi ngày trong khoản tiền phe chủ chiến kiếm được qua việc chở lậu dầu.
Nhưng các giới chức Hoa Kỳ thừa nhận rằng ngăn cản tổ chức thánh chiến kiếm lời từ dầu hoả vẫn là một công tác to lớn. Họ nói nhóm này chỉ nhận được khoảng 5 phần trăm thu nhập của mình từ sự đóng góp của các cảm tình viên giàu có ở vùng Vịnh. Nhưng họ rất tinh vi về tài chính và có tổ chức cao trong việc sử dụng cư dân trong lãnh địa mà họ kiểm soát để nẩy sinh nguồn thu nhập.
Hình ảnh mà các nhà hoạt động vẽ ra là một cơ sở kinh doanh tàn nhẫn điều hành bởi những ông chủ quyết tâm thu từng xu tiền lời. Các thủ lãnh chủ chiến ưu tiên hoá rất nhanh những gì có thể cướp được khi họ chiếm lãnh một phần đất mới, và có một sự quản lý nghiêm nhặt các nguồn lợi. Abdullah, một người hoạt động đối lập ở Tel Rifaat ở bắc Syria, nói: “Các chiến binh IS không ăn cắp cho riêng họ - họ không dám làm như vậy. Tất cả đều được giám sát.”
Các nhà hoạt động chính trị ở Raqqa nói các phần tử chủ chiến quyết tâm bù đắp cho khoản thất thu từ thu nhập dầu khí. Tài sản chiếm hữu được từ các đối thủ được đem bán đấu giá. Tại Raqqa và các thị trấn khác của Syria, kể cả al-Bab, các phần tử chủ chiến đang đòi tiền thuê nhà của cư dân sống trong những căn nhà công cộng và của các chủ tiệm buôn bán từ tài sản quốc doanh. Họ cũng đã yêu cầu đóng những khoản tiền lớn tiền thuê nhà chưa trả cho chính phủ Syria, trong một số trường hợp kể từ lúc khởi sự cuộc nội chiến vào năm 2011.
Một sinh viên ở al-Bab tên là Mohammed, có cha mở một cửa hàng ở Raqqa, cho biết, “Những khoản tiền đó rất lớn và họ đã tăng tiền thuê nhà.” Anh này không cho biết họ vì sợ bị trả thù. “Họ vắt kiệt tất cả số tiền mà họ có thể lấy được.”
Thu nhập của phe chủ chiến tuồn vào Raqqa gồm việc bắt các hộ gia đình trả tiền cho việc sử dụng năng lượng, đường dây điện thoại trong nhà, và các dịch vụ công cộng cao hơn so với chính phủ Assad. Abu Ibrahim nói, “Những khoản thuế này đem lại một luồng tiền mặt lớn.” Nhà hoạt động này nói tiền thuế, tiền thuê nhà, và lệ phí được nộp cho cơ quan an ninh chủ chiến al-Hisba hàng tháng.
Cộng với những khoản lệ phí đó là thuế đánh vào hàng hoá gửi vào vùng đất do IS kiểm soát và những khoản tiền phạt gắt gao áp dụng cho những vụ vi phạm luật Sharia nghiêm khắc, kể cả việc không đi đến nhà thờ hay đến dự lễ cầu kinh trễ. Những vi phạm các luật lệ Sharia theo cách diễn dịch khắt khe của phe chủ chiến có thể gồm cả việc đánh bằng roi và tử hình cho những vi phạm nghiêm trọng nhất, trong đó có tội ngoại tình, hút thuốc và uống rượu.
Nhưng để có thể có thêm thu nhập, những người thực thi công lực đang “điều chỉnh” luật Sharia. Chẳng hạn, những cửa hàng ở Raqqa bị buộc phải đóng cửa vào giờ cầu kinh, nhưng ‘Nay có thể tránh việc này bằng cách nộp một khoản tiền phạt,’ theo ông Abu Ibrahim. Sử dụng ma tuý là một trọng tội, nhưng các nhà hoạt động ở Raqqa nói các phần tử chủ chiến đang giám sát việc trồng cây cần sa ở ngoại vi thị trấn để đem bán ở Thổ Nhĩ Kỳ.