Iran đã tiến hành các cuộc tấn công phi đạn vào ba quốc gia khác nhau trong tuần này – Iraq, Syria và Pakistan – trong khi các nhóm chiến binh ủy nhiệm mà Iran hậu thuẫn tiếp tục nhắm vào các lợi ích của Mỹ và phương Tây cũng như chống lại Israel, làm dấy lên lo ngại xung đột có thể nhấn chìm Trung Đông và lan sang các khu vực khác.
Tại sao Iran tiến hành các cuộc tấn công ở Pakistan, Iraq, Syria?
Các cuộc tấn công của Iran vào Iraq, Syria và Pakistan đều nhằm đáp trả các cuộc tấn công được thực hiện trên lãnh thổ Iran hoặc nhắm vào các mục tiêu Iran.
Tehran hôm 16/1 nói họ đã bắn phi đạn vào các phần tử hiếu chiến Nhà nước Hồi giáo ở Syria, để đáp trả vụ đánh bom giết chết hàng chục người tại lễ tưởng niệm vị chỉ huy nổi tiếng Qassem Soleimani ở miền trung Iran hôm 3/1. Tướng Soleimani là kiến trúc sư chính của mạng lưới bán quân sự ủy nhiệm của Iran trong thế giới Ả Rập. Một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ đã giết chết ông này vào năm 2020.
Các cuộc tấn công của Iran vào Iraq cùng ngày đã đánh trúng những nơi mà Iran cho là các địa điểm gián điệp của Israel - một cáo buộc mà Iraq phủ nhận. Israel đã giết chết các thành viên quan trọng trong đồng minh Hezbollah của Iran ở Li Băng và trong Vệ binh Cách mạng Iran ở Li Băng và Syria.
Tại Pakistan, truyền thông nhà nước Iran cho biết Iran đã phá hủy hai căn cứ của chiến binh Baluchi Jaish al Adl, một nhóm có trụ sở tại Pakistan đã tuyên bố thực hiện vụ tấn công vào tháng 12 giết chết lực lượng an ninh Iran. Pakistan đã tiến hành các cuộc tấn công vào các phần tử hiếu chiến ly khai bên trong Iran hôm 18/1 để đáp trả.
Iran và các lực lượng ủy nhiệm liên quan hiện ở đâu?
Dưới sự chỉ đạo của tướng Soleimani, Iran đã gầy dựng một mạng lưới lực lượng ủy nhiệm ở một số quốc gia Ả Rập, mạng lưới này đã phát triển trong những năm sau khi Mỹ xâm lược Iraq năm 2003 và đã mọc lên như nấm kể từ đó.
Iran phủ nhận việc họ chỉ đạo chặt chẽ các lực lượng ủy nhiệm của mình trong các cuộc tấn công và nói rằng các lực lượng này hành động theo sáng kiến riêng. Iran nói họ ủng hộ rộng rãi các hành động chống Israel và chống Mỹ của những lực lượng này.
Iran vũ trang và huấn luyện các nhóm hoạt động trong các khu vực sau:
Dải Gaza
Iran ủng hộ các nhóm Hồi giáo người Palestine là nhóm Hamas và nhóm Thánh chiến Hồi giáo. Hamas, những người cai trị Dải Gaza, đã thực hiện cuộc tấn công chết người vào ngày 7/10/2023 nhắm vào Israel, gây ra cuộc chiến tranh Trung Đông hiện nay. Iran tự coi mình là nhà tiên phong trong cuộc kháng chiến của người Palestine chống lại sự chiếm đóng của Israel. Hamas đang chiến đấu với quân đội Israel tại Gaza.
Iraq
Tehran ủng hộ các chiến binh Shi'ite ở Iraq trong thời gian Mỹ chiếm đóng và đã duy trì những mối liên hệ đó. Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF) gồm 150.000 thành viên, một nhóm lực lượng bán quân sự Iraq được nhà nước bảo trợ, bị chi phối bởi các nhóm được vũ trang mạnh mẽ và thiện chiến trung thành với Iran và có quan hệ chặt chẽ với Vệ binh Cách mạng Iran.
Các nhóm PMF đã tấn công các căn cứ của Mỹ bằng rốc-két trong hàng chục cuộc tấn công ở Iraq và Syria. Washington đã đáp trả bằng các cuộc không kích, trong đó có vụ tấn công giết chết một chỉ huy ở Baghdad.
Syria
Syria là tuyến đường trung chuyển quan trọng đối với các lực lượng ủy nhiệm của Iran giữa Iraq và Li Băng. Sau khi cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu vào năm 2011, Iran đã can thiệp để hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad, triển khai các cố vấn và chiến binh từ Iraq, Pakistan và Afghanistan. Hezbollah ở Li Băng đã chiến đấu cùng với các nhóm này để bảo vệ ông Assad. Họ vẫn được triển khai trên khắp Syria.
Li Băng
Hezbollah là đồng minh quân sự trung thành nhất của Tehran. Được thành lập vào những năm 1980 để chống lại quân đội Israel ở Li Băng, lực lượng này có kho vũ khí gồm hàng chục nghìn rốc-két và các chiến binh được huấn luyện đầy dủ, những người đã chiến đấu với người Hồi giáo dòng Sunni trong nhiều năm ở Syria. Hezbollah đang thực hiện các cuộc tấn công hàng ngày chống lại quân đội Israel dọc biên giới Li Băng-Israel.
Yemen
Nhóm Houthi của Yemen đã chiếm giữ phần lớn Yemen vào năm 2014 và đã chiến đấu chống lại những người được Ả Rập Xê-Út hậu thuẫn để giành quyền thống trị quốc gia vùng Vịnh bị chiến tranh tàn phá này. Tehran lần đầu tiên ủng hộ người Houthi trong cuộc chiến chống lại đối thủ vùng Vịnh Riyadh. Nhóm Houthi - hay Ansar Allah, tên chính thức của nhóm - hiện bắn phi đạn vào Israel và vào các tàu buôn và tàu chở dầu ở Biển Đỏ. Hoa Kỳ đã tấn công các mục tiêu của Houthi ở Yemen.
Các cuộc tấn công này có liên kết với chiến tranh Israel-Gaza không?
“Trục kháng cự” do Iran hậu thuẫn - cái tên mà Tehran và các lực lượng ủy nhiệm của họ sử dụng cho hành động phối hợp chống lại kẻ thù của họ - đều nói rằng hành động của họ kể từ ngày 7/10/2023 là để đáp trả việc Israel bắn phá và xâm lược Gaza.
Houthi, Hezbollah và các nhóm khác tuyên bố chỉ dừng các cuộc tấn công khi nào Israel ngừng tấn công người Palestine.
Mục tiêu của họ có giống nhau không?
Iran và các lực lượng ủy nhiệm có chung mục tiêu là ngăn chặn cuộc bắn phá của Israel vào Gaza và đẩy quân đội Mỹ ra khỏi khu vực một lần dứt điểm.
Ngoài ra, họ còn có những lợi ích riêng.
Hezbollah là nhóm quyền lực nhất ở Li Băng và quản lý một nền kinh tế đang rơi tự do. Hezbollah tìm cách tránh sự leo thang hơn nữa của cuộc xung đột hoặc hành động quân sự mạnh mẽ của Israel, điều có thể thách thức vị thế của họ ở quê nhà.
Theo các nhà phân tích, phe Houthi đang tìm cách duy trì quyền kiểm soát ở Yemen và đã sử dụng cuộc chiến mới nhất như một phương tiện để khẳng định sức mạnh quân sự cũng như tầm quan trọng trong khu vực. Mức độ kiểm soát của Iran đối với hành động của Houthi còn là đề tài tranh cãi.
Lực lượng Huy động Nhân dân PMF đã làm giàu cho chính mình bằng cách thống trị phần lớn đất nước và nền kinh tế ở Iraq. Theo một số quan chức, các nhóm trung thành hơn với Iran tuân theo mệnh lệnh của Tehran, nhưng những nhóm khác lại tìm kiếm tiền bạc và quyền lực và tin rằng một cuộc xung đột trong khu vực có thể làm đảo lộn sự thống trị của họ ở Iraq.
Theo Reuters, Hamas đã gây bất ngờ cho Iran và các thành viên khác trong “Trục kháng cự” bằng cuộc tấn công ngày 7/10/2023. Iran tìm cách chấm dứt sự chiếm đóng của Israel và muốn đảm bảo rằng vấn đề Palestine không bị lãng quên trong khi Israel phát triển mối quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh.
Chuyện gì đang xảy ra tại Iran?
Các cuộc biểu tình trên toàn quốc đã khiến Iran chấn động vào năm 2022 và 2023, đồng thời khiến chính phủ phải tiến hành một cuộc đàn áp tàn bạo. Các cuộc biểu tình là thách thức nghiêm trọng nhất trong nhiều năm đối với sự cai trị của giáo sĩ Shi'ite mà cuộc cách mạng năm 1979 của Iran đã mở ra.
Iran tiếp tục đàn áp những người bất đồng chính kiến trong nước nhưng trong tháng này đã bị rung chuyển bởi vụ tấn công vào lễ tưởng niệm Soleimani mà Nhà nước Hồi giáo tuyên bố nhận trách nhiệm.
Các cuộc tấn công của Jaish al Adl, một nhóm cực đoan Sunni khác, đã khiến nhiều người Iran đặt câu hỏi liệu chính phủ Tehran có thể đảm bảo an ninh trong nước của họ hay không.
Nga có thể tham gia vào xung đột không?
Nga và Iran đã trở nên thân thiết hơn trong những năm gần đây, đoàn kết trong sự cô lập quốc tế dưới các chế tài của Mỹ và sự chống đối của họ đối với sự thống trị toàn cầu của Mỹ. Iran cung cấp cho Moscow máy bay không người lái để tấn công các thành phố của Ukraine. Cả hai nước đều can thiệp vào Syria để cứu đồng minh chung của họ là Tổng thống Assad.
Tuy nhiên, Nga đã tỏ ra cảnh giác trước sự bùng nổ giữa Iran-Pakistan và kêu gọi Tehran và Islamabad giải quyết sự khác biệt của họ thông qua ngoại giao.
Tình hình có thể leo thang thêm?
Các quan chức và giới phân tích phương Tây và khu vực đều cho rằng Iran muốn tránh đối đầu quân sự trực tiếp với Mỹ hoặc Israel, nhưng sẵn sàng sử dụng lực lượng ủy nhiệm của mình để giữ quân đội của cả hai kẻ thù đó bận rộn trong khu vực.
Nguy cơ leo thang lớn nhất nằm ở việc tính toán sai một cuộc tấn công do một bên là Iran và các lực lượng ủy nhiệm của Iran thực hiện, hoặc do bên kia là Mỹ và các đồng minh của Mỹ thực hiện - chẳng hạn như việc giết lính Mỹ.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm 18/1 nói các cuộc đụng độ giữa Iran và Pakistan trong tuần này cho thấy các nước trong khu vực không ưa Iran. Tòa Bạch Ốc khẳng định không muốn chứng kiến sự leo thang.
Pakistan đã tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào các chiến binh ly khai bên trong Iran hôm 18/1, trong một cuộc tấn công trả đũa hai ngày sau khi Tehran tuyên bố đã tấn công các căn cứ của một nhóm khác trong lãnh thổ Pakistan.
“Như quý vị có thể thấy, Iran không được ưa, đặc biệt trong khu vực, và điều này sẽ đi đến đâu, chúng tôi hiện đang xem xét. Tôi không biết chuyện này sẽ ra sao,” Tổng thống Biden nói.
Hoa Kỳ đang bị vướng vào một cuộc thử thách ý chí với Iran về việc Iran hỗ trợ cho phiến quân Houthi ở Yemen, phe đã tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào hoạt động vận chuyển thương mại ở Biển Đỏ.
Phát ngôn viên an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby cho hay Washington đang theo dõi chặt chẽ các cuộc đụng độ Iran-Pakistan.
Ông Kirby nói: “Chúng tôi không muốn thấy sự leo thang rõ ràng ở Nam và Trung Á. Và chúng tôi đang liên lạc với những người đồng cấp Pakistan”.
Ông Kirby nhấn mạnh cuộc tấn công vào Pakistan là một ví dụ nữa về hành vi gây bất ổn của Iran trong khu vực.
Diễn đàn