Đường dẫn truy cập

Iran phủ nhận bắt tàu và thủy thủ Hàn Quốc làm con tin


Hãng thông tấn Tasnim News hôm 4/1/2021 đăng hình ảnh cho thấy tàu của Hàn Quốc bị tàu cảnh sát biển Iran áp tải về vì cáo buộc "vi phạm môi trường".
Hãng thông tấn Tasnim News hôm 4/1/2021 đăng hình ảnh cho thấy tàu của Hàn Quốc bị tàu cảnh sát biển Iran áp tải về vì cáo buộc "vi phạm môi trường".

Hôm 5/1, Iran phủ nhận việc họ đang giam giữ một tàu Hàn Quốc và thủy thủ đoàn để làm con tin, một ngày sau khi nước này bắt giữ con tàu chở dầu ở Vùng Vịnh trong khi thúc ép Seoul phải giải phóng số tiền 7 tỷ đô la bị đóng băng theo lệnh trừng phạt của Mỹ, Reuters đưa tin.

Vụ bắt giữ tàu MT Hankuk Chemi và 20 thuyền viên Hàn Quốc ở khu vực gần eo biển chiến lược Hormuz được coi là nỗ lực của Tehran nhằm khẳng định yêu cầu của họ, chỉ hai tuần trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức tại Hoa Kỳ.

Iran muốn ông Biden dỡ bỏ các lệnh trừng phạt do Tổng thống Donald Trump áp đặt.

Những người chỉ trích Tehran lâu nay cáo buộc nước này sử dụng việc bắt giữ tàu và tù nhân nước ngoài như một phương cách để đạt được lợi thế trong các cuộc đàm phán.

“Chúng tôi đã quen với những cáo buộc như vậy”, Reuters dẫn lời người phát ngôn chính phủ Iran, Ali Rabiei, nói trong một cuộc họp báo. “Nhưng nếu có bất kỳ vụ bắt giữ con tin nào, thì việc chính phủ Hàn Quốc đang giam giữ 7 tỷ đô la, vốn thuộc về chúng tôi, để làm con tin là vô căn cứ”.

Hàn Quốc đã triệu tập đại sứ Iran, kêu gọi thả con tàu và cho biết họ đang cử một phái đoàn tới Iran để thảo luận. Iran nói rằng con tàu đã bị bắt giữ do vi phạm môi trường.

Khả năng của Iran trong việc thách thức các hoạt động vận tải biển ở Vùng Vịnh là một trong những đòn bẩy chính của Iran trong cuộc đàm phán được cho là khó khăn khi chính quyền Biden nhậm chức vào ngày 20 tháng 1.

Năm 2019, Iran đã bắt giữ một tàu chở dầu của Anh trong vòng hai tháng.

Cũng giống như các quốc gia khác, Hàn Quốc được yêu cầu hạn chế quyền truy cập của Iran vào hệ thống tài chính của họ theo lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, vốn được áp đặt bởi Tổng thống Trump sau khi ông rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân đã đạt được với Iran dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama.

Iran nói rằng các lệnh trừng phạt là bất hợp pháp và gây tổn hại cho nền kinh tế của nước này, bao gồm cả khả năng ứng phó với đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất ở Trung Đông.

Ông Biden đặt mục tiêu khôi phục thỏa thuận hạt nhân, nhưng theo Reuters, bất kỳ nỗ lực tan băng nào cũng có khả năng gây ra thách thức ngoại giao.

Kể từ khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận, Iran đã có những vi phạm các điều khoản của thỏa thuận này.

Ông Biden nói Iran phải hoàn toàn tuân thủ trước khi thỏa thuận có thể được khôi phục, trong khi Iran nói rằng Washington trước tiên phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Hôm 4/1, Tehran thông báo họ đã tăng cường làm giàu uranium tại một cơ sở dưới lòng đất, động thái mới nhất vi phạm các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG