Trong phúc trình đầu tiên về quyền tự do xuất bản tại Việt Nam, Hiệp hội Xuất bản Quốc tế (IPA) kết luận rằng quy trình kiểm duyệt sách của Việt Nam vừa phức tạp, kém minh bạch, đôi khi phi lý, và cực kỳ quan liêu, theo đó, bắt buộc sách và các tác phẩm viết bằng chữ phải trải qua quá trình tiền và hậu xuất bản.
Báo cáo của IPA cũng đề ra một lộ đồ, với những khuyến nghị cụ thể đối với chính quyền Việt Nam, kêu gọi Hà Nội mở rộng quyền tự do xuất bản hơn nữa.
Phúc trình của IPA được đúc kết sau chuyến đi thực tế Việt Nam hồi cuối năm ngoái do IPA dẫn đầu, và được công bố trên toàn thế giới ngày 17/1 từ Geneva (Thụy Sĩ), nơi đặt nhiều cơ quan của Liên hiệp quốc.
Hiệp hội Xuất bản Quốc tế nhấn mạnh rằng các tổ chức bảo vệ quyền tự do bày tỏ tư tưởng, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc và ASEAN, cần phải tăng cường theo dõi các diễn tiến liên quan đến quyền tự do xuất bản và quyền tự do bày tỏ tư tưởng tại Việt Nam để thúc đẩy Hà Nội thực hiện những cải cách cần thiết.
Ông Smith-Simonsen, Chủ tịch Ủy ban Tự do Xuất bản thuộc IPA, cho biết nguyên do khiến tổ chức của ông quyết định gửi nhóm đi tìm hiểu thực tế tới Việt Nam để đánh giá và hiểu rõ hơn về tình hình tự do xuất bản xuất phát từ vụ nhà thơ Bùi Chát, một nhà xuất bản chui, bị chính quyền bắt giữ và sách nhiễu sau khi nhận Giải thưởng Tự do Xuất bản 2011 của IPA từ Argentina trở về Việt Nam cuối tháng tư năm ngoái.
IPA kêu gọi chính quyền Hà Nội tư nhân hóa lĩnh vực xuất bản như đã từng làm đối với các ngành công nghiệp khác vì đó là bước quan trọng đầu tiên giúp cải thiện tình hình chung về quyền tự do xuất bản ở Việt Nam.
Được thành lập từ năm 1896, Hiệp hội Xuất bản Quốc tế là tổ chức phi chính phủ toàn cầu, có nhiệm vụ phát huy và bảo vệ quyền tự do xuất bản, giúp nâng cao nhận thức của mọi người rằng xuất bản là lực lượng thăng tiến văn hóa và chính trị trên thế giới. Hiện IPA có 65 hiệp hội thành viên tại 53 quốc gia.