Xung đột giữa Iran và Anh Căng thẳng giữa Anh và Iran đã có từ thế kỷ 19 khi London được những nhượng bộ kinh tế lớn lao. Sau đó Anh đã chiếm được quyền kiểm soát đáng kể trong công nghiệp dầu của Iran. Từ nhiều thập niên, những người Iran bị ám ảnh về những âm mưu đã lên án sự can thiệp của Anh vào Iran, trong đó có việc lật đổ Quốc vương Shah của Iran năm 1979. Quốc vương hiện đã qua đời. Sau đây là một số những sự kiện gần đây hơn:
|
Hàng trăm sinh viên Iran đã tụ tập bên ngoài đại sứ quán Anh ở Tehran ngày hôm qua và hô to các khẩu hiệu “đả đảo Anh” để phản đối các biện pháp chế tài.
Một số người biểu tình đã leo qua hàng rào sứ quán trước khi xông vào đập phá cơ sở ngoại giao này. Những người mục kích nói rằng có một người biểu tình vẫy hình của Nữ hoàng Anh.
Nhân viên sứ quán đã dùng cửa sau để chạy ra khoài.
Iran bày tỏ hối tiếc về vụ việc này. Nhưng ngoại trưởng Anh William Hague nói rằng điều đó chưa đủ.
Ngoại trưởng Hague nói: "Chúng tôi muốn chính phủ Iran chịu trách nhiệm về việc đã không thực hiện những biện pháp thích đáng để bảo vệ cho sứ quán của chúng tôi như họ phải làm. Rõ ràng là sẽ có những hậu quả khác nữa, nghiêm trọng hơn."
Giới hữu trách Anh hối thúc công dân của họ ở Iran “hãy ở trong nhà và tránh gây chú ý cho người xung quanh.”
Vụ tấn công hôm qua xảy ra hai ngày sau khi quốc hội Iran biểu quyết để giảm cấp các mối quan hệ ngoại giao với London.
Tuần trước, Anh đã tăng cường các biện pháp chế tài Iran, trong đó có việc cắt đứt toàn bộ các mối liên hệ với các ngân hàng Iran. Hoa Kỳ và Canada cũng siết chặt các biện pháp chế tài Iran.
Những biện pháp vừa kể được thực hiện sau khi Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế công bố bản phúc trình cho thấy Tehran vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu thủ đắc vũ khí hạt nhân.
Ông Andrea Berger, một nhà phân tích của tổ chức RUSI ở London, cho biết phúc trình của IAEA làm cho các nước Tây phương cảm thấy khó có thể tiếp tục kiên nhẫn với Iran.
Ông Berger nói: "Con đường ngoại giao để ép buộc Iran từ bỏ vũ khí hạt nhân có lẽ đã không còn được theo đuổi một cách tích cực như trước nữa, và chúng ta có lẽ đang theo đuổi những phương thức cứng rắn hơn, như chế tài chẳng hạn."
Tuy những mối căng thẳng đã gia tăng một cách đột ngột, ông Berger cho rằng phúc trình của IAEA không hề ngụ ý là Iran sắp sửa trở thành một nước có vũ khí hạt nhân.
Ông Berger nói tiếp: "Kết luận không dứt khoát của phúc trình này đối với vấn đề chương trình hạt nhân Iran có thể có những khía cạnh quân sự gợi ý rằng họ không có bằng chứng chắc chắn. Tuy nhiên các cường quốc thế giới không nên vì thế mà lơ là và không theo đuổi các chính sách như chế tài."
Truyền thông Anh đã so sánh những cảnh tượng ngày hôm qua với vụ tấn công đại sứ quán Hoa Kỳ ở Tehran năm 1979, khi các phần tử chủ chiến Iran bắt 52 người Mỹ làm con tin trong hơn 1 năm.
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã lên án vụ này.
Các nhà phân tích nói rằng chỉ trong vòng vài ngày, các mối quan hệ giữa Iran với các nước Tây phương đã xuống cấp một cách nghiêm trọng.