Trong tuần này những kẽ vũ trang và những tay đánh bom đã giết chết hơn 60 người nhưng các chính trị gia tại Iraq vẫn chưa thành lập được một chính phủ.
Người dân Iraq vẫn phải sống trong tình trạng tranh tối tranh sáng trong suốt tám tháng nay sau cuộc tổng tuyển cử. Ngoài đường phố chẳng có mấy an ninh và không có thỏa thuận trong chính phủ.
Ông Najim al-Jabouri, cựu thị trưởng thành phố Tal Afar, nằm về phía tây Mosul, rất sợ về những ý nghĩa mà tình hình này bao hàm. Ông nói:
"Hàng ngày chúng tôi thấy tình hình rất tệ và chúng tôi lo ngại rằng trong tương lai nội chiến sẽ xảy ra."
Thế nhưng cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Iraq, ông Christopher Hill, vẫn lạc quan. Ông vừa nghỉ hưu trong tuần này, thôi không làm việc với bộ Ngoại giao nữa, sau 16 tháng giữ nhiệm sở tại Iraq. Ông cho biết:
“Sẽ có một chính phủ và chính phủ này bao gồm cả người Kurd, người Hồi giáo Sunni và Hồi giáo Shia. Vấn đề là các chức vụ sẽ do ai nắm giữ."
Thượng tướng hồi hưu của Hoa Kỳ Jim Dubik nói rằng chậm trễ trong việc thành lập chính phủ sẽ gây nên những quan ngại về an ninh. Ông nói:
“Càng kéo dài thời gian thành lập chính phủ thì càng tạo cơ hội cho phe nổi dậy tuyên truyền rằng kinh tế không vận hành được, chính phủ thì không hoạt động. Nhân dân cần quay sang ủng hộ cho họ, họ sẽ chỉnh đốn lại mọi chuyện cho quốc gia vận hành tốt đẹp."
Cựu thị trưởng Najim al-Jabouri nói rằng các chính trị gia Iraq đang tranh giành quyền lực, người nào cũng chỉ muốn trở thành nhà độc tài kế tiếp. Theo ông "Những chính trị gia đang tranh giành với nhau để chiếm cho bằng được chiếc ghế vì họ nghĩ rằng bất cứ ai mà ngồi được vào địa vị đó sẽ ở lỳ giống như mọi lãnh đạo khác trong khu vực."
Tuy nhiên cựu Đại sứ Hill tiên đoán rằng sẽ có một nỗ lực để hạn chế thời hạn cầm quyền tại Iraq. Ông nói rằng dân chủ đã bắt đầu bén rễ tại quốc gia này:
”Mặc dù là tiến trình chính trị này vẫn còn rất khó khăn, nhưng nếu quí vị nhìn vào những gì diễn ra ở Iraq, hiểu theo nghĩa tự do báo chí, tự do ngôn luận thì những quyền này đang hiện hữu rất nhiều tại đây. Ở đó người dân đã hấp thụ được ý niệm về những quyền tự do cá nhân này."
Ông Hill nói rằng Hoa Kỳ trông mong sẽ tiếp tục có quan hệ với tân chính phủ Iraq. Ông nói:
“Trong lúc quân đội Hoa Kỳ triệt thoái, những quyền lợi của Hoa Kỳ tại Iraq vẫn còn. Iraq sẽ là một nước quan trọng trong thị trường dầu khí và sẽ thu lợi được rất nhiều từ nguồn dầu của họ.”
Với việc Iraq đang cho các công ty dầu khí toàn cầu được hưởng những hợp đồng khai thác dầu, cựu Đại sứ Hill nói rằng các quốc gia khác cũng sẽ chú trọng đến sự thành công trong việc thành lập một chính phủ của Iraq.
Lữ đoàn chiến đấu cuối cùng của Hoa Kỳ đã rời khỏi Iraq theo thời biểu rút quân của chính quyền Tổng thống Obama. Thế nhưng chưa thấy bạo động tại Iraq chấm dứt, mà tình hình bất trắc chính trị cũng chưa kết thúc.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1