Đường dẫn truy cập

Iran, nhóm P5+1 mở đàm phán hạt nhân


Các thành viên của phái đoàn Iran tại bàn đàm phán ở Almaty, Kazakhstan, ngày 26/2/2013.
Các thành viên của phái đoàn Iran tại bàn đàm phán ở Almaty, Kazakhstan, ngày 26/2/2013.

Tranh chấp về chương trình hạt nhân của Iran vẫn bế tắc

Diễn biến liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran trong năm 2012


Tháng Giêng: Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế IAEA xác nhận Iran tinh chế uranim tới 20%.

Tháng Hai: Các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc chấm dứt thảo luận tại Tehran mà không được thanh sát cơ sở quân sự bị tranh chấp tại Parchin.

Tháng Ba: Các cường quốc đồng ý mở lại thảo luận với Iran, dịp này, Iran hứa sẽ để cho các thanh sát viên tới Parchin, có điều kiện đi kèm.

Tháng Tư: Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad tỏ quyết tâm Iran không từ bỏ quyền theo đuổi chương trình hạt nhân.

Tháng Năm: Các giới chức Liên Hiệp Châu Âu thảo luận với Iran tại Baghdad và tìm thấy một số điểm chung.

Tháng Sáu: Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Hoa Kỳ, và Đức hội họp với Iran tại Moscow.

Tháng Bảy: Liên Hiệp Châu Âu bắt đầu cấm toàn bộ nhập khẩu dầu của Iran, Hoa Kỳ nới rộng các biện pháp chế tài.

Tháng Chín: IAEA đòi tới thanh sát cơ sở Parchin, Iran gọi các biện pháp chế tài của Liên Hiệp Châu Âu là “vô trách nhiệm.”
Nhóm quốc gia được gọi là P5+1, gồm Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Ðức, sẽ họp với các đại diện của Iran trong ngày hôm nay tại Kazakhstan. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Andre de Nesnera tại thủ đô Washington, đây là cuộc họp đầu tiên giữa các bên từ 8 tháng nay và sẽ tập trung một lần nữa vào chương trình vũ khí hạt nhân mà Iran bị nghi ngờ.

Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu tin rằng Iran đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng Tehran nói chương trình của họ là nhắm các mục tiêu dân sự và hòa bình.

Từ nhiều năm nay, cộng đồng quốc tế đã tìm cách thuyết phục Iran đề chấm dứt chương trình tinh chế hạt nhân của họ - nhưng không đạt được kết quả. Uranium được tinh chế ở độ thấp có thể được sử dụng cho các nhà máy điện hạt nhân, nhưng nếu được tinh chế ở độ cao, thì uranium là một phần cấp thiết của một quả bom hạt nhân.

Ông Daryl Kimball, giám đốc điều hành của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, một công ty khảo cứu tư nhân, nói rằng kể từ vòng đàm phán lần trước vào tháng 6 năm ngoái, Iran đã tiếp tục thực hiện được tiến bộ dần dà nhưng chắc chắn trong chương trình tinh chế uranium của họ.

Ông Kimball nói: “Iran đã thiết đặt thêm các máy ly tâm ở khu nhà máy hạt nhân Fordow là khu nhà máy kiên cố dưới mặt đất. Cơ sở đó nay có gần 3.000 máy ly tâm, tuy chỉ có khoảng chưa đầy 1/3 số đó là đang hoạt động.”

Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế mới đây nói rằng Iran đã bắt đầu thiết đặt một thế hệ mới các máy ly tâm tại nhà máy tinh chế Natanz.

Và cơ quan này nói Tehran tiếp tục tinh chế uranium ở mức 20%. Các chuyên gia nói uranium ở mức có thể chế tạo vũ khí phải được tinh chế tới độ đậm đặc là 90 phần trăm để có thể được sử dụng như chất liệu gây nổ trong một quả bom hạt nhân.

Nhiều chuyên gia, trong đó có ông Joel Rubin thuộc Quỹ Ploughshares, một tổ chức an ninh toàn cầu, nói rằng Iran vẫn còn lâu mới đạt được mục tiêu sản xuất vũ khí hạt nhân của họ.

Ông Rubin nói: “Tuy nhiên, sự quan ngại là Iran đang đặt nền tảng cho khả năng tiến tới việc chế tạo bom, là họ đang thiết đặt các máy ly tâm hiện đại và hoàn thiện tiến trình tinh chế đến điểm mà họ sẽ phải quyết định, sau đó thì họ sẽ tiến gần hơn đến mục tiêu. Nhưng chúng ta chưa ở điểm đó.”

Trong một nỗ lực làm áp lực buộc Iran phải chấm dứt chương trình tinh chế hạt nhân, trong mấy năm vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qa các nghị quyết áp đặt các biện pháp chế tài Iran. Ngoài ra, nhiều quốc gia khác, kể cả Hoa Kỳ, đã áp đặt các biện pháp riêng của họ.

Ông Joel Rubin và những người khác cho rằng các biện pháp chế tài này đã tác động mạnh đến nền kinh tế Iran.

Ông Rubin cho biết: “Ðiều mà các biện pháp này đã làm vượt quá cả các hình phạt mà chúng đã gây ra, chúng còn quy tụ được sự đoàn kết quốc tế về vấn đề chương trình hạt nhân của Iran. Trung Quốc và Nga tham gia rất nhiều vào các biện pháp chế tài này, cũng như Liên hiệp châu Âu, ngoài Hoa Kỳ.”

Các biện pháp chế tài nằm trong khuôn khổ các cuộc thảo luận khi các đại diện của 6 quốc gia và Iran họp tại Almaty ở Kazakhstan.

Các chuyên gia nói vấn đề là Iran sẵn sàng tiến hành các bước cụ thể nào - tỷ như hạn chế chương trình tinh chế uranium, để đổi lấy việc nới lỏng chế tài?

Ông Bruce Laingen là nhà ngoại giao Mỹ kỳ cựu ở Tehran khi ông cùng với 51 người Mỹ khác bị Iran bắt làm con tin vào năm 1979 và bị giam giữ trong 444 ngày. Ông nói cuộc họp Almaty quan trọng chỉ vì bởi vì nó đang diễn ra.

Ông Laingen nói: “Ngoại giao luôn là con đường phải theo. Tôi là một nhà ngoại giao. Tôi đã sống với vấn đề này rất lâu. Ðó là một công cụ luôn có sẵn, ngoại giao là đàm phán, bàn luận giữa những bên chính có liên quan. Nhưng sẽ không đem lại kết quả gì cho đến khi các bên chính liên quan có một mức độ khích lệ nào đó từ phía giới lãnh đạo ở cả hai nước. Ta không thể có được một tiến trình ngoại giao trừ phi có một mức độ hòa giải, thỏa hiệp về phía cả hai bên.”

Nhiều chuyên gia không trông đợi đạt được mấy tiến bộ tại các cuộc đàm phán ở Almaty bởi lẽ Iran dự trù sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 6. Các chuyên gia nói điều đó sẽ khiến cho các giới chức Iran khó mà nhượng bộ tại các cuộc đàm phán này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG