Đường dẫn truy cập

Iran kiện Mỹ ra Tòa án Thế giới về các chế tài mới


Iran nói những chế tài mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, áp đặt lên Tehran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với nước này, vi phạm một hiệp ước kí với Iran từ trước cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979.
Iran nói những chế tài mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, áp đặt lên Tehran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với nước này, vi phạm một hiệp ước kí với Iran từ trước cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979.

Iran đã đệ đơn kiện chống lại Mỹ với cáo buộc rằng quyết định của Washington vào tháng 5 áp đặt chế tài sau khi rút khỏi một thỏa thuận hạt nhân là vi phạm hiệp ước năm 1955 giữa hai nước, Tòa án Công lý Quốc tế cho biết hôm thứ Ba.

Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran mà người tiền nhiệm của ông là Barack Obama và các cường quốc khác đạt được, đồng thời ra lệnh áp đặt những chế tài nghiêm khắc của Mỹ lên Tehran. Theo thỏa thuận năm 2015, mà ông Trump coi là đầy khiếm khuyết, Iran đã kiềm chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi của họ dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc và đổi lại được giảm bớt các chế tài quốc tế.

Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), còn được gọi là Tòa án Thế giới, là một tòa án của Liên Hiệp Quốc phụ trách giải quyết các tranh chấp quốc tế. Đơn khiếu nại của Iran yêu cầu ICJ ra lệnh cho Mỹ tạm thời dỡ bỏ các chế tài của họ trước khi có các lập luận chi tiết hơn.

“Iran theo đuổi pháp trị khi đứng trước sự khinh thường của Mỹ đối với ngoại giao và các nghĩa vụ pháp lí,” Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói trong một thông cáo hôm thứ Hai liên quan đến vụ kiện của Tehran tại ICJ.

Iran nói trong thông cáo rằng hành động của ông Trump “đã vi phạm và tiếp tục vi phạm nhiều điều khoản” của Hiệp ước Thân hữu, Quan hệ Kinh tế và Quyền Lãnh sự, đã kí từ lâu trước cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979 lật đổ quốc vương thân Mỹ và mở ra hàng thập niên quan hệ thù địch với Washington.

Không thể liên lạc được tức thì với Bộ Ngoại giao Mỹ để yêu cầu bình luận, Reuters cho hay.

Trong một vụ kiện do Iran đệ trình vào năm 2016 căn cứ trên cùng hiệp ước năm 1955, Washington lập luận rằng ICJ không có thẩm quyền. Tòa án này đã lên lịch tổ chức các phiên nghe chứng trong vụ kiện đó vào tháng 10.

Bước tiếp theo trong vụ kiện mới của Iran sẽ là một phiên nghe chứng mà trong đó Mỹ có phần chắc sẽ tranh luận liệu có căn cứ để đưa ra phán quyết tạm thời hay không. Tòa án vẫn chưa định bất kì ngày nào, nhưng các phiên nghe chứng về các yêu cầu phán quyết tạm thời thường được nghe trong vòng vài tuần, với phán quyết được đưa ra trong vòng vài tháng.

Mặc dù ICJ là tòa án cao nhất của Liên Hiệp Quốc và các quyết định của họ mang tính ràng buộc, họ không có thẩm quyền để thi hành, và các nước - kể cả Mỹ - từng phớt lờ các phán quyết này mấy lần.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG